Còn dư địa để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - New Zealand
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN
Nhân dịp này, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế New Zealand (NZIIA) đồng thời là cựu Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, ông James Kember đã dành cho phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương buổi trả lời phỏng vấn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm cũng như triển vọng của mối quan hệ song phương Việt Nam - Australia nói riêng và quan hệ ASEAN - New Zealand nói chung.
Cựu Đại sứ Kember cho biết ông rất mong chờ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Luxon vì các chuyến thăm song phương cấp cao thường là sự tôn vinh, ghi nhận một cách trực tiếp và có ý nghĩa những giá trị mà mỗi bên đặt vào mối quan hệ, đồng thời nhằm củng cố mối quan hệ đó. Việc gắn những chuyến thăm như vậy với các cuộc họp khu vực vì sẽ mang lại nhiều ích lợi và hiệu quả hơn.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - New Zealand, cựu Đại sứ Kember cho rằng mối quan hệ đặt trọng tâm vào hợp tác trong các khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều diễn đàn khác, các chuyến thăm và đào tạo quốc phòng, quan hệ xã hội và giao lưu nhân dân, hợp tác phát triển, liên kết kinh tế và thương mại mạnh mẽ. Ông Kember đã chứng kiến điều này trong giai đoạn 2006 - 2009 khi ông giữ cương vị Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nay hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược (từ năm 2020), đặc biệt là Việt Nam đã thay đổi rất nhiều kể từ đó, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% mỗi năm và dân số ngày càng tăng. Thêm vào đó, cả Việt Nam và New Zealand ngày nay đều phải đối mặt với những bất ổn về chính trị và kinh tế thế giới. Theo cựu Đại sứ Kember, đã có rất nhiều việc được thực hiện để mang lại ý nghĩa và sức mạnh cho mối quan hệ Việt Nam - New Zealand. Mặc dù vậy, tiềm năng của mối quan hệ này vẫn chưa được khai thác đầy đủ trong bối cảnh hiện tại. Ông cho rằng trong thời điểm quốc tế bất ổn hiện nay, điều cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam và New Zealand là phải hiểu quan điểm của nhau và tìm ra điểm chung. Bên cạnh đó, cả 2 nước cũng cần tìm cách tăng giá trị của các mối liên kết kinh tế và thương mại, nhất là sự quay trở lại đáng lo ngại của thuế quan và các rào cản thương mại, cũng như sự gián đoạn của dòng chảy thương mại khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Cựu Đại sứ Kember cho rằng New Zealand và Việt Nam đã thiết lập tốt các cuộc đối thoại ở cấp chính phủ và đối thoại thể chế về các vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến cả 2 nước kể từ năm 2008. Rất nhiều đại biểu của cả 2 nước đã tham gia các cuộc thảo luận “Track 1.5” diễn ra ở New Zealand vào cuối năm ngoái. Cuộc đối thoại thường xuyên này được dư luận đánh giá cao như một cách kiểm tra chéo các quan điểm chung. Nhìn chung, vấn đề không phải là tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới mà là bổ sung chiều sâu và nguồn lực cho những lĩnh vực đã được 2 nước nhất trí là có giá trị cao.
Cựu Đại sứ Kember cho biết, trong chuyến thăm New Zealand gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt đã nêu một số lý do nâng cấp mối quan hệ song phương cũng như cách thức thực hiện điều đó. Trong bài phát biểu trước Viện Quan hệ Quốc tế New Zealand ở thủ đô Wellington đầu tháng 2/2025, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã nhấn mạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng chính; nhấn mạnh những lợi ích chung, sự hiểu biết lẫn nhau và sự nồng ấm của các mối quan hệ cá nhân mang tính nền tảng. Ông đưa ra một số gợi ý về cách thức hợp tác liên quan đến tiến bộ kỹ thuật, các chương trình đào tạo cho học giả trẻ và tăng cường liên kết thể chế giữa các trung tâm nghiên cứu của New Zealand tập trung vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức của Việt Nam như Học viện Ngoại giao. Các đề xuất của Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đều được hoan nghênh.
Cựu Đại sứ Kember cho rằng trên thực tế, mặc dù việc đặt ra các tiêu chuẩn hợp tác ngày càng cao hơn là rất giá trị, nhưng điều quan trọng cần nhớ là “hành động có ý nghĩa hơn lời nói”, cần có những trao đổi nhiều hơn, sâu hơn mang lại lợi ích cho cả 2 nước. Cả New Zealand và Việt Nam là một phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy việc tìm ra điểm chung và thẳng thắn chỉ ra những khác biệt là điều cần thiết.
Nhận định về quan hệ New Zealand - ASEAN và những nỗ lực song phương nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khu vực, cựu Đại sứ Kember cho rằng New Zealand từ lâu đã thừa nhận vai trò then chốt của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh ở khu vực. Hợp tác quốc phòng, tội phạm xuyên quốc gia, giáo dục quân sự đều được đặt đúng vị trí trong bối cảnh ASEAN+.
Đồng thời, New Zealand cần tiếp tục phát triển mối quan hệ với từng quốc gia thành viên ASEAN, chẳng hạn như Việt Nam. Vì vậy, theo ông, điều cần thiết là phải tiếp tục đối thoại giữa các quan chức, các tổ chức nghiên cứu; trao đổi và giáo dục giới trẻ - những nhà lãnh đạo tương lai - để đảm bảo rằng các quyết định riêng được đưa ra đều dựa trên sự hiểu biết đúng đắn về quan điểm của các đối tác quan trọng khác.