Con đường phía trước của Việt Nam giữa bối cảnh toàn cầu đầy biến động

Việt Nam đang làm tốt việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thể hiện bằng việc, trong 10 năm qua, đất nước đã nổi lên như là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và sôi động nhất khu vực, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 6%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, Chính phủ cần cải thiện nhiều vấn đề, trong đó có nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư, đa dạng chuỗi cung ứng… để giữ nhịp phát triển.

Xuất khẩu Việt Nam đang tăng trở lại trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào sản xuất từ Trung Quốc tiếp tục đổ về. Ảnh minh họa: TTXVN

Xuất khẩu Việt Nam đang tăng trở lại trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào sản xuất từ Trung Quốc tiếp tục đổ về. Ảnh minh họa: TTXVN

Sự trỗi dậy của Việt Nam

Mặc dù, căng thẳng địa chính trị cùng với những biến động kinh tế trên toàn cầu ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của hoạt động kinh tế nhưng cũng đã mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn, điểm đến đã thu hút thêm được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.

Với Mỹ, nhiều doanh nghiệp nước này như Cargill, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Hue Capital LLC, Intel, Lockheed Martin International… đã chuyển cơ sở sản xuất từ nước khác đến Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường này.

Với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc, từ các công ty dệt may gia công, đến các công ty công nghệ cao và quang điện cũng đang mở nhà máy tại Việt Nam để tránh rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào thị trường nội địa. Trong đó, những công ty như BYD, Cherry, Gongjin Electronics, DBG Technology và Huaqin là những ví dụ đáng chú ý.

Tháng 3, Trung Quốc đã vượt qua Singapore và Nhật Bản để đứng đầu danh sách các quốc gia đăng ký dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới tại Việt Nam. Trung Quốc có hơn 4.400 dự án đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỉ đô la Mỹ và hiện xếp thứ 6 trong số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Sự nổi lên của Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế cho các nhà sản xuất chip toàn cầu không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả trực tiếp của việc các doanh nghiệp đa quốc gia nhận ra lợi ích của việc đa dạng hóa các địa điểm sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia hoặc khu vực duy nhất. Được thúc đẩy bởi quyết định chiến lược của các doanh nghiệp, xu hướng này đang củng cố vị trí của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong tổng số lực lượng lao động là 52,4 triệu, Việt Nam vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Ảnh minh họa: TL

Trong tổng số lực lượng lao động là 52,4 triệu, Việt Nam vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Ảnh minh họa: TL

Những thách thức phải đối mặt

Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phát triển kinh tế. Trong đó, có thách thức về phát triển chuỗi cung ứng, logistics, nguồn nhân lực, thu hút vốn đầu tư…

Về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài và tận dụng lợi thế ổn định chính trị của đất nước để cạnh tranh với các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Áp lực phát triển các dịch vụ logistics cũng gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực ngày càng gay gắt hơn.

Về vấn đề lao động, một khảo sát toàn diện mới đây của Reeracoen Vietnam cho thấy, triển vọng tuyển dụng tích cực cho năm 2024, với 9 trong 10 nhà tuyển dụng có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động.Các ngành công nghệ và sản xuất được dự báo là sẽ tăng trưởng mạnh nhờ vốn đầu tư nước ngoài và cam kết của Việt Nam đối với chuyển đổi số.

Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm là trong tổng số lực lượng lao động là 52,4 triệu (tính đến quí 1-2024), cả nước vẫn có đến 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu, theo một báo cáo năm 2019 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Khoảng trống này là thách thức đối với mục tiêu tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của lĩnh vực công nghệ cao. Quan trọng hơn, cấu trúc lực lượng lao động bị mất cân đối, đặc biệt thiếu hụt lao động có kỹ năng cao. Điều này cần được giải quyết trong tương lai gần.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Những cơ hội đầu tư mới đã xuất hiện từ việc Việt Nam được chọn làm đối tác cho Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), được vay ưu đãi 15,5 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 (PDPVIII), đặt ra mục tiêu lớn cho đất nước trong việc phát triển ngành năng lượng đến năm 2030, với tầm nhìn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam hiện có cơ hội hiếm có để tận dụng JETP. Bằng cách thực hiện một khung ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) toàn diện, Việt Nam có thể thiết lập uy tín và vai trò lãnh đạo khi phấn đấu đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là JETP chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong số vốn mà Việt Nam cần (Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính từ 533 đến 657 tỉ đô la Mỹ) để thực hiện cam kết này. Vì vậy, Chính phủ cần huy động được nguồn tài trợ quốc tế dồi dào nếu muốn đạt được mục tiêu Net Zero .

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thực hiện các hành động ESG tích cực nhưng nhìn chung, doanh nghiệp cũng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu hành trình này và gặp không ít khó khăn. Trong đó, có trở ngại từ việc các quy định thiếu độ chắc chắn, khoảng trống về cơ sở hạ tầng và thiếu sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Đây cũng là những vấn đề cần được giải quyết.

Về việc tuân thủ các quy định xanh và phát triển bền vững, hiện chỉ có 20% các công ty đang chủ động chuẩn bị cho các quy định xanh sắp tới của EU như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) và 38% không có kế hoạch tuân thủ. Điều này không chỉ gây ra thách thức trong nước mà còn có thể cản trở khả năng cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là trên thị trường EU, một thị trường quan trọng với Việt Nam. Nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề này một cách thích đáng, cơ hội trước mắt có thể sẽ trở thành một bất lợi trung hạn.

Về thu hút để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong quá trình tư vấn cho các tổ chức chính phủ ở một số quốc gia về chiến lược tăng cường đầu tư từ các thị trường quốc tế quan trọng, FTI Consulting nhận thấy, các chính phủ cần phải tự tiếp thị tiềm năng đầu tư của quốc gia, lắng nghe phản hồi và hành động tích cực nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. Chính phủ cần chứng minh được đây đích thực là điểm đến ưa thích và sau đó là hỗ trợ các nhà đầu tư thông qua các thủ tục hành chính, đi kèm với việc gia nhập hoặc mở rộng thị trường một cách hiệu quả.

Chỉ số Cơ hội Toàn cầu Milken vừa xếp Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông và Nhật Bản trên Việt Nam. Chỉ số này được đánh giá phần nào dựa trên nhận thức kinh doanh nhưng cũng bao gồm các yếu tố kinh tế cơ bản, dịch vụ tài chính, khung thể chế và tiêu chuẩn và chính sách quốc tế.

Vì vậy, Việt Nam có cơ hội để cải thiện vị trí, chứng minh điểm đến không chỉ là một điểm đến hấp dẫn mà còn ngày càng là một quốc gia có vai trò quan trọng trên thị trường quốc tế, với số lượng ngày càng tăng các công ty Việt Nam đang khẳng định vị thế ở nước ngoài như FPT, Vietjet, Vinfast hay Viettel.

Sự quen thuộc tạo ra đầu tư, dẫn đến tăng trưởng!

—–

*Chuyên gia cao cấp, FTI Consulting, Singapore

**CEO, Pioneer Marketing & Public Affairs

Nick Wood (*) - Arthur Đỗ (**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-duong-phia-truoc-cua-viet-nam-giua-boi-canh-toan-cau-day-bien-dong/