Con khóc, mẹ quát mắng, máy vẫn quay mòng mòng mỗi buổi học trực tuyến
Không chỉ giáo viên, học sinh, cả phụ huynh cũng áp lực mỗi buổi học online cùng trẻ, nhiều người không kìm được sự tức giận, to tiếng mắng con.
"Mẹ ơi con buồn ngủ", "Con không muốn học", "Con đau bụng", "Con muốn chơi búp bê", ngày nào cũng vậy, cứ đến tiết học trực tuyến là cô con gái học lớp 3 của chị Trương Thu Hằng (Vệ An, Bắc Ninh) lại mếu máo, mè nheo với mẹ.
Cứ học là khóc
Thời khóa biểu của bé Anh Linh bắt đầu từ 8h đến 10h30 mỗi ngày. Chị Thu Hằng thường dạy sớm tranh thủ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa tinh tươm trước khi con vào giờ học online.
Con vào học, chị luôn ngồi cạnh vừa sát sao, vừa cùng lắng nghe cô giáo dạy, cẩn thận ghi chú điều cô dặn ra giấy để không quên khi hướng dẫn bài tập ở nhà sau giờ học.
Thế nhưng, chuyện học online không suôn sẻ như chị nghĩ. Ba ngày học trực tuyến đầu năm học mới là ba ngày chị luôn trong trạng thái ầm ĩ quát con tập trung nghe cô giảng bài. Bất đắc dĩ chị mới làm vậy vì việc học qua máy tính không mấy hứng thú, hay bị rớt mạng khiến con luôn uể oải và hay sao nhãng.
Điển hình như sáng nay, khi lớp học vừa ổn định được 15 phút thì cô giáo bỗng biến mất, cả lớp học nháo nhác không thấy cô đâu. Hóa ra cô bị rớt mạng.
Trong lúc chờ cô đổi phòng học trực tuyến từ Zoom sang MSTeam để đảm bảo, chị tranh thủ chạy xuống bếp cắm nồi cơm. 10 phút sau chạy lên đã thấy con ngủ gật trên bàn học.
Thấy vậy chị vội quát to khiến con bé giật mình, khóc nức nở. Nhìn con khóc mà lòng chị Hằng cũng rối bời theo, máy tính thì vẫn quay mòng mòng vì nghẽn mạng, con thì ngủ gục vì chán học.
Trên nhóm chat phụ huynh lớp, mọi người đùa nhau, học trực tuyến mà như xem phim kiếm hiệp, ba mẹ mắng con ầm ĩ, thi thoảng cả cô và trò lại bị đá văng khỏi lớp. Cô giáo chủ nhiệm cũng chỉ biết động viên phụ huynh, trong lúc này không rớt mạng trở thành thứ xa xỉ.
Phụ huynh mắng con, cả lớp đều nghe
“Lo mà học đi”, “trật tự nào”, "có học không thì bảo", thỉnh thoảng lớp học của con trai lớp 6 chị Trần Thị Tiên (Bằng Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) lại vang lên tiếng phụ huynh quát con. Nhiều ba mẹ ngồi cạnh nhắc bài mà quên chưa tắt mic, con ngại ngùng quay sang nói: “Mẹ ơi, đừng nói nữa, cô với các bạn nghe hết rồi kìa”.
Hầu như tất cả các tiết học online lớp con trai chị Tiên đều hài hước như vậy. Sau mỗi lần như vậy, cô giáo lại gửi tin nhắn nhắc nhở, phụ huynh nào quát con thì tắt mic, tránh ảnh hưởng lớp học.
Lớp khoảng 40 học sinh, là 40 kiểu ồn ào quát tháo. Điển hình như trường hợp của bạn học Phương Thảo (Cầu Bươu, Hà Đông, Hà Nội), mẹ bán hàng online, hôm thì livestream bán hàng, hôm lại gọi điện cho khách hàng nói chuyện oang oang. Cả lớp học nghe thấy vừa buồn cười, vừa khó chịu.
Con chị Tiên học online từ 8h đến 10h, nhưng cứ 15 - 20 phút đầu, cô trò thay nhau ra vào lớp liên tục do mạng chập chờn. Cứ vậy, gần 2 tiếng đồng hồ, cả lớp loay hoay vì phần mềm học mà chưa vào được chữ nào.
Đến gần 10h, học sinh và cô giáo cùng vào được nhưng phần mềm lại lag, có hình mà không tiếng. Đến khi lớp tạm ổn, có đủ hình với tiếng, buổi học chỉ còn lại 15 phút. Vậy là buổi học online thứ ba gần như không học được gì.
Chị Tiên lo lắng nếu tình trạng học này tiếp diễn, chất lượng không đạt và cũng tạo cảm giác chán nản, không hứng thú với trẻ.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, trong quá trình dạy học, giáo viên không thể bê nguyên chương trình trực tiếp ở lớp vào dạy trực tuyến, mà cần tiết chế thời gian, thời lượng, nội dung cho đảm bảo hơn. Không nên để học sinh tương tác liên tục hai giờ đồng hồ trên máy tính hoặc điện thoại.
Các giáo viên, khi chuyển đổi bài dạy từ trực tiếp sang trực tuyến cần dựa trên ý tưởng sư phạm và công cụ trực tuyến phù hợp. Không nên tổ chức các hoạt động đòi hỏi học sinh chú tâm, tư duy quá 10 phút khi dạy trực tuyến.
Tuy chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy học trực tuyến nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn cần nỗ lực để các em có thể duy trì việc học tập. Điều đó phần nào sẽ đáp ứng nhu cầu học của các em bằng cách điều chỉnh nội dung, phương pháp, các yêu cầu cần đạt.
Với phụ huynh, chúng ta cần xác định “có nhiều sự cố, nhiều điều bất bình thường” khi con học trực tuyến tại nhà. Nhà là lớp học, nên chúng ta có thêm vai trò “trợ giảng”cho các giáo viên. Đồng thời, các gia đình nên chú ý nâng cao trang bị thiết bị, đường truyền và học cùng con để đạt hiệu quả tốt hơn.