Con hay bị nôn trớ thi thoảng đau bụng cha mẹ cảnh giác với u nang hạch mạc treo

Mỗi lần ăn no là cháu K. 3 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang hay bị nôn trớ. Hơn nữa, khoảng 2 tháng trở lại đây thỉnh thoảng con có hiện tượng đau bụng nên gia đình đã đưa con đi kiểm tra sức khỏe.

Bé T.A.K được người nhà chăm sóc tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Ảnh: BVCC

Bé T.A.K được người nhà chăm sóc tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Ảnh: BVCC

Khi đến BV Sản Nhi Bắc Giang, các bác sĩ Khoa Ngoại thăm khám lâm sàng thấy bụng trẻ mềm, không chướng, nắn đau quanh rốn và không có phản ứng thành bụng. Siêu âm ổ bụng thấy hố chậu phải có nhiều khối cấu trúc dạng nang dịch trống âm, bên trong có nhiều khoang vách.

Đồng thời, qua tham khảo kết quả chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc cản quang từ bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán bé bị u nang bạch huyết trong ổ bụng cần phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u, phương pháp gây mê nội khí quản cho trẻ.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, kíp phẫu thuật BSCKI Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại và BS Phạm Ngọc Cảnh nhận thấy khối u đường kính lớn khoảng 13 - 14cm bám phía bờ mạc treo đoạn hồi tràng, cách góc hồi manh tràng khoảng 60cm và làm hẹp khẩu kính đoạn ruột có khối u, lấn xung quanh mạch mạc treo.

Do vậy kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt khối u và toàn bộ đoạn ruột có khối u (khoảng 18cm) đồng thời thực hiện kỹ thuật khâu nối ruột tận - tận (một dạng phẫu thuật khâu nối ruột trực tiếp).

Sau khi nối kiểm tra ruột lưu thông tốt và không bị chảy máu, lấy bệnh phẩm ra ngoài, kiểm tra các quai ruột khác bình thường.

Khối u nang bạch huyết với đường kính rất lớn gần 14cm quan sát trên màn hình nội soi. Ảnh: BVCC

Khối u nang bạch huyết với đường kính rất lớn gần 14cm quan sát trên màn hình nội soi. Ảnh: BVCC

2 ngày sau phẫu thuật, bé trung tiện trở lại, không nôn, không sốt. Tới ngày thứ 5 sau phẫu thuật, bệnh nhi ăn uống bình thường và sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện, bé được xuất viện.

U bạch huyết là sự biến dạng của hệ bạch huyết được đặc trưng bởi các tổn thương u nang vách mỏng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở mọi vị trí của cơ thể; thường gặp ở trẻ em dưới 02 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ. Hầu hết u bạch huyết là tổn thương lành tính với tổn thương u mềm, phát triển chậm.

BSCKI Phạm Văn Đại khuyến cáo: Khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng hoặc sau khi đi khám sức khỏe định kỳ mà phát hiện trẻ có khối u vùng bụng thì các bậc phụ huynh cần kịp thời đưa trẻ tới bệnh viện để trẻ được chẩn đoán bệnh lý chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp ở từng giai đoạn cụ thể. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ không gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.

Hiền Chúc (BV Sản Nhi Bắc Giang)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/con-hay-bi-non-tro-thi-thoang-dau-bung-cha-me-canh-giac-voi-u-nang-hach-mac-treo-169230628170615326.htm