Con đường hợp pháp hóa vàng lậu
Một đơn vị đặc nhiệm thuộc binh đoàn lê dương của Pháp mới đây đã triệt phá 20 mỏ vàng trái phép và bắt giữ hơn 200 vàng tặc chỉ trong vòng 29 ngày. Chiến dịch truy quét vàng tặc diễn ra tại Công viên quốc gia Parc Nationale de Guyane tại vùng lãnh thổ Guyane thuộc Pháp, có diện tích tương đương với Thụy Sĩ.
Đây chỉ là một phần trong kế hoạch hợp tác giữa các nước Pháp, Colombia và Brazil. Vấn nạn khai thác vàng trái phép tại rừng Amazon đã lên đến mức báo động và buộc các quốc gia trong khu vực phải hợp tác để giải quyết.
Giữa rừng già
Ước tính hơn 1/5 lượng vàng khai thác trên toàn thế giới hằng năm có xuất xứ từ các mỏ vàng trái phép. Theo số liệu được Liên hợp quốc tổng hợp từ 70 quốc gia thì hiện có khoảng 10 triệu người kiếm sống bằng cách làm vàng tặc. Hậu quả mà các đối tượng này để lại cho cộng đồng, môi trường và chính họ. Đơn cử như ở vùng lãnh thổ Guyane thuộc Pháp, những người thợ đào vàng và dân cư sống gần nơi có mỏ vàng có tỉ lệ thủy ngân trong máu cao gấp đôi mức giới hạn an toàn.

Thật khó để truy ngược được nguồn gốc của vàng.
Nhiều vàng tặc hiểu rõ sự nguy hiểm trong công việc của mình, nhưng họ chẳng thể chối từ tiếng gọi của vàng. Giá vàng thế giới đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua và đã chạm mức 3.316 USD/ounce vào ngày 5/5 vừa qua. Các nhà đầu tư coi vàng là thứ tài sản an toàn nhất trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chao đảo, tỷ lệ lạm phát tăng vọt và các phương tiện đầu tư truyền thống gặp khủng hoảng. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Iran lại đầu tư mua vàng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và tránh các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ. Ảnh hưởng của các chuyển động kinh tế toàn cầu đã lan đến tận “trái tim” của rừng Amazon nơi có hàng trăm mỏ vàng lậu đang hoạt động.
Thượng sĩ Maherilaza Rakotdadralambo là thành viên đơn vị lê dương Pháp tham gia triệt phá vàng tặc ở Guyane. Anh và hai người lính khác nhận nhiệm vụ trinh sát. Họ phải cẩn thận trong từng bước đi vì vàng tặc có “tai mắt” khắp rừng. Chỉ khi nào đã xác định được khu lán trại vàng rồi thì Maherilaza mới dám huýt sáo một tiếng để toàn tiểu đội xông lên. Toán thợ đào vàng hoảng hồn vì tiếng súng nhưng vẫn đủ lý trí để vứt hết xẻng, chảo rồi cả máy bơm xuống sông.
Maherilaza Rakotdadralambo giải thích: “Chúng tôi đã bắt được hơn 100 đối tượng, nhưng bên hiến binh không có đủ người và xe tải để chở hết các đối tượng ra khỏi rừng. Họ chỉ có thể bắt một số kẻ cầm đầu và phạt số còn lại. Đối tượng được thả là quay lại mỏ vàng luôn... Chúng tôi chỉ đang làm chậm lại việc đào vàng. Vàng tặc cần chi khoảng 15.000 USD để mua thiết bị cho một khu mỏ vàng. Chúng khai mỏ đến đâu là chúng tôi đốt đến đó. Vấn đề là chỉ cần khu mỏ hoạt động vài ngày là vàng tặc đã hoàn được vốn”.
Vùng lãnh thổ Guyane thuộc Pháp quy định chặt hoạt động khai thác vàng. Các công ty muốn xin giấy phép khai thác phải cam kết không khai mỏ trong rừng được bảo vệ, không được sử dụng thủy ngân, sau khi khai thác xong phải trồng cây… Nhưng mỗi một công ty hợp pháp luôn kéo theo hàng trăm đối tượng bất hợp pháp. Theo ước tính của nhà chức trách, mỗi năm Guyane đào được 8 tấn vàng, nhưng chỉ có 1 tấn là vàng khai thác hợp pháp, số còn lại là vàng đào lậu trà trộn vào.
Hành trình của vàng
Bao giờ cũng có một, hai đứa trẻ lấm lem lảng vảng quanh các trại vàng trong rừng Amazon. Chúng làm nghề “lừa con”, chuyên vận chuyển vàng ra ngoài rừng bằng cách xách ba lô mang vàng vượt qua hơn 300km đường mòn cắt qua rừng dẫn ra sông Maroni ở biên giới Guyane - Suriname. Dưới sông toàn là đò ghe chở gạo thịt, rau củ, bia rượu, thuốc lá, thuốc men và thủy ngân. Bọn trẻ đổi vàng lấy nhu yếu phẩm rồi quay trở lại khu trại. Còn vàng sẽ được chở đến một trong số 120 nhà kho khác nhau ở bên kia biên giới. Nhờ vàng lậu mà không ít làng mạc đã mọc lên ở bên bờ sông Maroni, trong đó quy mô lớn nhất là Antonio do Brinco. Tại Antonio Brinco không hề có sự hiện diện của cảnh sát và chính quyền. Mọi thứ được điều hành bởi một vài ông chủ người gốc Hoa. Họ mở các hàng quán trả bằng vàng thay tiền. Các cửa hàng luôn treo biển tỷ giá vàng trên thị trường Lon don.
Cabelinho, một vàng tặc có nhiều năm kinh nghiệm, trả lời phóng viên Pháp: “Người Hoa luôn sẵn lòng cho chúng tôi vay tiền để mở mỏ, rồi cho chúng tôi mua nợ hàng hóa. Họ biết rằng hạt vàng nào đào được trong rừng rồi cũng sẽ vào tay họ”.
Các ông chủ thuê thuyền chở vàng ngược sông đến đảo Lawa Tabiki. Hòn đảo ở giữa sông không nhà cửa nhưng lại có đường băng máy bay. Một chiếc máy bay mang logo hãng hàng không Gum Air bay đến đảo Lawa Tabiki 6 lần/ tuần. Mỗi lần chiếc máy bay cất cánh trở về là lại mang theo khoảng 100 gói hàng đựng vàng.
Máy bay hãng Gum Air hạ cánh xuống sân bay Zorg en Hoop tại thủ đô Paramaribo của Suriname. Cửu vạn đã chờ sẵn ở sân bay để dỡ hàng xuống máy bay rồi chất lên xe. Những chiếc xe chở vàng đến khu phố người Brazil, nơi tập trung các tiệm vàng. Trung bình một tiệm vàng như vậy thu mua được từ 70 - 150g vàng/ ngày. Ngày nào làm ăn phát đạt thì họ có thể mua được đến 3 kg vàng. Sau khi tiệm vàng “hô biến” bột vàng thành những thỏi vàng nặng 1 kg, họ sẽ chuyển thỏi vàng đến sân bay quốc tế Zanderij. Tại đây từng thỏi vàng sẽ được Giám đốc Xưởng đúc vàng quốc gia Kaloti Suriname (KSMH) trực tiếp kiểm tra. KSMH đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Suriname bởi vì 80% giá trị xuất khẩu của nước này đến từ việc xuất khẩu vàng.
Năm 2015, Tổng thống Suriname khi đó là Desi Bouterse ký kết thỏa thuận hợp tác với Kaloti để thành lập KSMH. Suriname cần các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm kiểm định vàng, còn Kaloti cần một “chỗ đứng” để tiến vào thị trường Nam Mỹ.
Ông Harry Dorinnie, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Suriname phụ trách lĩnh vực tiền tệ và kinh tế, trả lời phóng viên Pháp: “KSMH là một phần của mạng lưới mafia vàng. Họ đóng dấu “vàng hợp pháp” lên các thỏi vàng mà họ biết rõ là bị khai thác trái phép. Vàng được máy bay chở từ sân bay quốc tế Zanderij đến Dubai, rồi từ Dubai sẽ xâm nhập vào thị trường vàng quốc tế”.

Hiến binh Guyane lấy lời khai 2 đối tượng đào vàng trái phép.
Tổng thống Desi Bouterse bị Tòa án Suriname kết án vào năm 2023 vì các tội thảm sát, buôn bán ma túy, tham nhũng và nhận hối lộ. Tháng 12/2024, ông Bouterse chết vì bệnh gan khi đang trốn truy nã.
Dubai hiện là trung tâm bán buôn vàng của toàn thế giới. Chính quyền Dubai lại quy định rất “thoáng” về việc chứng minh nguồn gốc của vàng. Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (tổ chức chống rửa tiền do các nước khối G7 lập ra) hiện đang điều tra chuyên án 435 tấn vàng lậu được buôn lậu từ các nước Châu Phi đến Dubai. Theo tổ chức này thì có đến 46% lượng vàng được Dubai nhập khẩu mỗi năm có xuất xứ không rõ ràng.
Đi tìm giải pháp
Dubai hiện là nhà xuất khẩu vàng quan trọng của nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy 3 thị trường lớn là Mỹ, Pháp và Đức lại ít khi nhập khẩu vàng từ Dubai. Các ngân hàng tại 3 nước này không yên tâm vào nguồn gốc vàng mua từ Dubai. Họ chỉ mua vàng đã được Hiệp hội Thị trường Vàng Bạc London (LBMA) công nhận. LBMA là tổ chức đại diện cho thị trường vàng thương phẩm toàn cầu và có trách nhiệm giám sát khoảng 150 doanh nghiệp tham gia thị trường này. Hiện chưa có công ty đúc vàng và kinh doanh vàng tại Dubai được LBMA công nhận.

Một đối tượng vàng tặc và công cụ để đãi vàng.
Nhờ nỗ lực của báo chí và các tổ chức phi lợi nhuận mà dư luận quốc tế đã chú ý hơn tới vấn đề chứng minh nguồn gốc của vàng. Các nhà hoạt động vì hòa bình và môi trường không muốn vàng lậu tiếp tay cho khủng bố và phá hoại môi trường, sức khỏe người dân. Tuy vậy đây vẫn là một cuộc chiến lâu dài. Ông Christoph Wild, Giám đốc tổ chức nhân quyền Society for Threatened Peoples (Thụy Sỹ), cho biết: “Trên giấy tờ thì ngành kinh doanh vàng toàn cầu có các thể chế khác nhau để đảm bảo vàng được khai thác hợp pháp, an toàn với với môi trường và cộng đồng. Vấn đề là các thể chế này ít khi được thi hành, và các công ty đang sẵn sàng “ngoảnh mặt làm ngơ” mà không sợ bất kỳ sự trừng phạt nào”.
Ông Mathias Baier là Giám đốc Cơ quan quản lý mạng lưới cung cấp nguyên liệu thô (DEKSOR) trực thuộc Bộ Kinh tế Đức, cho biết: “DEKSOR đa phần không thể xác định chính xác quốc gia nơi vàng được khai thác. Luật hải quan của nhiều nước quy định là vàng nhập khẩu chỉ cần ghi quốc gia nơi vàng được chế biến thành thành phẩm. 70% lượng vàng được Đức nhập khẩu hằng năm đến từ các công ty Thụy Sỹ đã được chính phủ họ công nhận, nhưng chẳng ai rõ số vàng trên từ đâu tới trước khi được đưa đến Thụy Sỹ”.
Theo ông Baier thì: “DEKSOR nhiều lần gửi yêu cầu đến các công ty kim loại quý để bày tỏ mong muốn được chia sẻ kết quả thanh tra thực địa. Nhiều doanh nghiệp đã từ chối yêu cầu của chúng tôi. DEKSOR không có cơ sở pháp lý nào để buộc các công ty kinh doanh vàng cung cấp tài liệu của họ. Các quốc gia nên chú ý hơn đến khía cạnh này để ban hành thêm những quy định tạo cơ hội cho việc điều tra xác minh nguồn gốc của vàng”.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/con-duong-hop-phap-hoa-vang-lau-i768912/