Con hát mẹ khen hay...

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản; cũng là nơi dọc ngang kênh rạch, sông nước, lợi thế phát triển du lịch. Nhưng tới nay, điều đó vẫn chỉ dừng lại ở mức 'tiềm năng'. Vì sao vậy?

Theo ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, qua 15 năm xây dựng, dù du lịch vùng này đã phát triển nhưng tốc độ chậm. Năm 2008, tổng số khách đến ĐBSCL là 9,2 triệu lượt, thì đến năm 2019 tăng lên con số 47 triệu lượt, trong khi doanh thu đạt từ 2.000 tỉ đồng lên con số 30.000 tỉ đồng. Đáng chú ý sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (năm 2020-2021), hoạt động du lịch của ĐBSCL đã trở lại bình thường như trước thời điểm dịch bùng phát khi tổng lượng khách đến vào năm 2022 đạt hơn 40 triệu lượt, tăng gấp 3 lần so với năm 2021 và doanh thu đạt 32.500 tỉ đồng, tăng hơn 3 lần so với 2021.

Những con số này là đáng phấn khởi, nhưng nhận định chung cho rằng lẽ ra du lịch ĐBSCL còn có những kết quả tốt hơn, nếu gỡ được điểm nghẽn.

Điểm nghẽn trước tiên là thiếu sự liên kết vùng. Ví dụ như “1 địa phương 3 điểm đến” chẳng hạn, nhưng hiện thời hầu như các tour chỉ giới hạn trong một tỉnh, cụm du lịch trong vùng còn lỏng lẻo nên từ đó cũng khó mở rộng ra các nơi khác. Nói tóm lại, để có được sự liên kết thì phải có “nhạc trưởng”, mà điều này vẫn chưa thật sự có khi lãnh đạo các tỉnh không mặn mà.

Điểm nghẽn thứ hai là sản phẩm du lịch còn hạn chế, du lịch trong vùng vẫn nặng tính mùa vụ, sản phẩm còn trùng lặp, đầu tư chiều sâu yếu, chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên sẵn có. Trong khi đó, rất quan trọng, cũng là điểm nghẽn thứ ba là nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa cao, lại không đồng đều.

Ấn tượng rất rõ với bất cứ ai khi đến ĐBSCL sẽ thấy đây là một vùng sông nước miệt vườn, là nông nghiệp, các tỉnh khá giống nhau. Vì thế cần phải tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch, để có được sự khác biệt giữa nơi này với nơi khác. Hay nói cách khác nó còn trùng lặp. Gần đây, nhiều người lo lắng trước việc các chợ nổi có nguy cơ biến mất. Tuy nhiên, phục hồi thế nào, mỗi chợ giống và khác nhau thế nào, thì cũng lại chưa có hướng rõ.

Nói như vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thì để có được mô hình thực sự hiệu quả và phát triển bền vững thì gần như vẫn đang… đi tìm. Tuy nhiên, dù là mô hình nào thì cũng phải lấy yếu tố thị trường có cạnh tranh để làm động lực phát triển. Trong cạnh tranh lại phải gắn kết, phối hợp bằng sự liên kết để phát huy thế mạnh. Riêng về chuyện liên kết các địa phương, theo đại diện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thì không thể là những cam kết chung chung, cam kết phải có hành động cụ thể.

Với du lịch nước nào cũng vậy, không chỉ ở lượng khách đến mà quan trọng hơn là họ ở lại, vui vẻ chi tiêu và mức độ chi tiêu lớn. Vì thế, không chỉ mãi dựa vào thế mạnh thiên nhiên sẵn có mà phải suy nghĩ, đầu tư chiều sâu để có được những sản phẩm du lịch có sức thu hút. Nói vậy để thấy không chỉ ĐBSCL, mà du lịch nói chung trong cả nước vẫn không có sự đa dạng sản phẩm. Đơn giản như một vuông thổ cẩm, ở Tây Bắc có, Việt Bắc có, Tây Nguyên có, đến Huế, Hội An, Hà Nội, TPHCM... cũng lại bày bán sản phẩm ấy. Đẹp thì đẹp thật, nhưng ở đâu cũng có thì không còn hiếm, không còn đặc sắc nữa.

Mới thấy, để du lịch hút được khách, giữ được khách thật không dễ dàng chút nào. Chính vì thế mà cần phải nhìn ra thế giới xem họ làm thế nào để học hỏi. Nếu không, cũng chỉ là “cơm chấm cơm”, “con hát mẹ khen hay”, khó lòng bứt phá.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/con-hat-me-khen-hay-5720646.html