Còn hiện tượng lãng phí trong sử dụng, quản lý tài sản công

Chiều 27/5, tại phiên họp thứ 56, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đến năm 2020, hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng (như tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô chuyên dùng, trụ sở chuyên dùng,...) đã được ban hành tương đối đồng bộ, giúp cho việc quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tuy vậy, còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị. Công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích; tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội… Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở T.Ư đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình với đánh giá có chuyển biến trong tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Việc rà soát xử lý xe dôi dư, sắp xếp xử lý nhà đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ tiếp tục được triển khai nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn có biểu hiện lãng phí. “Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công; có bộ, cơ quan T.Ư được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do” – báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81,2 nghìn tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm. Đáng lưu ý, tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm. Đơn cử như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.... Số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn hơn 1.222 tỷ đồng, gây lãng phí nguồn lực…

Về cổ phần hóa DN Nhà nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đến ngày 24/12/2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 DN Nhà nước chưa hoàn thành; một số DN chậm quyết toán cổ phần hóa, khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng quá trình thoái vốn tại DN…

Từ kết quả trên, cơ quan thẩm tra kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đánh giá lại các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phòng chống Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.

Về chế độ báo cáo, cơ quan thẩm tra khẳng định vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số đơn vị đến tháng 4/2020, tháng 5/2020 mới ban hành. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả; một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định; một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, chưa đánh giá so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019, một số đánh giá còn chung chung…

cơ quan thẩm tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/con-hien-tuong-lang-phi-trong-su-dung-quan-ly-tai-san-cong-421284.html