'Con đường' doanh nghiệp phải đi

ESG là bộ 3 tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social & Governance), đang được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm hơn, bởi đây là thước đo mức độ phát triển bền vững và tác động của DN đến cộng đồng. Nếu DN thực thi ESG tốt sẽ danh chính ngôn thuận, có sứ mệnh chinh phục khách hàng.

 Đầu tư đổi mới công nghệ phương tiện máy móc là yếu tố mà DN xem trọng ESG

Đầu tư đổi mới công nghệ phương tiện máy móc là yếu tố mà DN xem trọng ESG

Tiêu chuẩn về môi trường đòi hỏi DN phải tham gia bảo vệ môi trường với những hoạt động thiết thực, như: Giảm phát thải khí nhà kính, quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên, xử lý tốt chất thải… Tiêu chuẩn xã hội là sự hài lòng của khách hàng liên quan đến quan hệ cộng đồng, bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư… Tiêu chuẩn về quản trị là các vấn đề liên quan đến quản trị DN, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đến thời điểm này, tất cả các quốc gia không kể giàu nghèo ở châu Á hay châu Âu, Mỹ đều phải quan tâm nền kinh tế phát thải thấp. Các DN là chủ thể kinh tế tạo ra động lực tăng trưởng thì câu chuyện chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng phải xuất phát từ đây.

Hiện nay, các nước trên thế giới đã xem ESG là chiến lược chủ đạo, bắt buộc trong đầu tư. Đồng thời, xem đây là một công cụ để DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã dựa vào chỉ số báo cáo ESG của DN để quyết định liên kết, đầu tư.

Một khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 83% DN cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của DN. Việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG đã và đang phổ biến và trở thành xu hướng tích cực trong hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế, năm 2022, dòng tài sản có tích hợp các yếu tố EGS hơn 41 ngàn tỷ USD, khả năng đến năm 2030 sẽ đạt 50 ngàn tỷ USD. Điều này cho thấy, tiêu chuẩn EGS ngày càng trở nên quan trọng với những quốc gia đang theo đuổi phát triển bền vững.

Đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đặt mục tiêu cao trong phát triển bền vững. Do vậy, nhiều DN ở các tỉnh, thành đã có kế hoạch, lộ trình tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để giảm phát thải khí carbon, hướng đến phát triển bền vững. Tại Thừa Thiên Huế, hiện có nhiều DN đang sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm tham gia vào chuỗi xuất khẩu nên phần lớn đã thực hiện tiêu chuẩn EGS để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tiêu biểu như Công ty Scavi Huế; Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Sơn Hoàng Gia, Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, Công ty TNHH Thiên Hương, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Công ty cổ phần Dược phẩm Medipharco, Công ty TNHH Thái Đông Anh, Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế…

 Nhiều doanh nghiệp địa phương đã chú trọng sản xuất xanh, sạch đáp ứng yêu cầu khách hàng

Nhiều doanh nghiệp địa phương đã chú trọng sản xuất xanh, sạch đáp ứng yêu cầu khách hàng

Trong số này, Công ty cổ phần Dệt may Huế (Huegatex) thể hiện khá rõ ESG bằng những việc làm cụ thể, trong quy trình sản xuất chú trọng việc giảm 1% lượng khí thải, 1% lượng nước thải và 1% lượng rác thải trên mỗi đơn vị sản phẩm từ năm 2020; xây dựng chiến lược hoạt động dựa trên nhu cầu mong đợi khách hàng; bố trí lao động theo nguyên tắc “đúng người - đúng việc - đúng tầm”; quy hoạch, đào tạo gắn với thực tiễn phát triển; xây dựng cơ chế thỏa đáng tạo động lực cho người lao động… Nhờ vậy, thương hiệu Huegatex ngày càng vững vàng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số xanh cấp tỉnh và Thừa Thiên Huế nằm trong top 10 cả nước. Điều này một phần chứng minh cho những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua; trong đó, có sự nỗ lực lớn của DN tiếp tục tạo nền móng vững chắc, thuận lợi cho DN thực hiện ESG để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo TS Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, hầu hết DN đều nhận ra việc thúc đẩy, tuân thủ ESG không chỉ giúp họ phát triển bền vững mà còn tạo ra lợi ích lâu dài và đây là “cuộc chơi” bắt buộc. Thế nhưng phần lớn DN ở địa phương hoạt động với quy mô nhỏ và vừa; trong lúc đó, nguồn vốn đầu tư cho ESG khá lớn để vận hành các hoạt động liên quan đến ESG, khiến cho doanh nghiệp phải cân nhắc giữa lợi ích dài hạn và áp lực ngắn hạn. Bên cạnh đó, còn thiếu nhất quán và chồng chéo của các khung tiêu chuẩn về ESG, khiến cho doanh nghiệp khá lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu hoặc bắt đầu từ yếu tố nào trước. Hơn nữa việc thiếu hụt nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn về ESG, khiến cho DN khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược ESG...

Để giải quyết các vướng mắc trên, cần có những quy định rõ ràng, công khai hơn về ESG để DN dễ dàng tiếp cận và cần cơ chế vay vốn ưu đãi để DN thực hiện ESG một cách thiết thực, hiệu quả hơn…

Bài, ảnh: SONG MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/con-duong-doanh-nghiep-phai-di-142008.html