'Cơn khát' mua sắm hạ nhiệt, hàng hiệu tồn kho chồng chất đón mùa lễ quan trọng
Theo dữ liệu từ Barclays công bố hôm thứ Tư, chi tiêu cho hàng xa xỉ vẫn ở mức âm trong tháng 11, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 14% trong tháng 10. Trong đó, nhiều người mua sắm ở Mỹ và châu Âu cũng đều siết chặt hầu bao để chuẩn bị đón năm mới.
Các nhà phân tích của Barclays cho biết kết quả kinh doanh hàng hiệu "không mang lại nhiều lạc quan" trong quý 4, với xu hướng kinh tế yếu ở Mỹ là lý do khiến người ta thận trọng về kết quả hoạt động của các thương hiệu xa xỉ trong giai đoạn này.
Dữ liệu thẻ tín dụng từ Citi, cũng được công bố hôm thứ Tư, cho thấy lượng mua hàng thời trang xa xỉ đã giảm 9,6% so với cùng kỳ trong tháng 11, sau khi giảm 11,4% trong tháng 10. Thậm chí, các cửa hàng bách hóa và trực tuyến ghi nhận mức giảm tới 13% trong tháng 11.
Olivier Abtan, nhà tư vấn của Alix Partners, cho biết các nhà bán lẻ bước vào mùa với quá nhiều hàng tồn kho.
Kể từ đầu tháng 8, giá cổ phiếu của LVMH, Kering và Burberry lần lượt giảm 12%, 23% và 33%, trong khi cổ phiếu của nhà điều hành thương mại điện tử Farfetch đã mất phần lớn giá trị và giảm 90%.
Caroline Reyl, Giám đốc Thương hiệu Cao cấp tại Pictet Asset Management, công ty sở hữu cổ phần của LVMH, cho biết: “Chúng tôi biết rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục sống hợp lý và các nhà bán lẻ phải thích nghi với điều đó”.
Vốn chịu áp lực từ lạm phát, hiện tại ngành hàng xa xỉ còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ xung đột ở Trung Đông. Đa số người mua sắm ở Mỹ và châu Âu thắt chặt hầu bao trong khi kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch ở Trung Quốc đã bị chệch hướng do cuộc khủng hoảng tài sản.
Hơn nữa, vào mùa mua sắm cuối năm, dự kiến chi tiêu vẫn có thể thấp hơn, với tháng 11 và tháng 12 chiếm 25% doanh thu hàng năm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Citi dự đoán rằng các cửa hàng bách hóa có thể cảm thấy khó khăn do nhu cầu chậm lại trong 6 đến 12 tháng tới. Đây là thách thức tiềm tàng đối với các thương hiệu xa xỉ tạo ra doanh số đáng kể bên ngoài mạng lưới cửa hàng của chính họ.
Các cửa hàng bách hóa - đặc biệt là ở Mỹ - nổi tiếng với việc giảm giá rầm rộ, thu hút người mua đến cửa hàng, nhưng việc đưa ra mức giá thấp có thể làm xói mòn sức hấp dẫn của các thương hiệu thời trang và khuyến khích mọi người chần chừ để mua hàng trong tương lai.
Các thương hiệu hàng đầu toàn cầu như Hermes, Chanel thuộc sở hữu tư nhân và Louis Vuitton và Dior của LVMH duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động bán lẻ, chủ yếu bán hàng thông qua các cửa hàng của chính họ, điều này cho phép họ tránh giảm giá và kiểm soát hoàn toàn hình ảnh thương hiệu của mình.
Theo Bain, doanh số bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của các nhãn hiệu cao cấp đã tăng từ 40% thị trường hàng xa xỉ cá nhân vào năm 2019 lên 52% vào năm 2023.
Các nhà phân tích cho rằng các hãng thời trang nhìn chung được trang bị tốt hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008 và 2009, khi chi tiêu sụt giảm đột ngột.
Kể từ cuộc khủng hoảng trước, các nhãn hiệu đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán khối lượng bán hàng và điều chỉnh sản xuất, đồng thời họ cũng điều chỉnh tỷ lệ các kiểu dáng theo mùa và lâu dài hơn.
Nhà tư vấn xa xỉ Mario Ortelli dự đoán cuối năm nay sẽ là “mùa dành cho những người tìm kiếm món hời nhưng không phải là mùa giảm giá của thế kỷ”.
Mathilde Haemmerle, đối tác tại Bain cho biết, công nghệ đã đóng một “vai trò quyết định” để tránh các vấn đề tồn kho quá mức. Bà trích dẫn các chỉ số vĩ mô, doanh số lịch sử của các sản phẩm tương tự, xu hướng tìm kiếm trên mạng xã hội như các biến được kiểm tra thông qua AI để dự đoán tốt hơn khối lượng bán hàng.
Theo Abtan, các nhãn hiệu lớn hơn cũng linh hoạt hơn, đồng thời cắt giảm một nửa thời gian phát triển trong 15 năm qua bằng cách hợp lý hóa sản xuất và tập hợp lại các giai đoạn sản xuất nhất định.
Khánh Vy (Theo Reuters)