Con đường tự cường công nghệ bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn xa

Xét về mặt công nghệ chế tạo chip, ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC vẫn còn đi sau doanh nghiệp của các nước vài năm.

“Cơn khát” chip bán dẫn toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP

Các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc đang rốt ráo phát triển các sản phẩm chip của riêng mình nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu tự cường về công nghệ bán dẫn.

Tuy nhiên, ông Peter Hanbury, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp Bain & Company cho rằng, trên thực tế con đường đi đến tự cường về chip bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn xa, bởi Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ chip bán dẫn của nước ngoài và vẫn đi sau các công nghệ tiên tiến của ngành này.

Chip bán dẫn là linh kiện quan trọng của nhiều mặt hàng thời nay, từ điện thoại thông minh, tủ lạnh, đến ô tô. Đây cũng là điểm mấu chốt trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn trong nước, nhưng vẫn chật vật để theo kịp các đối thủ ở Mỹ và châu Á. Chip bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng về mặt an ninh quốc gia đối với nhiều nước và nó cũng phản ánh sức mạnh công nghệ của một đất nước.

Một số doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc phát triển chip "made in China".

Mới đây nhất, Alibaba đã trình làng dòng chip thiết kế riêng cho các máy chủ và điện toán đám mây. Còn tháng 8 vừa qua, Baidu đã cho ra mắt sản phẩm chip AI thế hệ thứ hai Kunlun 2, trong khi đó Oppo đang phát triển các bộ vi xử lý cao cấp riêng cho sản phẩm tai nghe, theo tờ Nikkei.

Dẫu vậy, những công ty Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào các công nghệ nước ngoài khi sản xuất ra con chip riêng. Ở bình diện rộng hơn của ngành chế tạo và chuỗi cung ứng, các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.

"Đây là bước đi trong ván cờ tăng cường tự chủ trong sản xuất chip (của Trung Quốc) nhưng chỉ là bước đi nhỏ", ông Peter Hanbury đánh giá.

"Đó là những ví dụ điển hình về các dòng chip tự thiết kế trong nước, còn về mặt sở hữu trí tuệ, chế tạo, thiết bị và vật liệu (doanh nghiệp Trung Quốc - BTV) vẫn lấy nguồn từ nước ngoài", ông Peter Hanbury nhấn mạnh.

Lý do mà các doanh nghiệp Trung Quốc muốn có sản phẩm chip mang tên riêng là bởi họ muốn tạo ra những sản phẩm cho mục đích riêng biệt để cạnh tranh với các đối thủ, đơn cử như dòng chip Yitian 710 của Alibaba dùng cho các máy chủ và điện toán đám mây.

Thực chất, Yitian 710 dựa trên thiết kế cấu trúc của Công ty bán dẫn Anh Arm. Dòng chip này được phát triển dựa trên quy trình công nghệ 5 nanomet, công nghệ chip hiện đại nhất đến thời điểm này. Trong khi Kunlun 2 của Baidu thuộc dòng chip 7 nanomet, còn Oppo đang phát triển sản phẩm chip 3 nanomet.

Đến nay, vẫn chưa doanh nghiệp Trung Quốc nào có thể chế tạo được các chip tối tân ở các kích thước trên. Họ đều phải phụ thuộc vào "đại gia" ngành chip thế giới, bao gồm: Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan), và Samsung (Hàn Quốc).

Ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC vẫn còn đi sau doanh nghiệp của các nước khác vài năm, xét về mặt công nghệ chế tạo.

Còn chuỗi cung ứng chip toàn cầu, thậm chí các "đại gia" như TSMC và Intel cũng đang phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ chế tạo chip từ các công ty khác. Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sức mạnh đang trong tay của ASML từ Hà Lan - công ty duy nhất trên thế đủ khả năng sản xuất ra máy móc chế tạo ra những con chip tối tân nhất.

Ông Peter Hanbury cho rằng: "Hệ sinh thái ngành chip bán dẫn rất lớn và phức tạp, để đạt đến trình độ tự cung ứng là điều rất khó bởi nó đòi hỏi một chuỗi bao gồm nhiều công nghệ và năng lực sản xuất lớn". Theo chuyên gia này, thách thức lớn nhất để đạt đến mức tự cường là không đơn thuần đầu tư mạnh tay mà cần phải đáp ứng các yêu cầu về mặt chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy.

Chính phủ các nước đang chạy đua về nâng cao năng lực sản xuất chip trong bối cảnh thế giới đang khủng hoảng nguồn cung sản phẩm này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào ngành chế tạo và nghiên cứu chip bán dẫn. Vào tháng 3/2021, Intel đã công bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ. Động thái này phản ánh nỗ lực của Washington nhằm kéo ngành sản xuất chip về nước Mỹ.

Tháng 9 vừa qua, lãnh đạo "Bộ tứ kim cương" gồm: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia cũng đã tuyên bố kế hoạch thiết lập sáng kiến chuỗi cung ứng chip nhằm nhận diện những bên yếu thế và bảo đảm tiếp cận chip bán dẫn, các linh kiện quan trọng khác.

Cũng trong tháng 9, Mỹ và EU đã đạt được đồng thuận trong việc tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu khi bàn giải pháp khắc phục tình trạng chip bán dẫn nghiêm trọng như hiện nay.

Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ - EU cho biết hai bên đã nhất trí "xác định những lỗ hổng trong chuỗi giá trị chip bán dẫn và củng cố hệ sinh thái bán dẫn của hai bên", đồng thời cam kết "xây dựng mối quan hệ đối tác về tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn".

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/con-duong-tu-cuong-cong-nghe-ban-dan-cua-trung-quoc-van-con-xa-d154228.html