Con đường của 'Quý ngài Borussia Dortmund'
Michael Zorc là một trong vài người quản lý bóng đá giỏi nhất thế giới. Nhờ tài năng của ông, Borussia Dortmund vẫn phát triển bền vững.
Giám đốc Thể thao, Giám đốc Bóng đá, Giám đốc Kỹ thuật, Tổng giám đốc,... sau cùng, ngay cả cộng đồng bóng đá toàn cầu cũng không thể đồng ý với nhau về chức danh công việc cho một trong những vị trí quan trọng nhất trong bóng đá hiện đại.
Giám đốc Thể thao làm gì?
Đó là… chính xác là gì? Đối mặt với những câu hỏi cơ bản nhất, Michael Zorc không thể không cười: “Đó là một câu hỏi đơn giản để trả lời, nhưng không đơn giản để mô tả”.
Sinh ra và lớn lên ở Dortmund, một thành phố của tầng lớp lao động Đức, Zorc đã tập ở đội trẻ Borussia Dortmund từ năm 1978, chơi cả sự nghiệp của mình ở vị trí tiền vệ trung tâm cho đội bóng từ năm 1981 đến 1998. Ông giữ băng thủ quân lâu nhất (1988-98), khoác áo nhiều trận nhất (572) trong lịch sử đội bóng.
Zorc được tôn trọng như một nhà lãnh đạo. Ông hiếm khi ghi bàn, nhưng là chuyên gia thực hiện các quả phạt đền. Trong thử thách mang tính áp lực nhất của môn thể thao này, Zorc không hề chớp mắt. Đó là một kỹ năng mà ông mang đến bàn đàm phán, phòng họp hội đồng quản trị và sân tập với tư cách là Giám đốc Thể thao của Dortmund từ năm 1998 liên tục đến 2022.
“Tôi chịu trách nhiệm về toàn bộ bộ phận bóng đá, chiêu mộ cầu thủ, HLV, tổ chức mọi thứ xung quanh các trận đấu. Vì vậy, tôi luôn đồng hành cùng đội trong suốt các trận đấu. Tôi tham dự tất cả buổi tập, không phải toàn bộ thời gian, nhưng có thể trước hoặc sau buổi tập, tôi sẽ ăn trưa hoặc ăn tối với đội. Tôi ở đó, chăm sóc các cầu thủ, để các cầu thủ có thể nói chuyện về chuyên môn, hợp đồng và mọi thứ”, Zorc nói trong cuốn sách “Masters of Modern Soccer” của cố nhà báo Grant Wahl.
“Tôi cũng chịu trách nhiệm về triết lý bóng đá từ đội một đến đội trẻ. Triết lý của đội bóng phải được liên kết với địa phương, một khu vực của tầng lớp lao động. Vì vậy, nó phải táo bạo, nó phải tấn công. Người hâm mộ không thích đội chơi bóng như chơi cờ trên sân. Đó là một điểm rất quan trọng”.
Bóng đá Đức có quy tắc 50+1, nghĩa là chủ sở hữu phải là các hội viên CLB, nhằm ngăn ngừa các tỷ phú nước ngoài thâu tóm. Vị trí thực quyền cao nhất của một CLB tại Đức là Giám đốc Điều hành (CEO).
CEO của Dortmund là Hans-Joachim Watzke, ông đến CLB vào năm 2005 khi CLB sắp rơi vào tình trạng phá sản do quản lý tài chính kém cỏi. Lúc đó, kình địch Bayern Munich cũng cho Dortmund vay một khoản tiền để tái thiết.
Đứng dưới Watzke là Zorc, và các Giám đốc phụ trách các mảng khác như tài chính, tiếp thị, truyền thông… “Ông ấy có thể sa thải tôi. Nó rất dễ. Nhưng giữa chúng tôi có một mối quan hệ rất đáng tin cậy”. Ai thuê HLV? “Là tôi và ông Watzke”, Zorc nói. Và ông chủ của HLV là ai? “Đầu tiên là tôi, và sau đó, trên hết, CEO của chúng tôi”.
“HLV chịu trách nhiệm về chiến thuật, cách chúng tôi chơi và chọn cầu thủ cho mỗi trận đấu. Chuyển nhượng cầu thủ - đến và đi - là lĩnh vực của tôi, mặc dù CEO và HLV cũng có tiếng nói, chúng tôi thảo luận với nhau”.
Cân bằng phương trình doanh thu
Zorc có dáng vẻ giống tài tử Alec Baldwin, thích mặc áo len Hugo Boss, khăn quàng cổ cashmere và thỉnh thoảng mới mặc bộ vest may đo, là một Giám đốc Thể thao thành công nhất trong giới bóng đá.
Có thể kể tên ai nữa? Giuseppe Marotta, Ralf Rangnick, Walter Sabatini, Marcel Brands và Monchi - một người đặc biệt thành công với Sevilla.
Mùa hè 2017, Arsenal rất muốn có Zorc, nhưng ông từ chối. Cũng năm đó, Dortmund sa thải HLV Thomas Tuchel. Lý do không phải là thiếu thành công trên sân cỏ, mà do Tuchel xích mích với người đứng đầu bộ phận tuyển trạch Sven Mislintat về các mục tiêu chuyển nhượng.
“Anh ấy ở bộ phận của tôi, không phải của HLV”, Zorc nói. “Các trinh sát của chúng tôi báo cáo với Sven, và tôi nói chuyện với Sven hàng ngày”.
Mislintat làm việc cho Dortmund từ năm 1998, có biệt danh “Diamantenauge” (Mắt kim cương) vì khả năng phát hiện nhân tài. Năm 2017, ông tới Arsenal, rồi làm Giám đốc ở Stuttgart từ 2019 đến 2022, và hiện là GĐTT của Ajax.
Dortmund coi trọng việc phát hiện nhân tài và mua bán cầu thủ như vậy là vì, dù số lượng trung bình khán giả đến sân Signal Iduna Park của họ lớn nhất châu Âu, thu nhập của họ vẫn còn kém xa các ông lớn, vì nhiều lý do.
Mùa bóng 2021/22, doanh thu của Dortmund là 373 triệu USD, xếp thứ 13 châu Âu, nhưng vẫn kém xa Bayern ở vị trí thứ 6 với 683 triệu USD, và đội xếp thứ nhất Man City với 764 triệu USD.
“Nói về bóng đá chuyên nghiệp, và chúng ta phải nói về tiền bạc. Doanh thu Dortmund kém xa họ. Đó là thách thức của chúng tôi. Nếu đây là giải F1, thì họ đang lái Ferrari, còn chúng tôi đang lái Ford Mustang”, Zorc nói.
Kinh doanh cầu thủ phải là một phần quan trọng trong phương trình doanh thu của CLB. “Chúng tôi phải có một cách tiếp cận khác để cạnh tranh, phải sáng tạo hơn, phải nhanh hơn trong việc tìm cầu thủ. Chúng tôi không thể ra chợ như Real Madrid và chỉ mua bất cứ ai chúng tôi muốn. Chúng tôi cố gắng tìm những cầu thủ chưa đạt đến đẳng cấp cao nhất”, Zorc chia sẻ thêm.
Không có Giám đốc Thể thao nào ở châu Âu làm tốt hơn Zorc khi xác định các tài năng trẻ, mua với giá thấp và bán với giá cao, trong khi vẫn giữ cho Dortmund cạnh tranh ở các giải đấu.
Việc định giá phí chuyển nhượng bị ảnh hưởng bởi nhiều biến số. Cầu thủ hiện giỏi như thế nào? Và anh ấy có bao nhiêu tiềm năng cho tương lai?
Đến Dortmund để củng cố sự nghiệp
Kể ra thành công của Zorc thì dài lắm. Chỉ cần nêu vài cái tên Zorc “móc” từ những nơi rất xa: Kagawa, Lewandowski, Pulisic, Reus, Hummels, Aubameyang, Mkhitaryan, Sancho đều có giá trị gấp 5, 10, 20 lần so với khi đặt chân đến Dortmund. Và mới nhất, như mọi người đều biết là Haaland.
Năm 2010, Zorc nhận lời đề nghị của Mislintat và trả 4,8 triệu euro cho tiền đạo 21 tuổi tương đối xa lạ người Ba Lan tên Lewandowski. Lúc đó, anh còn bị Sporting Gijón, CLB hạng hai Tây Ban Nha từ chối.
Dortmund định vị họ như một trong những bàn đạp tốt nhất của bóng đá châu Âu. Một nơi mà không giống như ở Real Madrid, một cầu thủ triển vọng có thể ra sân thi đấu thường xuyên thay vì ngồi dự bị hoặc bị đem cho mượn.
Theo thời gian, một số cầu thủ triển vọng hàng đầu bắt đầu từ chối những lời đề nghị hấp dẫn hơn từ các CLB lớn nhất để củng cố sự nghiệp của họ (ít nhất là trong vài năm) tại Dortmund.
“Ví dụ Guerreiro, khi chúng tôi mua, anh ấy cũng nhận được lời đề nghị từ PSG và Barca, nhưng với vai trò dự phòng ở các CLB đó, anh ấy biết phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở đó, vì thế chọn chúng tôi. Ở đây, chúng tôi mua những cầu thủ ở độ tuổi 18 đến 23, khi sự phát triển của họ vẫn chưa kết thúc”, Zorc cho biết.
Giống Guerreiro, cầu thủ chạy cánh người Pháp Dembele được mọi CLB châu Âu biết đến vào mùa hè năm 2016, khi anh chuyển đến Dortmund từ Rennes ở tuổi 19 với giá 15 triệu euro. “Ngay cả Stevie Wonder cũng có thể nhìn thấy tài năng của anh ấy”, Zorc nói đùa.
Dembele có thể ký hợp đồng với Real, Bayern, Barca, cả hai CLB Manchester, nhưng chọn Dortmund. Một năm sau, Dortmund bán Dembele cho Barca với giá 105 triệu euro, gấp 7 lần tiền mua.
Odegaard lại không theo con đường đó. Năm 2014, Zorc đến gặp cha của Odegaard khi cầu thủ này 16 tuổi. “Ông ấy nói đã đến Barca, Milan, Juventus và Bayern, khắp nơi, và rồi họ ký hợp đồng với Real. Đó là gói lớn nhất cho cha, con trai và CLB. Nhưng, xét về khía cạnh thể thao, đó không phải là ý kiến hay”, Zorc kể lại.
Odegaard tập ở đội trẻ Real, rồi bị đem cho đi mượn khắp nơi, không tìm được chỗ trong đội hình Real, cuối cùng bị bán sang Arsenal. Thế là tốt cho anh. Nhưng sự nghiệp của Odegaard sẽ sớm cất cánh hơn nếu anh đừng chọn vào Real sớm quá.
Nguyên tắc cốt lõi của Zorc tồn tại mãi
Một số cầu thủ trẻ sẵn sàng để chơi ở Bundesliga, nhưng không phải tất cả họ đều như vậy. 80.000 người hâm mộ lấp đầy SVĐ của Dortmund muốn đội bóng giành chiến thắng, và Zorc biết rằng ông không thể làm điều đó chỉ bằng cách ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ. Vì vậy, Dortmund phải đi với chiến lược kép: vừa đánh bóng được cầu thủ trẻ, phải có thành tích, mục tiêu thấp nhất trong mỗi mùa là suất dự Champions League.
Một trong những thời điểm quan trọng của quá trình này diễn ra vào tháng 5 năm 2008, khi Zorc và Watzke thuê Jürgen Klopp, một HLV trẻ tuổi, tràn đầy năng lượng, đã tạo dựng được tên tuổi tại Mainz. Phong cách pressing cao, không ngừng nghỉ của Klopp gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ Dortmund. Và ông cũng sẵn sàng làm việc với các cầu thủ trẻ và giúp họ trở nên tốt hơn. Hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Zorc. Các HLV sau đều đi theo đường hướng này.
Năm ngoái, Zorc chia tay CLB sau 44 năm phục vụ để nghỉ ngơi. Có lẽ chỉ tạm thời thôi. Chức GĐTT được truyền cho Sebastian Kehl, thủ quân Dortmund từ 2008 đến 2014. Kehl có 4 năm học nghề từ Zorc. Các nguyên tắc cốt lõi của Zorc vẫn được giữ nguyên: Đầu tư vào học viện, mua thấp và bán cao, thuê HLV sẵn sàng dành thời gian phát triển các cầu thủ trẻ tài năng, chơi bóng đá năng động, cân bằng sức trẻ với kinh nghiệm để đạt kết quả.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-duong-cua-quy-ngai-borussia-dortmund-post1434869.html