Con đường phát triển cho Tây Nguyên
Nghị quyết 23 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 5 tuyến cao tốc dài hơn 565km quan trọng. Các tuyến cao tốc được đầu tư sẽ là động lực cho vùng Tây Nguyên cất cánh. Để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết đề ra, các tuyến đường cao tốc đang dần thành hình.
Đắk Nông là địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng ôn hòa, mát mẻ quanh năm thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhưng để từ TP Hồ Chí Minh lên phải di chuyển hơn 200km mất 5 giờ đồng hồ. Các loại cây trồng như: cà phê, mắc ca, hạt tiêu hay sầu riêng cũng là cây thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên nông sản chủ yếu bán thô nên người dân hay chính quyền địa phương thu lợi nhuận vẫn thấp.
Một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông là công nghiệp khai khoáng, khi có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước. Công ty Nhôm Đắk Nông thuộc tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đang triển khai các dự án tại đây. Hàng trăm lượt xe ra vào hàng ngày tại công ty nhưng do tải trọng lớn từ 30-35 tấn nên để đảm bảo an toàn, công ty phải tránh những giờ cao điểm.
Khu vực Tây Nguyên không có đường sắt, không có cảng biển, có 3 sân bay toàn vùng. Muốn phát triển các tỉnh Tây Nguyên chỉ trông chờ vào giao thông đường bộ, nhưng hầu hết đây là các tuyến độc đạo, chưa đáp ứng được hết nhu cầu giao thương.
Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cần chiếc chìa khóa để mở “kho báu” đó. Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nhất là các tuyến cao tốc sẽ là chìa khóa giúp cho khu vực này phát triển.
5 tỉnh Tây Nguyên nhưng hiện nay mới chỉ có gần 20km đường cao tốc. Cùng với cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh hòa đang triển khai thì người dân kỳ vọng Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ phá thế độc đạo, tạo ra động lực bứt phá mạnh mẽ cho tỉnh Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/con-duong-phat-trien-cho-tay-nguyen-225767.htm