Còn gần 330.000 tỷ đồng vốn đầu tư công: Chạy nước rút giải ngân
Vẫn còn gần 330.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được giải ngân từ nay tới cuối năm, chưa kể vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Áp lực những tháng cuối năm
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công đang đè nặng những tháng cuối năm, khi theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết tháng 8/2022, mới có hơn 212.227 tỷ đồng được giải ngân, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với tỷ lệ của cùng kỳ năm 2021 (40,6%), song nếu tính về số tuyệt đối, thì lại cao hơn tới hơn 24.942 tỷ đồng. 8 tháng năm 2021, số vốn giải ngân là hơn 187.285 tỷ đồng.
Có điều này là bởi, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm nay là rất lớn, bao gồm 222.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 304.105 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang, thì tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là trên 542.105 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa, để giải ngân 100% kế hoạch vốn, trong 4 tháng còn lại của năm, còn một ngân khoản khổng lồ gần 330.000 tỷ đồng đang chờ được đưa vào giải ngân. Đấy là chưa kể, ngân khoản từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, theo dự kiến, cũng sẽ được đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm.
“Tổng vốn đầu tư công năm nay rất lớn, trên 500.000 tỷ đồng, nếu chậm giải ngân, thì ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của năm nay cũng như các năm tiếp theo. Chỉ còn 120 ngày nữa là hết năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành luôn nói như vậy khi làm việc với các bộ ngành, địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ khá sốt ruột khi giải ngân vốn đầu tư công cho tới thời điểm này chưa như kỳ vọng. Có tới 42/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (39,15%), trong đó 12 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Tiến độ giải ngân như vậy chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là với vốn nước ngoài (giải ngân vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm ước chỉ đạt 14,02% so với kế hoạch được giao - PV). Đấy là khó khăn rất lớn đối với kế hoạch năm 2022 vì theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thời gian giải ngân kế hoạch là 1 năm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Chặng đua nước rút
Trên thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần viện dẫn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm và cả năm để nói rằng, đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công chính là thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.
Ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã nhắc đến tính đặc thù này để lý giải vì sao giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội thuộc diện thấp so với bình quân chung của cả nước. Ngoài ra, theo ông Hải, còn là các yếu tố liên quan đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh chính sách bù giá vật liệu xây dựng…
Nguyên nhân có nhiều và đã được nhấn mạnh không chỉ một vài lần. Tháng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra tới 21 nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng. Tháng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục báo cáo thêm các nguyên nhân phát sinh liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, xây dựng, quản lý ngân sách nhà nước…
Vướng mắc còn nhiều, nhưng quyết tâm cũng rất lớn. Chính phủ vẫn quyết tâm giải ngân được 95-100% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong năm nay, trong đó riêng vốn ngân sách địa phương giải ngân 100%. Để làm được điều này, nhiều giải pháp quan trọng tiếp tục được đưa ra.
Theo đó, ngoài tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra, thì Chính phủ sẽ có nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Hiện dự thảo nghị quyết đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ, ngành, địa phương cũng phải tập trung rà soát, nếu đã nỗ lực hết sức nhưng thấy rằng chưa thể giải ngân hết, thì đề xuất, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ điều chuyển vốn cho dự án khác, tránh dàn trải, kéo dài, có tiền mà không tiêu được. Dự án nào có đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ nhưng thiếu vốn, thì có thể dồn lực vào để hoàn thành.
Thông tin cho biết, hiện đã có một số bộ, ngành, địa phương xin điều chuyển vốn. Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 ngành giao thông của Bộ Giao thông - Vận tải là 31.396 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Việc điều chuyển vốn kế hoạch 2022 có thể cũng sẽ được thực hiện vào cuối tháng 9 này.
Theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, số vốn kế hoạch năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết và không thuộc các trường hợp được xem xét kéo dài theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sẽ bị hủy dự toán và trừ tương ứng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Điều này có nghĩa, nếu không giải ngân hết trong năm nay, các bộ, ngành, địa phương sẽ bị “mất vốn”. Mà mất vốn là ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.