Còn hai con mắt
Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư này đã và đang để lại quá nhiều hệ lụy khi hoạt động kinh doanh - sản xuất phải chậm lại đến mức độ gần như là tối đa. Thậm chí, có nhiều ngành nghề tê liệt hoàn toàn mà điển hình nhanh nhất chúng ta có thể nhìn ra chính là du lịch lữ hành nội địa.
Trong bối cảnh như thế, sự trợ giúp là rất đáng quý và khẩn cầu sự trợ giúp từ chính phủ cũng là việc mà có thể nhiều cá nhân đứng đầu các ngành sẽ làm. Tất nhiên, với hoàn cảnh ngân sách có hạn, với nhiều mục tiêu ưu tiên khác nhau, việc hỗ trợ, trợ cấp của chính phủ sẽ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa an toàn, vừa hiệu quả cho khôi phục kinh tế - xã hội hậu đại dịch.
Nhưng điều quan trọng hơn lúc này không phải là chính phủ sẽ xử lý các đề xuất hỗ trợ ra sao, mà là cách dư luận nhìn vào chúng thế nào. Đơn giản, giữa bối cảnh đại dịch rối ren như hiện nay, không cần thêm các ý kiến bàn luận nông cạn, hời hợt, đả kích để tạo nên sự xáo động.
Đơn cử, gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị hỗ trợ các nghệ sỹ gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19. Lập tức, một làn sóng giễu nhại, thậm chí là chửi bới nổ ra trên mạng xã hội. Họ căn cứ vào đâu để chỉ trích đề xuất này? Dễ hiểu thôi, họ nhìn vào các ngôi sao giải trí đang sống một đời sống xa hoa với xe hơi, nhà lầu, hạt xoàn, kim cương v.v... và v.v... để quy chụp đại ý rằng một cơ quan nhà nước đã rỗi hơi đi “ăn xin cho một lũ nhà giàu”.
Thực tế, đúng là có một bộ phận ca sỹ, diễn viên, nhân vật giải trí rất giàu với gia sản tích cóp lên tới triệu USD. Nhưng họ có đủ là số đông đại diện cho lực lượng nghệ sỹ Việt Nam hay không? Chắc chắn là không. Và những người chỉ nhìn vào lực lượng thiểu số hiếm này để chê bai đã không khác gì những kẻ ngồi đáy giếng đo trời.
Trong giới nghệ sỹ, có rất nhiều, nếu không nói là đại đa số đang... thất nghiệp. Đơn cử, một diễn viên kịch nói ở một sân khấu tại trung tâm TP Hồ Chí Minh (xin giấu tên) đang phải đi chạy grab kiếm thêm kể từ khi bùng phát dịch. Những nghệ sỹ nhạc cụ dân tộc cũng không có việc khi lực lượng học sinh của họ vốn đã ít nay lại phải nghỉ học do dịch và song song đó, không có một show diễn nào cho họ kể từ khi dịch bùng phát từ 2020 đến nay. Những nghệ sỹ múa rối nước, nghệ sỹ xiếc cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Và còn cả một lực lượng đông đảo hơn là các nhà thơ, nhà văn… Đối với họ, nghèo đã gắn liền kể từ khi không có dịch chứ đừng nói đến khi dịch bùng phát như thế này.
Cái nhìn thiên kiến trên bề mặt chỉ cho rằng lực lượng ca sỹ, người mẫu, diễn viên, nhân vật giải trí là đủ đại diện cho giới nghệ sỹ đã tạo ra một định kiến xúc phạm nghệ sỹ trong hoàn cảnh này. Đúng là sẽ vô cùng nực cười nếu xin trợ giúp cho một ngôi sao ca nhạc hạng A, nhưng càng nực cười hơn nếu cho rằng toàn bộ nghệ sỹ ai cũng có hoàn cảnh sung túc như ngôi sao hạng A ấy.
Tái thiết sau dịch là việc cấp bách cần làm và tái thiết văn hóa quan trọng không kém tái thiết kinh tế. Chính phủ có mọi dữ kiện để cân nhắc cho việc phân bổ đầu tư tái thiết và chính phủ cũng rộng lòng đón nhận ý kiến đóng góp từ dư luận. Nhưng dư luận phải giữ sự tinh tường của đôi mắt nhận thức. Có hai con mắt, nếu trót một con mắt đã nhìn ra tiêu cực thì con mắt còn lại cũng nên nhìn ra được tích cực. Nhược bằng không sẽ chỉ tạo ra những hỗn loạn xã hội gây cản trở cho quá trình tái thiết mà thôi.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/con-hai-con-mat-649126/