Cơn 'khát' năng lượng đè nặng châu Âu

Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ do nguồn cung khí đốt từ Nga bị thắt chặt. Cú sốc năng lượng đang đẩy nền kinh tế châu lục này tiến gần hơn đến suy thoái.

Vật lộn trong “cơn khát” năng lượng do Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt, châu Âu đang chật vật đa dạng hóa nguồn cung năng lượng từ khắp nơi để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh. Hàng tỷ USD được chi cho các thiết bị đầu cuối để tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Các quan chức và lãnh đạo châu Âu liên tục bay tới Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để chốt các thỏa thuận năng lượng.

Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Canh cánh nỗi lo Nga sẽ "vũ khí hóa" khí đốt tự nhiên, nên ngay trong giai đoạn cao điểm của những ngày nắng nóng kỷ lục đang diễn ra, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lo tính đến "chiếc áo ấm" cho mùa đông sắp tới. Một trong những kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trở nên trầm trọng mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hồi tháng trước là tất cả 27 nước thành viên sẽ tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt trong 8 tháng này so với mức trung bình của 5 năm qua.

Thực tế, khủng hoảng năng lượng đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, khiến chi phí nhà máy tăng cao và đe dọa đẩy một số nền kinh tế lớn nhất Châu Âu rơi vào suy thoái. Nỗi lo lạm phát cũng như giá năng lượng tăng phi mã cũng khiến mỗi thành viên trong Liên minh châu Âu tức tốc lao vào cuộc chạy đua tiết kiệm năng lượng theo cách riêng.

Tây Ban Nha, Pháp, Italy kêu gọi nâng cao ý thức người dân về tiết kiệm năng lượng, khuyến khích công chúng áp dụng hiệu quả những quy định liên quan tới giới hạn nhiệt độ làm mát đối với hệ thống điều hòa trong các tòa nhà công cộng, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, các tụ điểm thương mại không còn được chiếu sáng sau 22h…

Thụy Sĩ cấm các phương tiện cá nhân lưu thông vào chủ nhật, trong khi Đức ngừng chiếu sáng các tượng đài vào ban đêm, bao gồm cả tòa thị chính và nhà hát Opera quốc gia Berlin.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra các quyết định nhằm cải thiện nguồn cung năng lượng và cũng để đảm bảo rằng có thể tạo ra cơ sở hạ tầng cho châu Âu giúp các thành viên của khối hỗ trợ lẫn nhau dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao lúc này tôi có thể chắc chắn rằng, hãy làm mọi thứ chặt chẽ ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết với châu Âu trong giải quyết vấn đề năng lượng. Đức sẽ làm như vậy trong mọi trường hợp”.

Theo Ủy ban châu Âu, tiết kiệm năng lượng vẫn là cách nhanh nhất và rẻ nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và tất nhiên là giảm cả hóa đơn tiền điện. Trong bài phát biểu công bố kế hoạch REPowerEU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans, đã đề xuất các hành động mà mọi người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm mức tiêu thụ năng lượng của mình, như “sưởi ấm ít hơn một chút hoặc trì hoãn thời gian bật điều hòa”.

Tiết kiệm năng lượng rõ ràng đang được xác định là công cụ quan trọng trong các chính sách trước mắt nhằm tái thiết nền kinh tế năng lượng EU. Hiện tại EU không có nhiều giải pháp và đang đứng trước sức ép về thời gian khi phải bù đắp nguồn cung năng lượng thiếu hụt rất lớn trước mùa đông sắp tới, trong khi việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế sẽ còn mất thêm nhiều thời gian, không dễ gì triển khai trong một sớm một chiều./.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/con-khat-nang-luong-de-nang-chau-au-post962832.vov