Con đường tìm kiếm lợi nhuận của các hãng xe điện

CEO Ford chia sẻ về kế hoạch đưa mảng sản xuất ô tô điện có lãi trong tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley đã đề cập đến những khó khăn mà thị trường xe điện đang phải đối mặt. Theo Fortune, xe điện ban đầu được quảng cáo rầm rộ là bước tiến lớn tiếp theo trong ngành công nghiệp ô tô, song các mẫu xe mới lại đang vật lộn để giành được thị phần trong khi doanh số bán hàng ảm đạm. Điều đó khiến các nhà sản xuất ô tô như Ford, phải tìm cách đầu tư vào một công nghệ mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai, mặc dù hiện tại nó chưa mang lại lợi nhuận.

CEO Ford nhận định rằng không phủ nhận hướng đi tương lai của nhà sản xuất này là đưa mảng xe điện sinh lời. Nhưng, ông cần vạch ra một con đường chắc chắn. “Chúng tôi sẽ không đầu tư vào tương lai của xe điện trừ khi chúng tôi tin chắc rằng mình sẽ có lợi nhuận", CEO Jim Farley nói trong cuộc phỏng vấn với Yahoo News.

Hiện tại, Ford vẫn chưa thể tạo ra khác biệt trong mảng kinh doanh xe điện nhưng CEO của họ đang kỳ vọng một cú lội ngược dòng. Trong quý đầu năm nay, mảng xe điện của Ford lỗ 1,3 tỷ USD. Ông Farley cho biết khoản lỗ đó sẽ chuyển thành lợi nhuận trong “vài năm tới”, khi Ford tung ra thế hệ xe điện thứ hai.

“Trong thế hệ đầu tiên, chúng tôi có nhiều cơ hội để cải thiện tình trạng thua lỗ,” Farley nói. “Nhưng cho đến khi chúng tôi bước sang thế hệ thứ hai thì tình hình mới bắt đầu khởi sắc", CEO Ford dự kiến hãng sẽ ra mắt thế hệ xe điện thứ hai trong vài năm tới.

CEO Ford, Jim Farley. (Ảnh: Fox Business).

CEO Ford, Jim Farley. (Ảnh: Fox Business).

Một phát ngôn viên của Ford cho biết công ty chưa công bố thời điểm cụ thể dự kiến hoạt động kinh doanh xe điện sẽ có lãi. Họ nói thêm rằng các mẫu xe điện mới sẽ chỉ được ra mắt khi điều đó xảy ra.

“Chúng tôi xin nói rõ rằng Ford sẽ giới thiệu các mẫu xe điện thế hệ tiếp theo khi chúng tôi tin chắc rằng chúng sẽ có lãi trong năm đầu tiên,” phát ngôn viên của Ford cho biết. Những mẫu xe điện này được cho là đang trong quá trình phát triển.

Ford và các nhà sản xuất xe điện khác đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn nếu họ muốn thực hiện đúng lời của Jim Farley.

Những tháng gần đây cho thấy quá trình chuyển đổi sang xe điện đã đình trệ như đáng kể. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với xe điện hoàn toàn đã giảm. Do đó, Ford đã chọn sản xuất nhiều xe hybrid hơn thay vì xe điện hoàn toàn và trì hoãn việc giao hàng loạt xe điện mới nhất.

Ford hiện là nhà sản xuất xe điện bán chạy thứ hai nước Mỹ, bán được khoảng 20.000 xe trong quý đầu tiên. Vấn đề còn lại đối với Ford và các đối thủ cạnh tranh của họ là tìm cách giảm chi phí cho các mẫu xe, vốn vẫn có giá cao hơn so với xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường.

Có thể mất nhiều năm để xe điện đạt được mức chi phí tương đương với xe chạy bằng xăng. Tháng trước, CEO Jim Farley nhận định không có khả năng xe điện sẽ được sản xuất với giá rẻ như xe động cơ đốt trong trước năm 2030.

Phần lớn các xe điện giá rẻ đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện vì họ có lợi thế trong sản xuất pin xe hơi, vốn có chi phí cao hơn đáng kể so với động cơ đốt trong.

CEO Jim Farley ước tính chi phí hệ thống truyền động của động cơ đốt trong chỉ bằng 10% so với xe điện. Cho đến khi các công ty Mỹ như Ford có thể sản xuất pin xe hơi và các thành phần khác với giá cả phải chăng hơn, họ sẽ không thể cạnh tranh được.

Mới đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden áp dụng một loạt thuế quan đối với xe điện Trung Quốc nhằm mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Và CEO Ford hoan nghênh các biện pháp thuế quan trong ngắn hạn, nhưng cho biết Ford không nên dựa dẫm quá nhiều vào chúng trong tương lai.

“Thuế quan là một phần quan trọng trong việc san bằng sân chơi trong một thời gian,” Farley nói. “Nhưng cuối cùng, Ford phải hoàn toàn cạnh tranh về chi phí và chất lượng với bất kỳ ai mà chúng tôi cạnh tranh, bao gồm BYD hoặc [các nhà sản xuất Trung Quốc khác].”

Những người chỉ trích các biện pháp thuế quan cũng đồng ý với Farley rằng chúng sẽ có hiệu quả ngay lập tức nhưng không nên là giải pháp lâu dài. Mối quan tâm chính là ngành công nghiệp xe điện của Mỹ cần học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình. Bằng cách đó, các công ty sản xuất xe điện sẽ có thể hỗ trợ cả nền kinh tế Mỹ và những nỗ lực chống biến đổi khí hậu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/con-duong-tim-kiem-loi-nhuan-cua-cac-hang-xe-dien.html