'Con đường ước mơ' nối về thôn Trấm
Nếu như ở địa bàn thuận lợi, việc đầu tư xây dựng một con đường giao thông là điều bình thường thì đối với thôn Trấm (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) - nơi được xem 'ốc đảo' - để có được con đường giao thông nối về thôn là mơ ước bao đời của người dân nơi đây. Sau hàng chục năm chờ đợi, mới đây dự án LRAMP đã triển khai xây dựng tuyến đường giao thông nối về thôn Trấm, từ đây đã mở ra nhiều cơ hội để người dân phát triển kinh tế…
Từ Quốc lộ 1 đi đường bộ về hướng Tây của xã Triệu Thượng khoảng 10 km là đến thôn Trấm. Còn nếu đi đò thì xuất phát ở bến đò xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), đi khoảng 25- 30 phút là đến nơi. Dù không quá xa trung tâm nhưng từ lâu thôn Trấm luôn được xem là địa bàn biệt lập, khó khăn nhất của huyện Triệu Phong bởi giao thông đi lại quá khó khăn, trắc trở. Những ngày đầu tháng 8 này, một số phần việc thi công cuối cùng của tuyến đường dẫn vào đây đang gấp rút hoàn thành.
Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng Nguyễn Quang Thịnh cho biết, dự án LRAMP triển khai xây dựng tuyến đường bê tông bắt đầu từ thôn Thượng Phước, đi qua thôn Tân Xuân rồi đến thôn Trấm, có tổng chiều dài 4 km; mặt đường rộng 3 m, độ dày 20 cm; trên tuyến đường có 4 chiếc cầu với chiều rộng 4 m… Tổng mức đầu tư tuyến đường này khoảng 11 tỉ đồng.
“Tuyến đường được xây dựng nối về thôn Tân Xuân, đặc biệt là thôn Trấm đã mang đến niềm vui lớn cho bà con. Bởi bao đời nay đường giao thông về các thôn này quá gian nan, nhất là về mùa mưa lũ, vùng đất này thường bị chia cắt. Có đường lớn về, nông sản, rừng trồng, bò nuôi, mủ cao su… của người dân được thu mua dễ dàng, thương mại dịch vụ chắc chắn sẽ phát triển hơn”, ông Thịnh vui vẻ nói.
Lặng nhìn con đường bê tông lớn đi ngang trước ngõ, ông Võ Sang, chủ cửa hàng tạp hóa và cơ sở thu mua nông sản ở thôn Trấm không giấu được niềm vui. Ông Sang nói vợ chồng mình mở cửa hàng tạp hóa và thu mua nông sản cho người dân trên địa bàn thôn từ rất lâu. Nhưng khâu vận chuyển hàng hóa, nông sản lên về thị xã Quảng Trị của vợ chồng ông rất vất vả.
“Mỗi lần vận chuyển nông sản bằng đò, mỗi chuyến lên đến 4 tấn nhưng riêng khoản bốc xếp lên xuống đò, xe cũng mất rất nhiều công sức và thời gian. Chuyển nông sản từ bến đò Trấm rồi đi về bến đò ở đập tràn phía xã Hải Lệ, sau đó bốc lên xe ô tô chuyển về thị xã… Mua hàng tạp hóa ngược lên cũng qua các khâu tương tự, vất vả hết sức. Nay đường được đầu tư xây dựng, chỉ mất vài chục phút là về đến quốc lộ, vui sướng không thể tả”, ông Sang phấn chấn nói.
Cũng từ khi có tuyến đường nối về thôn, vợ chồng ông quyết định bỏ số tiền tích lũy bao năm nay mua chiếc xe tải thùng 1,4 tấn loại cũ để tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa và “tạm biệt con đò” sau nhiều năm gắn bó. Ông cho biết, hiện nay đang vào vụ thu hoạch đậu xanh nên vợ chồng ông tích cực thu mua hàng để vận chuyển giao cho đối tác. Mùa nào thức đó, quanh năm vợ chồng ông Sang hết thu mua đậu đỗ các loại lại quay sang mua lạc, sắn, ngô… Cũng nhờ có “chủ vựa” như vợ chồng ông Sang mà nhiều năm nay việc tiêu thụ nông sản cho bà con thôn Trấm diễn ra suôn sẻ hơn.
Ông Võ Bá Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Trấm, cũng là một trong những nông dân tiêu biểu, hăng hái đi đầu trong sản xuất tại địa phương không giấu được niềm vui và xúc động khi nói đến con đường nối về thôn Trấm. Ông Tín cho biết, gia đình ông có 10 ha rừng trồng, 1 ha cao su đã vào kỳ thu hoạch, 1,2 ha canh tác hoa màu luân canh ở bãi biền sông Thạch Hãn và vài sào trồng cây ăn quả…
“Trước đây, lượng nông sản làm ra lớn nhưng do đường mòn dẫn lên thôn nhỏ, đi lại quá khó nên việc tiêu thụ khá bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và bị ép giá. Nhưng nay có đường giao thông thuận tiện rồi bà con rất vui, có thể vận chuyển các loại nông sản, gỗ rừng về bán tận nơi dễ dàng với giá thành cao hơn”, ông Tín vui mừng nói.
Ngoài tiêu thụ nông sản, theo ông Tín, con đường còn mang lại rất nhiều “cái được” so với trước đây. Đó là mỗi dịp lễ hội, Tết, người dân có thể dễ dàng về đến thị xã Quảng Trị, đi thành phố Đông Hà vui chơi, giải trí… thay vì chỉ biết bó gối ở nhà vì cách trở đò giang. Hay mùa mưa lũ, thôn Trấm không lo bị cô lập vì đã có cầu, đường kiên cố và cao ráo để đi lại.
Trưởng thôn Võ Hùng Phong rảo bộ trên con đường thoáng rộng, sạch đẹp băng qua bãi biền phong nẫm dọc theo sông Thạch Hãn mà thấy lòng mình phơi phới. Ông chia sẻ rằng ước mơ của 126 hộ dân với 545 nhân khẩu của thôn Trấm cũng như hơn 100 hộ dân của thôn Tân Xuân ở kề bên giờ đây đã thành hiện thực. Trưởng thôn Phong dự báo, có con đường huyết mạch này, việc sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác ở thôn Trấm sẽ phát triển nhanh trong thời gian sắp tới.
“Dù là địa phương có dân số ít nhưng toàn thôn hiện có đến 500 ha rừng trồng, 30 ha cao su, tổng đàn bò 260-270 con (cao điểm lên đến 340 con), 12,7 ha lúa, 64 ha sản xuất hoa màu các loại (sản lượng hoa màu các loại rất lớn, chỉ tính riêng lạc củ tươi mỗi vụ thu hoạch đã đạt từ 250-300 tấn). Với tất cả nông sản, lâm sản rất lớn đó nếu không có đường giao thông để vận chuyển thì gây khó khăn cho bà con cũng như bị giảm giá trị khi tiêu thụ. Vậy nên người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi và hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”, ông Phong thông tin.
Toàn thôn Trấm hiện có 5 cửa hàng tạp hóa, chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân nhưng theo trưởng thôn Phong thì trong thời gian tới không chỉ cửa hàng tạp hóa mà nhiều dịch vụ kinh doanh khác sẽ phát triển ngày càng nhiều hơn ở thôn Trấm.
Cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Triệu Thượng cho hay, trước đây điểm trường Mầm non Trấm là ngôi trường độc lập. Nhưng từ khi thực hiện sáp nhập thì Trường Mầm non Trấm trở thành một điểm trường thuộc Trường Mầm non Triệu Thượng. Điểm trường Mầm non thôn Trấm hiện có 1 cô nuôi và 3 giáo viên phụ trách dạy 1 lớp ghép 3 độ tuổi với khoảng hơn 30 cháu. Đa số các giáo viên là người ở các xã khác đến công tác.
“Trước đây việc đi lại của giáo viên rất khó khăn do phụ thuộc đò và đường đi cách trở. Do đó một số giáo viên vài ngày hay cả tuần mới về nhà một lần. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, thậm chí nhiều giáo viên còn bị mắc kẹt, cô lập tại thôn trong suốt thời gian dài. Nay thôn được quan tâm xây dựng tuyến đường giao thông nối về, tôi và các giáo viên mừng lắm. Chúng tôi chia vui với bà con thôn Trấm, mừng cho giáo viên, cho học sinh vì từ nay việc đi lại đã thông, không còn phải chịu cảnh lấm lem bùn đất như trước đây…”, cô Lan hóm hỉnh chia vui.
Không chỉ giáo viên mầm non mà nhiều giáo viên điểm trường Tiểu học và THCS ở thôn Trấm cũng sẽ được hưởng lợi từ tuyến đường ý nghĩa này. Di chuyển băng băng trên tuyến đường giờ đã được đổ bê tông thoáng rộng bên bãi biền sông Thạch Hãn lồng lộng gió, tôi như hòa chung với niềm vui của bà con thôn Trấm.
Hy vọng rằng, tuyến đường này sẽ là chiếc “chìa khóa” mở ra sự phát triển mới, từng bước tạo nên bộ mặt khởi sắc, văn minh cho làng quê và mang lại no ấm, hạnh phúc cho Nhân dân nơi đây.