Con đường gập ghềnh hậu Merkel

Các đảng ở Đức nhiều khả năng phải mất vài tháng đối thoại để thành lập một chính phủ mới sau khi kết quả sơ bộ bầu cử sít sao được công bố, tờ New York Times nhận định.

Sau giai đoạn tại vị thủ tướng kéo dài 16 năm của bà Angela Merkel, các lá phiếu của cử tri Đức đã được phân bổ cho nhiều đảng khác nhau trong cuộc bầu cử ngày 26/9.

Điều này được cho là dấu hiệu báo trước một kỷ nguyên chính trị bất ổn hơn ở Đức.

Kết quả sít sao

Kết quả chính thức sơ bộ cho thấy đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) giành được 25,7% phiếu ủng hộ, dẫn trước 1,6 điểm % so với liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU).

Cách biệt nói trên sít sao đến mức gần như không thể khẳng định ai sẽ tiếp quản vị trí thủ tướng, cũng không dễ để mường tượng chính phủ tương lai sẽ như thế nào.

 Cử tri Berlin hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử vào đêm 26/9 (giờ địa phương). Ảnh: New York Times.

Cử tri Berlin hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử vào đêm 26/9 (giờ địa phương). Ảnh: New York Times.

Giới quan sát dự đoán nước Đức sẽ mất từ vài tuần đến vài tháng để thảo luận và thành lập một liên minh cho chính phủ tương lai.

Điều này được cho là sẽ khiến Đức rơi vào tình trạng lấp lửng trong bối cảnh châu Âu đang chật vật để phục hồi hậu Covid-19.

Cùng lúc đó, Pháp, đối tác của Đức ở trung tâm châu Âu, đứng trước nguy cơ bị chia rẽ vì cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022.

Cuộc bầu cử ngày 26/9 báo hiệu sự kết thúc của một kỷ nguyên cho Đức và cho châu Âu. Trong hơn một thập kỷ, bà Merkel không chỉ là thủ tướng của Đức mà còn là nhà lãnh đạo giàu ảnh hưởng của lục địa già.

Chính trị gia 67 tuổi đã lèo lái đất nước và lục địa của mình vượt qua các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Trong quá trình này, bà Merkel đã giúp Đức lần đầu tiên trở thành cường quốc của châu Âu kể từ sau hai cuộc thế chiến, theo New York Times.

Điểm nổi bật trong thời gian tại vị của bà Merkel nằm ở sự ổn định. Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Merkel đã cầm quyền trong 52 năm. Cần lưu ý, quãng thời gian hậu chiến ở Đức mới chỉ kéo dài 72 năm.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử năm nay của CDU lại không thể hiện được tính ổn định đó. Armin Laschet, ứng viên CDU, vốn được xem là người nắm lợi thế trong cuộc bầu cử song lại mắc một loạt sai lầm khiến đảng của ông rơi vào thế cửa dưới.

Vào ngày 26/9, tỷ lệ phiếu bầu cho CDU giảm xuống dưới 30%, trên đà rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên, ba đảng CDU, SPD và đảng Xanh phải bắt tay để xây dựng một liên minh.

“Chuyện này chưa từng có tiền lệ nên giờ chúng ta không rõ bên nào sẽ nói chuyện với bên nào và ai sẽ là người chủ động, bởi Hiến pháp không có quy chuẩn cho tình huống như thế này”, nhà báo Thomas Kleine-Brockhoff, Phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức, nói.

 Thomas Kleine-Brockhoff, Phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức tại Berlin. Ảnh: European Western Balkans.

Thomas Kleine-Brockhoff, Phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức tại Berlin. Ảnh: European Western Balkans.

"Cuộc thi xem ai giống bà Merkel nhất"

Trước khi SPD trở lại vị thế cửa trên trong cuộc bầu cử, các chiến tuyến đã được vạch ra khi cả hai ứng cử viên chính kế nhiệm bà Merkel đã tuyên bố những ưu tiên của họ, đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì những mục tiêu này.

Truyền thống chính trị lâu đời dựa trên sự đồng thuận và tôn trọng đã nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho một cách tiếp cận quyết liệt hơn, tờ New York Times của Mỹ nhận định.

 Đại bản doanh đảng Dân chủ Xã hội Đức vào đêm 26/9 (giờ địa phương). Ảnh: New York Times.

Đại bản doanh đảng Dân chủ Xã hội Đức vào đêm 26/9 (giờ địa phương). Ảnh: New York Times.

Tại trụ sở của SPD ở Berlin, khi kết quả các cuộc thăm dò cử tri đầu tiên được công bố, đám đông đã phấn khích hò reo. “S.P.D. đã trở lại!”, tổng bí thư Lars Klingbeil của đảng, nói với đám đông đảng viên. Sau đó, Phó thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng phu nhân bước lên sân khấu và nhấn mạnh: “Thủ tướng tiếp theo là Olaf Scholz”.

Trong khi đó, tại đại bản doanh của phe bảo thủ, ông Laschet, ứng cử viên đại diện đảng của bà Merkel, nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tạo dựng chính phủ”.

Những thông điệp và ý định trái ngược nói trên được cho là có khả năng phức tạp hóa các cuộc đàm phán thành lập chính phủ.

Các nhà phân tích cũng cho rằng quá trình đàm phán giữa các đảng càng kéo dài thì nhiệm kỳ của thủ tướng mới càng có nguy cơ bị suy yếu, đồng thời tân thủ tướng cũng có ít thời gian hơn để xây dựng sức ảnh hướng đối với châu Âu.

“Đức sẽ vắng mặt trên trường châu Âu trong một thời gian”, Andrea Römmele, Hiệu trưởng Đại học Hertie ở Berlin, nói. “Bất kỳ ai trở thành thủ tướng mới đều đứng trước nguy cơ bị phân tâm nhiều hơn bởi tình hình chính trị trong nước”.

Bà Merkel đã đưa nước Đức trải qua thập kỷ vàng khi giúp mở rộng 1/5 nền kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1980.

Trong khi Mỹ bị phân tâm bởi những biến động quân sự ở nước ngoài, Anh đánh cược tương lai bằng cuộc trưng cầu dân ý để rời Liên minh châu Âu (EU) và Pháp phải chật vật cải cách, nước Đức dưới sự lãnh đạo của bà Merkel vẫn là thiên đường của sự ổn định.

“Bà Merkel là người điều hành ổn định”, ông Kleine-Brockhoff nhận xét. “Cuộc bầu cử vừa qua về cơ bản là một cuộc thi để xem ai là người giống bà Merkel nhất”.

Dù vậy, nhiều người Đức vẫn có cơ sở để cảm thấy lạc quan khi 80% cử tri nước này đã bỏ phiếu cho các đảng trung dung. Bên cạnh đó, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này cũng ở mức cao.

Bên ngoài một số điểm bỏ phiếu ở Berlin, nhiều gia đình đã xếp hàng rồng rắn đứng đợi đến lượt mình bỏ phiếu. Hiệu trưởng Römmele của Đại học Hertie nhận xét: “Đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới”.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-duong-gap-ghenh-hau-merkel-post1266741.html