Con đường cứu nước sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cách mạng Tháng Tám là minh chứng cho sự đúng đắn và sáng tạo về con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với ý chí làm sao giành được độc lập cho dân tộc và tự do hạnh phúc cho Nhân dân, Nguyễn Tất Thành đã đi khắp 5 châu 4 biển để tìm kiếm con đường đó.
Khi bắt gặp được lý luận từ “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê nin và thực tế của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra đây chính là con đường cứu nước cho dân tộc mình.
Đó là sự kết hợp giữa lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, là mối quan hệ máu thịt giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Đây cũng chính là sự gặp nhau giữa lý tưởng ái quốc và lý tưởng cộng sản của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Người đã khẳng định: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là cách mạng vô sản”.
Và rồi với lý tưởng đó Người đã vận dụng vào đường lối cách mạng Việt Nam nêu ra trong “Sách lược vắn tắt” tại Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, đưa vào Luận cương chính trị của Đảng, đã đi vào cuộc sống, mang đến thắng lợi vẻ vang Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám cùng với sự ra đời của nước Việt Nam mới là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi đó, gắn liền với công lao to lớn tìm ra con đường cứu nước cùng với quá trình chuẩn bị chu đáo và sáng suốt nắm bắt thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đang hoạt động ở nước ngoài, nhận biết được những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hồ Chí Minh dự báo sẽ tác động đến cách mạng Việt Nam, Người đã trình bày ý kiến của mình với Quốc tế cộng sản và xin được về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Khi phát xít Đức đánh chiếm nước Pháp, Người đã nghĩ đến: “Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ”
Vậy là sau bao năm bôn ba, tháng 2/1941 Người đã về Cao Bằng lấy hang Pắc Bó làm trụ sở để chỉ đạo cách mạng.
Người triệu tập và trực tiếp chủ trì hội nghị Trung ương 8 (khóa I) họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941.
Đây là Hội nghị mang tính bước ngoặt của lịch sử. Trên cơ sở phân tích sáng suốt về tình hình thế giới và trong nước, Người đã đi đến nhận định phát xít Đức sẽ đánh vào Liên Xô và nhất định chúng sẽ thất bại. Đây là thời cơ đối với cách mạng Việt Nam. Người đã đề nghị với Trung ương Đảng chuyển hướng mục tiêu cách mạng: “Tất cả tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc tạm gác chủ trương về ruộng đất. lúc này phải giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu”.
Chủ trương đúng đắn đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân một lòng tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Để tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh, Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể trong Mặt trận. Mặt trận Việt Minh ra đời là một sáng tạo đáp ứng với yêu cầu lịch sử.
Khi Đảng đang hoạt động bí mật, Mặt trận là tổ chức đứng ra “hiệu triệu cứu quốc”, tập hợp đoàn kết toàn dân đứng lên đánh đổ thực dân xâm lược giành độc lập tự do. Mặt trận là cầu nối quan trọng giữa Đảng với quần chúng là đại biểu cho khối đoàn kết dân tộc, là yếu tố quyết định cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, Người quyết định thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” (ngày 22/12/1944) tiếp đó quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành “Việt Nam giải phóng quân”, đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, đón thời cơ giành chính quyền. Cùng với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhanh chóng lớn mạnh đã tạo điều kiện quan trọng để Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trong điều kiện hoạt động bí mật nhưng Hồ Chí Minh đã triển khai dồn dập các hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ mọi lực lượng ở ngoài nước.
Tháng 2/1942, Người sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai đại diện cho Đảng cộng sản Trung Quốc, gặp đại diện của chính phủ Tưởng Giới Thạch để bàn việc phối hợp cách mạng giữa hai nước; cử người gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh để bàn phương thức hợp tác với Việt Minh.
Thực hiện kế hoạch hợp tác nhạy bén đó, tại chiến khu Người đã cho xây dựng sân bay dã chiến để tiếp nhận sự giúp đỡ của Mỹ về súng đạn, thuốc men, điện đàm và chuyên gia để huấn luyện sử dụng khí tài cũng như chiến thuật quân sự. Có thể nói những hoạt động ngoại giao vào thời điểm đó là sáng tạo rất độc đáo.
Do được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nên khi thời cơ đến Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kịp thời nắm bắt, đề ra chủ trương và kế hoạch Tổng khởi nghĩa.
Tháng 8 năm 1945 phát xít Đức đầu hàng đồng minh, ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, Hồ Chí Minh khẳng định lúc này thời cơ đã đến dù hy sinh tới đâu cũng phải giành cho được độc lập dân tộc.
Người nói: “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Người quyết định mở Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang) và phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta. Người kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, đồng bào toàn quốc hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta…”.
Đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triệu người như một đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945. Ngay sau ngày khởi nghĩa Hồ Chí Minh đã trực tiếp soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và chính Người đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào, dõng dạc đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Như vậy, từ hành trình tìm ra con đường cứu nước, thành lập Đảng để lãnh đạo cách mạng, đến việc chuẩn bị chu đáo và dự báo chính xác thời cơ để tiến hành Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay Nhân dân là sáng tạo lịch sử vĩ đại của Hồ Chí Minh đưa đất nước Việt Nam bước vào thời đại mới, thời đại độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.