Con đường phát triển xanh của thế giới còn nhiều chông gai

Đầu tư cho phát triển xanh không đơn giản và Liên minh tài chính Glasgow vì khí thải ròng bằng không (GFANZ) khó có khả năng đảm bảo cho nền kinh tế thế giới đạt được sự phát triển xanh và bền vững.

Logo tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh, ngày 9/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Logo tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh, ngày 9/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã mang lại những kết quả đáng chú ý.

Trước tiên là việc hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng và gần 100 nước cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đã có thêm 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cam kết chấm dứt điện than, đưa tổng số các quốc gia và tổ chức tham gia vào cam kết này lên con số 190.

Tuy nhiên, tuyên bố có thể được xem là nổi bật nhất tại COP26 đến từ Liên minh tài chính Glasgow vì khí thải ròng bằng không (GFANZ) do cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney đồng chủ trì.

Thành viên của liên minh này là các chủ sở hữu tài sản, công ty quản lý tài sản, ngân hàng và công ty bảo hiểm hiện nắm giữ khoảng 130.000 tỷ USD tài sản. GFANZ đã tuyên bố rằng sẽ cố gắng cắt giảm lượng khí thải ròng từ các hoạt động cho vay và đầu tư của mình về bằng 0 vào năm 2050.

Tuyên bố của GFANZ có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh. Việc chuyển đổi nền kinh tế từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch đòi hỏi phải có sự phân bổ lại nguồn vốn rất lớn. Theo ước tính của các nhà kinh tế, đến năm 2030, mỗi năm thế giới sẽ cần khoảng 4.000 tỷ USD đầu tư cho năng lượng sạch, cao gấp 3 lần mức hiện tại.

Các thành viên của GFANZ đã có động cơ bảo vệ môi trường và họ cũng có sẵn các công cụ, phương tiện là 130.000 tỷ USD trong tay để làm mới nền kinh tế toàn cầu hướng tới tăng trưởng xanh.

Lập trường cho rằng ngành công nghiệp đầu tư phải đảm nhận một vai trò lớn hơn trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ra khí carbon ít hơn cũng đang ngày các được chấp nhận.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do công ty Ninety One của Anh thực hiện, một nửa trong số 6.000 nhà đầu tư tư nhân tại 10 quốc gia tham gia cuộc khảo sát cho rằng các nhà quản lý tài sản nên sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là cổ đông để giúp cắt giảm khí thải ở những công ty thải ra nhiều khí carbon.

Tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư cho phát triển xanh không đơn giản và một liên minh như GFANZ khó có khả năng đảm bảo cho việc nền kinh tế thế giới đạt được một sự phát triển xanh và bền vững.

Vấn đề đầu tiên là mức độ bao phủ. Tạp chí The Economist của Anh ước tính rằng các công ty niêm yết tư nhân - nhà nước không kiểm soát, chỉ phát thải ra từ 14-32% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Trong khi đó, các công ty do nhà nước kiểm soát, chẳng hạn như nhà khai thác than Coal India của Ấn Độ hay Saudi Aramco - nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia, chịu trách nhiệm đối với một phần rất lớn trong lượng khí phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, các công ty này không chịu sự ảnh hưởng của các tổ chức quản lý quỹ và các ngân hàng tư nhân.

Vấn đề thứ hai là việc đo đếm, đánh giá khí thải. Hiện vẫn chưa có cách nào để đánh giá chính xác lượng khí thải carbon của một danh mục đầu tư. Khí thải từ một thùng dầu có thể được tính cho công ty khai thác, công ty lọc dầu hay công ty sử dụng dầu để đốt…

Việc tính toán lượng khí thải của các dòng tài chính thậm chí còn khó khăn hơn. Ví dụ, các cổ đông, người cho vay và công ty bảo hiểm sẽ phân chia nhau lượng khí phát thải ra từ một nhà máy nhiệt điện than như thế nào?

Vấn đề thứ ba là động cơ. Các công ty tài chính tư nhân luôn cố gắng tối đa hóa lợi nhuận theo mức độ rủi ro cho khách hàng và chủ sở hữu của mình. Điều này đôi khi không đồng hành với việc cắt giảm khí thải carbon.

Cách dễ nhất để cắt giảm lượng khí thải carbon của một danh mục đầu tư là bán các phần vốn đầu tư vào các tài sản phát thải nhiều và đầu tư tiền thu được vào các công ty không phát thải như Facebook.

Lo ngại rằng sự ấm lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến giá trị dài hạn của các công ty, nhiều công ty quản lý tài sản lớn đã có những quyết định hiếm có. Aviva Investors, một công ty quản lý tài sản của Anh hiện quản lý khối tài sản 262 tỷ bảng (khoảng 360 tỷ USD) gần đây đã cảnh báo khoảng 30 công ty sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch rằng nếu không thực hiện các hành động quyết liệt để cắt giảm lượng khí thải, Aviva Investors sẽ bán hết cổ phiếu và trái phiếu của mình tại các công ty này trong vòng một đến ba năm tới.

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý tài sản khác thì cho rằng việc thoái vốn sẽ không làm thay đổi hành vi ứng xử của các công ty. Ngoài ra, vì lý do biến đổi khí hậu mà bán ra quá sớm, các nhà đầu tư có thể bỏ lỡ các khoản lợi nhuận lớn trong vài năm tới.

Hồi tháng 10, tờ Financial Times của Anh cho biết nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã lao vào mua cổ phiếu của các công ty dầu mỏ và khí đốt không được yêu thích và sau đó đã kiếm được các khoản lợi nhuận lớn.

Theo một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Reclaim Finance, chưa đến một nửa trong số 29 công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới đưa ra chính sách hạn chế đầu tư vào than đá, loại nhiên liệu hóa thạch được xem là gây ô nhiễm nhất, chứ chưa nói đến các ngành công nghiệp phát thải nhiều khí carbon khác.

Bên cạnh đó, khi các nhà quản lý tài sản và quỹ đầu tư lớn bán ra, các công ty hay tài sản gây ô nhiễm nặng rồi cũng sẽ tìm được chủ sở hữu mới. Những chủ nhân mới này có thể là các nhà đầu tư tư nhân không được công chúng biết đến và ít quan tâm đến vấn đề môi trường hơn.

Mặc dù vậy, những cam kết như của GFANZ cho đến nay vẫn là rất tốt. Tuy nhiên, để chống biến đổi khí hậu, nền kinh tế toàn cầu phát triển xanh và bền vững, thế giới sẽ cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp khác như bắt buộc các doanh nghiệp khai báo lượng khí thải, tiêu chuẩn hóa việc đo đếm lượng khí thải, mở rộng việc định giá khí carbon…/.

Đình Thư (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/con-duong-phat-trien-xanh-cua-the-gioi-con-nhieu-chong-gai/221065.html