Con gà trống trung thành và chăm chỉ
Tết Trung thu, đang dịch bệnh Covid-19 nên không được đi ra ngoài, một số nơi có mưa to, ông trăng tròn bị mây che khuất. Đúng là một trung thu đặc biệt - phá cỗ thiếu vắng bạn bè. Út Mũi Né góp nhặt chuyện cổ tích 'Con gà trống trung thành và chăm chỉ', còn có tên 'Con gà trống và lão quan tham', truyện dân gian Moldavia của nhà văn Ion Creanga (1837-1888), nguyên bản tiếng Pháp do Già Phan (nhà văn Phan Quang) thuật lại đúng dịp trung thu.
Con gà trống trung thành và chăm
Chuyện rằng có 2 vợ chồng nhà nọ, chồng nuôi con gà trống có mào đẹp, lông mượt, chân và mỏ sắc để bới đất, cất tiếng gáy đánh thức mọi người lúc bình minh. Vợ nuôi gà mái, đánh đập nó để mỗi ngày đẻ 2 trứng, bà đánh chén sạch, ông chồng nhịn thèm. Chồng: “Bà nhà cho tôi ăn trứng với”. Vợ: “Xin lỗi, trứng của ai người ấy xơi”.
Một sáng nọ, tin lời vợ chồng đánh gà trống cho nó đẻ trứng. Gà trống chịu không nổi vùng chạy ra ngoài. Dọc đường gà trống nhặt được chiếc túi nhỏ đựng 2 đồng tiền liền quắp vào mỏ mang về. Trên đường gà trống gặp chiếc xe ngựa chở lão quan tham. Quan ra lệnh người đánh xe lấy túi đựng tiền của gà. Gà trống chạy theo xe: “Trả tiền cho ta”. Quan ra lệnh ném gà trống xuống giếng. Bị nạn, gà trống uống cạn nước trong giếng rồi nhảy lên bờ tiếp tục chạy theo xe ngựa: “Trả lại tiền cho ta”. Quan tức lộn ruột, lệnh bắt gà về nhà giết thịt. Lửa cháy, nước sôi, gà trống sợ quá nôn ói nước giếng cháy lênh láng dập tắt lửa, làm ngập nhà quan. Gà bị nhốt xuống hầm kín chứa vàng bạc, gà nuốt sạch rồi phá cửa trở về nhà mình. Cả đàn gà mái của quan chạy theo gà trống.
Về nhà gà trống đẻ ra nhiều vàng bạc. Đàn gà mái đẻ bao nhiêu là trứng mỗi ngày. Ông chồng trở nên giàu có xây tòa lâu đài đẹp trong vườn. Gà trống được sắm vòng vàng đeo cổ sáng lấp lánh. Bà vợ thèm vàng nhỏ dãi. Thương tình chồng cho vợ đến quét dọn chuồng gà, chuồng bếp, xếp cho 1 chỗ nằm ngoài hiên nhà.
***
Câu chuyện cổ tích Moldavia thật ý nghĩa mùa trung thu, giữa đại dịch Covid-19. Rốt cuộc, ai chăm chỉ, trung thực, biết sẻ chia, có tình thương yêu cuộc đời thật đẹp. Ai ích kỷ, sống chỉ biết mình, độc ác cái kết không mấy tốt đẹp, rơi vào bi kịch.
Giữa tâm dịch vi vút SARS-CoV-2 có bao nhiêu chuyện đẹp giữa đời thường. Bé gái học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, đường Thảo Điền, quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh có tên gọi ở nhà là Zim rất dễ thương. Ngày 14 âm lịch, bé Zim tẩn mẩn cắt từng bông hoa đẹp và ông sao vàng 5 cánh dán lên 300 trái bưởi Phúc Trạch, loại bưởi đặc sản đã từng đoạt giải cao tại cuộc đấu xảo toàn Đông Dương năm 1937. Bưởi được nhập về trước trung thu theo xe “luồng xanh” từ huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Chiều muộn, bé Zim nói với ba Xuân Hiếu:
- Ba thưởng cho con một chuyến xe chở bưởi tới bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung, để con tặng quà trung thu cho các bạn.
- Vậy cho ba địa chỉ giao nhận những trái bưởi trung thu?
Mẹ bé Zim đứng cạnh:
- Cô nàng tính toán rất khoa học, giao nhiệm vụ cho mẹ, tất cả đã kết nối từ trưa, ba Hiếu đến các địa chỉ này, có tên người nhận, số điện thoại của họ. Giấy phép đi đường thì ba đã có sẵn.
Trong cuộc sống này, không phải chỉ một mình cô bé Zim. Hàng vạn tấm lòng thơm thảo của các bé - san sẻ yêu thương, vẫn đang diễn ra hàng ngày giữa các vùng tâm dịch. Ở Bình Thuận, một bé ở Hàm Thuận Bắc cùng mẹ và ông bà ra vườn hái chọn rau xanh, trái bí, trái bầu gửi vùng tâm dịch. Một bé khác ở Hàm Tân, giữa chiều nắng gắt đã cùng bà nội lên huyện đóng góp tiền vào quỹ Vaccine của tỉnh. Việc nhỏ mà ý nghĩa lớn, thật đáng quý, trân trọng lắm thay.
Đêm phá cỗ trung thu, Út Mũi Né điện thoại về ngôi nhà nhỏ nép vào rặng cây xanh trên phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội trân trọng cảm ơn cụ ông nhà văn Phan Quang đã chuyển tải đến bạn đọc câu chuyện cổ tích của Moldavia giàu tính giáo dục và nhân văn đúng dịp trung thu và giãn cách xã hội chống dịch. Các cháu thiếu nhi kính chúc cụ Già Phan thượng thọ, sẽ vượt ngưỡng trăm tuổi trong sự minh mẫn và thông tuệ!
ÚT MŨI NÉ