Con gái mà lấy chồng xa...
Ngày còn trẻ, nghe câu ca dao ấy, chị để nó thoảng qua tai chứ chưa bao giờ mảy may để tâm. Như bao cô gái khác trong xóm, chị vẫn nghĩ rằng, rồi mình lớn lên, sẽ lấy một chàng trai xóm bên, rồi sinh con đẻ cái, rồi ngày ngày chạy qua chạy lại nhà má, sẽ không bao giờ đi quá xa cha má, vì từ nhỏ đến khi mới lớn, chị hầu như chưa xa nhà lấy một ngày.
Nhưng rồi số phận đưa đẩy làm sao, chị lớn lên, đi học rồi lấy chồng xa nhà gần 1.000 cây số. Chồng cũng chẳng phải anh chàng làm nông, chàng thợ mộc như chị hay hình dung, mà là một doanh nhân, cũng được coi là “thành đạt”.
Thế là chẳng bao giờ có cái cảnh ngày ngày về nhà “ăn ké” cha má, rổn rảng nói cười cùng lũ em. Chị sinh hai đứa con trai. Hai thằng nhóc lúc nhỏ thì vừa quậy vừa kén ăn, lớn rồi cũng có biết bao chuyện phải lo, từ học thêm năng khiếu đến học ngoại ngữ, từ chọn trường đến chuyển trường, rồi tính đường du học. Và chồng chị nữa, anh bận rộn ngày đêm, việc của chị là lo chu toàn nhà cửa, nuôi dạy con cái, rồi lại cùng chồng ngoại giao, chu toàn nội, ngoại.
Nói là chu toàn nội, ngoại, nhưng một năm, chị về nhà được mỗi một lần, vào một dịp lễ nào đó giữa năm. Tất bật trở về, tặng bao nhiêu là quà quý, là thực phẩm chức năng bổ dưỡng cho cha má, dúi cho má thật nhiều tiền, rồi phải đi. Vì nhà bao việc. Thành phố mới là nhà của chị, với bao bộn bề, bao lo toan. Vắng chị một vài ngày, nhà rối loạn ngay.
Có lẽ, lòng chị đã đi xa quê lắm, có thể đã quên rồi bao điều, bao chuyện của ấu thơ. Nhưng không hiểu sao, thi thoảng, trong giấc mơ, chị lại tìm về cái bến sông quê trước nhà, nơi thời con gái chị hay ra gội đầu, rửa chén cùng chị em, chúng bạn.
Thời mới lớn hay nhìn với theo các anh trai lái xuồng máy chở trái cây, mơ mộng về người chồng tương lai. Những cái chum hứng nước mưa mà chị hay ngắt hoa nhài thả vô để mong nước mưa thoảng mùi hoa. Cái bộ ngựa ngoài hiên, nơi cha má hay ngồi đó vào mỗi sáng sớm, pha bình trà nóng, chuyện trời, chuyện đất rồi rủ nhau đi mần.
Ngoài vườn đất, bao nhiêu loài rau dại mọc lên, anh chị em chị từ nhỏ đã quen với việc phân biệt từng loại hoa nào, rau nào ăn được để đi hái về cả một rổ đầy um nào rau má, nào sam đất, nào đọt choại, đọt nhãn lồng... Má nấu ngon nhất là canh cá rô đồng tập tàng, mà cha hay khen “má mày nấu ngon nhức nách”, còn mấy anh chị em giành nhau húp sột soạt từng chén canh đầy vun những rau và cá.
Có nhiều khi, chị không hiểu rằng đâu mới là sự thật, cái mình đang sống hay những giấc mơ. Nếu cuộc đời chị đang sống là thật thì sao nó lại mơ hồ đến vậy? Từng chuỗi ngày lập lại, kéo dài, với quán xuyến việc nhà, với con cái, với những chuyến đi cùng chồng, tối về lên giường là mệt lử. Sao công việc thì nhiều mà chuyện trò lại ít? Còn nếu, mơ chỉ là mơ thôi thì tại sao nó lại thực đến thế? Sao chân chị như đang khỏa xuống nước sông mát lạnh, tay như chạm vào từng ngọn rau dại sau hè, còn mắt như đang chạm vào nụ cười tươi trong của cha má, sao tâm hồn như đang chìm trong làn gió mát của quê hương…
“Má bệnh nặng, em về gấp”, tin nhắn của anh hai làm chị choáng váng. Lần này, chẳng thèm thu xếp gì cả, vài bộ đồ và ít tiền, nhắn cho chồng con biết, chị quầy quả quay về. Má nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, ốm nhom. Giờ chị mới giật mình nhìn, thấy sao má gầy vậy, sao giờ tóc má bạc hơn nửa đầu. Phải rồi, má đã hơn 60, má đâu con trẻ nữa. Vậy mà đó giờ, chị cứ tưởng má khỏe cùi cụi hoài, như hồi đó ngày hai bữa thấy cha má cùng nhau đi làm đồng, khỏe mạnh cười nói rổn rảng như khi chị còn ở nhà, khi má mới ngoài 30…
Má xuất viện, cha mừng đến phát khóc. Bác sĩ nói, má sau đợt mổ này sẽ yếu đi nhiều, cần có người chăm sóc má một thời gian. Vậy là chị ở lại chăm má. Những ngày ở quê với cha má, chị như trở lại chính mình. Người con gái chân trần đi ngoài vườn hái rau tập tàng. Người con gái chèo thuyền ba lá sang bên kia sông mua đồ, người con gái múc nước gội đầu từ chum hứng nước mưa sau nhà.
Dù nước máy có, nhưng cha má vẫn có thói quen xài “nước trời”, “vừa trong vừa sạch chứ không có lợ như nước ống”, cha hay nói vậy. Chỉ có điều khác, lần này, má thôi không nấu nướng nữa, mà chị nấu canh tập tàng cho má ăn, má cười hiền, cũng khen “ngon nhức nách” và ánh mắt của ba má lấp lánh niềm vui, như thời chị còn thơ.
Hôm nay, chị viết cho chồng và hai đứa con trai, mỗi người một lá thư thật dài. Chị chọn như vậy, bởi chị nghĩ rằng thư là thứ tốt nhất để giãi bày tất cả nỗi niềm của mình. Tối hôm qua, chị đã nhận những cuộc gọi của chồng con, chồng hối thúc về lo chuyện nhà, chuyện cửa, con thì than chị giúp việc nấu không ngon, ủi đồ không thẳng, không nhắc nhở lịch học làm nó quên tới, quên lui...
Những cuộc gọi ấy làm chị đau lòng, mà tỉnh ngộ. Chị nhận ra, họ không hỏi mấy lời về sức khỏe mẹ chị. Họ chỉ thấy sự vắng mặt của chị khiến cuộc sống của họ xáo trộn. Chị cũng nhận ra, lỗi là ở chị, đã không chia sẻ cho chồng tình yêu với cha mẹ mình, không dạy con biết yêu thương ông bà, đã cho đi quá nhiều khiến những người chị yêu thương trở nên ích kỉ.
Trong lá thư của mình, chị nói chị sẽ ở lại chăm sóc cha má một thời gian, các con chị, chồng chị còn có chị lâu dài, nhưng cha má thì không còn nhiều thời gian bên chị nữa, chị đã bỏ lỡ quá lâu rồi.
Và chị, cũng cần có một khoảng lặng để không sống vì người khác. Chị muốn sống vì chính mình, muốn dù ngắn ngủi, một lần nữa trở lại là đứa con trong vườn nhà cha má như thuở ấu thơ.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/con-gai-ma-lay-chong-xa-494261.html