Con đường chạm tới giấc mơ của cô học trò giàu nghị lực
Giữa cái thời tiết oi nồng của tháng 7 phủ khắp các ngõ ngách phố phường, làng quê, cũng là thời điểm thành quả công sức học tập suốt 12 năm ròng của các sĩ tử được công bố. Đây cũng là khoảng thời gian người vui mừng, kẻ hụt hẫng...
Đối với em Lê Thị Thùy, lớp 12C1 trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) lại canh cánh một nỗi lo khác khi biết mình được 28,5 điểm trong kỳ thi vừa qua. Đó là nỗi lo làm sao để chạm tới được giấc mơ của mình.
Tới làng Học Thượng hỏi thăm em Lê Thị Thùy (một trong số 11 thí sinh có tổng điểm xét tuyển đại học khối A cao nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm học 2018 – 2019) ai nấy cũng đều vui vẻ chỉ đường. Vòng qua vài con ngõ là đến nhà Thùy nằm ở cuối làng. Một ngôi nhà nhỏ, với vẻ ngoài cũ kỹ và tuềnh toàng, chỉ có vài vật dụng thiết yếu.
Mấy hôm nay trong ngôi nhà ấy luôn tràn ngập niềm vui và tự hào của vợ chồng anh Lê Bá Bình và chị Lê Thị Tính khi con gái út của anh chị đạt kết quả cao trong kỳ thi vừa qua.
Một cô gái nhỏ nhắn lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, bố lại bị di chứng chất độc da cam và không có khả năng lao động. Những năm qua, gánh nặng kinh tế gia đình, nuôi dưỡng Thùy cùng người chị gái là Lê Thị Nhung (hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Học viện Tài chính) đều đặt lên đôi vai gầy của người mẹ. Hiểu được hoàn cảnh nhà mình, Thùy luôn có ý chí quyết tâm vượt lên khó khăn trong học tập để không phụ lòng bố mẹ.
Trong suốt 12 năm học, Thùy luôn là học sinh giỏi của trường và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, năm lớp 11, Thùy đạt giải Nhì môn Vật lý trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, em vinh dự trở thành 1 trong 500 học sinh cấp THPT ở khu vực phía Bắc, có thành tích học tập xuất sắc nhận học bổng Vallet, tại Nhà hát Lớn Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua.
Lau đi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, chị Tính tâm sự: "Thấy các con ham học, tôi mừng lắm, đấy là nguồn động viên lớn cho tôi lao động không mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng để cho con ăn học".
Ngoài làm ruộng, trồng rau, những lúc nông nhàn chị Tính lại đạp xe rong ruổi cả ngày buôn đồng nát để kiếm thêm thu nhập. Mấy hôm trời nắng, chị thu mua ngày được nhiều nhất 150 nghìn, nhưng cũng có ngày chị không được gì.
Chị là một người phụ nữ Việt Nam điển hình, với đức tính kiên cường, lao động không biết mệt mỏi luôn vì chồng, vì con, không quản vất vả khó khăn. Chị Tính bày tỏ: "Trời còn cho tôi sức khỏe thì tôi làm gì cũng được nhưng quyết không để các con không phải dang dở chuyện học hành".
Thương bố bệnh tật, thương mẹ vất vả ngày đêm làm việc chắt chiu tiết kiệm từng đồng để nuôi 2 chị em ăn học nên ngoài thời gian học tập ở trường, Thùy tranh thủ giúp bố mẹ làm việc nhà, nuôi gà hay ra đồng phụ mẹ mỗi mùa cấy, mùa gặt.
Việc Thùy đăng ký vào trường Y - Dược xuất phát từ việc bố Thùy bị bệnh lâu nay, và người chị mới bị tai nạn phải đóng đinh ở chân. Từ đó, chưa bao giờ Thùy ngừng cố gắng và nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ sau này trở thành một dược sĩ, hằng ngày được gắn bó với công việc nghiên cứu, điều chế các loại thuốc và chăm lo cho sức khỏe cho nhiều người.
“Để có được kết quả này, em rất biết ơn thầy cô, bố mẹ và những người thân vì trong thời gian qua đã luôn động viên, giúp đỡ em. Em cũng xác định, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và em nghĩ, mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa vì sắp tới sẽ là một chặng đường gian nan hơn rất nhiều, đòi hỏi phải gắng sức để vượt qua”, Thùy bộc bạch.
Thùy cho rằng: “Sự kiên trì, chịu khó là 2 yếu tố quan trọng giúp em hoàn thành các bài tập”. Vào các buổi tối, Thùy dành thời gian tham khảo thêm các loại tài liệu mượn của bạn bè, thầy cô. Trong mỗi bài tập, Thùy luôn tìm hướng giải quyết sao cho đạt hiệu quả tối ưu nhất. Cứ thế, ước mơ trở thành sinh viên Đại học Dược Hà Nội, có được một công việc ổn định để sau này có cuộc sống tốt hơn và để bố mẹ bớt vất vả luôn cháy bỏng trong tâm thức cô học trò nhỏ nhắn này.
Thầy giáo Trịnh Duy Thế, Giáo viên dạy môn Toán của Thùy rất tự hào về cô học trò nhỏ: “Em Lê Thị Thùy là một học sinh rất thông minh và chăm chỉ, có tinh thần vượt khó vươn lên và hay giúp đỡ các bạn trong học tập. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, em đạt điểm số cao, góp phần vào thành tích và niềm tự hào của lớp, của trường”.
“Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em Lê Thị Thùy, các thầy, cô trong trường luôn động viên em cố gắng trong học tập, cũng như không thu phí các buổi học thêm trong 3 năm học của Thùy tại trường, để phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho gia đình em”, Thầy Thế cho biết thêm
Ước mơ trở thành một dược sĩ của Thùy đã gần ngay trước mắt. Thùy đạt kết quả cao trong kỳ thi vừa rồi, sự vui mừng đan xen lẫn nỗi lo lắng từ người bố, người mẹ. Nỗi lo đó là thời gian tới, khi cả 2 chị em cùng học đại học, họ không biết phải xoay như thế nào khi điều kiện gia đình quá khó khăn.