Con đường làm giàu của tỷ phú đứng sau Jollibee - công ty sở hữu Highlands Coffee và Phở 24

Ông Tony Tan hiện sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD và là người giàu thứ 11 tại Philippines.

Ra đời cách đây hơn 40 năm, Jollibee là một trong những chuỗi nhà hàng phát triển nhanh nhất châu Á. Công ty này hiện điều hành hơn 3.200 cửa hàng ở Philippines và hơn 2.500 cửa hàng ở nước ngoài - bao gồm các chuỗi Highlands Coffee, Phở 24, Smashburger, Coffee Bean... Đứng đằng sau thành công của Jollibee là nhà sáng lập và Chủ tịch Tony Tan Caktiong. Ông Tony Tan hiện sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD và là người giàu thứ 11 tại Philippines, theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes.

Từ hàng kem đến chuỗi đồ ăn nhanh

Khởi điểm của Jollibee chỉ là một cửa hàng kem quy mô nhỏ ra đời vào năm 1975. Đây chính là tâm huyết của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tony Tan. Ông là con thứ 3 trong một gia đình nghèo khó có đến 7 anh chị em. Tony Tan cùng các anh chị em của mình theo cha mẹ rời bỏ quê hương ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc để đến Philippines lập nghiệp. Khi đến đây, cha của ông mở một cửa hàng ăn chay nhỏ tại thành phố Davao, nằm về phía nam của đất nước.

Tony Tan từng theo học ngành kỹ sư hóa chất. Năm 22 tuổi, ông có cơ hội tham quan một nhà máy sản xuất kem và cuộc đời ông dường như thay đổi từ đó. Với số tiền tiết kiệm của gia đình, Tony Tan mở 2 cửa hàng bán kem nhượng quyền của hãng Magnolia Dairy Ice Cream.

Cửa hàng đầu tiên của ông có tên Cubao Ice Cream House, được đặt tại thành phố Quezon và cửa hàng thứ 2 có tên Quiapo Ice Cream nằm ngay tại trung tâm thủ đô Manila.

Đứng đằng sau thành công của Jollibee là nhà sáng lập và Chủ tịch Tony Tan Caktiong. Ảnh: Bloomberg

Đứng đằng sau thành công của Jollibee là nhà sáng lập và Chủ tịch Tony Tan Caktiong. Ảnh: Bloomberg

Khách đến các cửa hàng của Tony Tan, ngoài mua kem, còn thường hỏi về các món đồ ăn nóng. Nhận thấy nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm đó đang ngày một tăng lên, ông bắt đầu bổ sung bánh hamburger và sandwich vào thực đơn. 2 cửa hàng này hiện nay không còn hoạt động nữa nhưng nhiều nhân viên cũ hiện vẫn ngày ngày cống hiến cho sự phát triển của Jollibee.

Thượng hiệu Jollibee lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng từ năm 1978. Tuy nhiên, ban đầu chỉ đơn giản là Jolibe. Sau đó, tên gọi này đã được thay đổi giống với tên gọi hiện tại. Với phát âm không thay đổi nhưng đã có sự bổ sung thêm các chữ viết, Jollibee hướng đến sự kết hợp ý nghĩa của 2 từ “Jolly” (vui vẻ) và “Bee” (chú ong), với mục tiêu khiến thương hiệu này dễ được nhận diện hơn.

Nhiều người khuyên nên bỏ cuộc vì không thể đấu lại McDonald's

Cùng với người em trai Ernesto Tanmantiong, Tony Tan Caktiong mơ ước tạo ra một đế chế thức ăn nhanh tại đất nước Philippines của họ. Một giấc mơ khi đó được coi là “rất tham vọng”, cho đến khi ông lớn McDonald's xuất hiện.

Sự góp mặt của McDonald's tại Phillippines đe đọa đến doanh thu của công ty. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó lại là động lực giúp 2 nhà sáng lập Jollibee đưa thương hiệu ra ngoài thế giới.

“Khi chúng tôi biết McDonald's sắp thâm nhập thị trường trong nước, bạn bè nói với chúng tôi không nên trở thành đối thủ cạnh tranh - như các doanh nghiệp khác đã làm và không thử đối đầu với người khổng lồ toàn cầu này", Tony Tan chia sẻ.

Thế nhưng nhà sáng lập mới 28 tuổi khi đó quyết định không bỏ cuộc, thay vào đó ông lên một bản kế hoạch để “chiến đấu” với thương hiệu đến từ Mỹ.

“Tan Caktiong phân tích SWOT về điểm mạnh, điểm yếu của chúng tôi và những lỗ hổng là gì, anh ấy cũng đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của đối thủ”, Tanmantiong cho biết.

Jollibee hiện sở hữu hàng nghìn nhà hàng tại Philippines và khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Forbes

Jollibee hiện sở hữu hàng nghìn nhà hàng tại Philippines và khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Forbes

Theo Tanmantiong, trong khi McDonald's được hưởng lợi từ quy mô kinh tế và kinh nghiệm nhiều thập kỷ, họ đã xác định được một điều mà người khổng lồ Mỹ không thể cạnh tranh: Hương vị. Người Philippines có xu hướng ưa thích hương vị ngọt ngào và cay hơn và thật khó để McDonald's có thể kết hợp với điều đó mà không làm ảnh hưởng hương vị Mỹ mang tính biểu tượng giúp họ trở nên nổi tiếng như ngày nay.

“Sau khi rút ra được điểm cốt lõi đó, chúng tôi khá tự tin. Và chúng tôi đã đem đến cho khách hàng món Chickenjoy (món gà giòn vui vẻ) thực sự (món gà rán cốt lõi của công ty)".

Công ty bắt đầu cho phép nhượng quyền thương hiệu từ năm 1979 và tính đến năm 1981, có tổng cộng 10 cửa hàng mang thương hiệu Jollibee. Chỉ 4 năm sau đó, Jollibee trở thành công ty đứng đầu trên thị trường trong nước. Thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của công ty bắt đầu từ những năm cuối của thập niên 80.

Doanh thu của Jollibee tăng gấp 2 lần trong giai đoạn 1987-1989. Kỳ tích này lặp lại trong năm 1991 và mức tăng trưởng kỷ lục lên đến 300% được ghi nhận vào năm 1996.

Vươn ra thế giới

Không dừng lại thị trường trong nước, anh em Tony Tan tham vọng phát triển thương hiệu của mình ở khắp nơi trên thế giới. Jollibee bắt đầu thực hiện chiến lược kinh doanh tại các thị trường quốc tế từ năm 1987. Brunei chính là địa điểm đầu tiên đánh dấu cho tham vọng vươn ra biển lớn của công ty.

Tính đến năm 1995, công ty này đã có sự hiện diện rộng khắp khi có mặt tại một loạt các địa điểm như đảo Guam, Dubai, Kuwait và Ả Rập Saudi. Jollibee gia nhập thị trường Mỹ từ năm 1998 và gần đây, thương hiệu cũng chính thức xuất hiện tại Qatar, Singapore, Bahrain, Italia và cả Anh.

Cửa hàng Jollibee đầu tiên được mở tại Việt Nam vào năm 1996. Tháng 12/2011, tập đoàn này đã sáp nhập thêm 2 thương hiệu F&B Việt Nam chuyên về kinh doanh nhà hàng và cà phê là Highlands Coffee và Phở 24.

Theo Forbes, Jollibee vừa quyết định nắm toàn quyền kiểm soát chuỗi cửa hàng dim sum Tim Ho Wan như một phần trong kế hoạch đẩy nhanh việc mở rộng ra nước ngoài. Tập đoàn Philippines sẽ mua lại 15% cổ phần còn lại của Tim Ho Wan từ đối tác Titan Dining LP với giá 71,6 triệu đô la Singapore (52,7 triệu USD). Tim Ho Wan hiện điều hành 53 cửa hàng - hầu hết là các cửa hàng được nhượng quyền.

Jollibee nắm toàn quyền kiểm soát chuỗi cửa hàng dim sum Tim Ho Wan.

Jollibee nắm toàn quyền kiểm soát chuỗi cửa hàng dim sum Tim Ho Wan.

Ẩm thực Trung Quốc được coi là phân khúc quan trọng đối với Jollibee. Tập đoàn này cũng sở hữu chuỗi cửa hàng ăn uống Trung Quốc Chowking với 607 địa điểm trên toàn thế giới, trong khi Yonghe King, nổi tiếng với sữa đậu nành tươi, có 364 cửa hàng.

Jollibee cho biết họ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Tim Ho Wan tại Trung Quốc, với mục tiêu mở 100 cửa hàng tại quốc gia này trong vòng 4 năm tới. Hiện tại có 3 cửa hàng Tim Ho Wan ở Thượng Hải.

Trung Quốc là một phần trong quá trình phát triển toàn cầu của Jollibee. Hồi tháng 6, Tony Tan nói với các cổ đông rằng công ty có kế hoạch chi 12,2 tỷ peso (242 triệu USD) trong năm 2021 – khoản chi theo năm lớn nhất từ trước đến nay - để đẩy nhanh việc mở rộng các cửa hàng ở Philippines và thị trường nước ngoài trong bối cảnh doanh thu phục hồi.

Theo NDH

Xem link gốc Nguồn: https://ndh.vn/lam-giau/con-duong-lam-giau-cua-ty-phu-dung-sau-jollibee-cong-ty-so-huu-highlands-coffee-va-pho-24-1297477.html

Linh Lam (Theo SCMP, CNBC, Forbes)

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/con-duong-lam-giau-cua-ty-phu-dung-sau-jollibee-cong-ty-so-huu-highlands-coffee-va-pho-24-post149255.html