Con không đi học TIỀN LỚP 1, bị chê 'chữ xấu và chậm chạp', cách xử lý của người mẹ khiến ai nấy bất ngờ
Nhìn hai con của chị Hà bây giờ, có thể thấy hướng đi mà người mẹ này chọn cho con ngay từ đầu là vô cùng phù hợp.
Một trong những lời khuyên cho bố mẹ có con sắp vào lớp 1 đó là đừng cho con đi học trước 6 tuổi, hãy để trẻ có tuổi thơ đúng nghĩa. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, họ cũng muốn con được hồn nhiên, vui chơi mỗi tối, cũng muốn con có những ngày cuối tuần được hòa mình vào thiên nhiên. Song với nhịp sống hiện tại, khi cả xã hội phần lớn đều cho con học trước như vậy, họ không dám yên tâm để con ở nhà. Câu hỏi: Nên hay không cho con học chữ trước khi vào lớp 1, vì thế, dù bao nhiêu năm vẫn chưa có câu trả lời hợp lý.
Là mẹ của hai bé, trai 11 tuổi, gái 8 tuổi với 2 tính cách, 2 nhận thức, 2 tư duy khác nhau nhưng chị Ngân Hà (Hà Nội) đều xác định một điểm chung trong việc nuôi dạy, đó chính là không cho con học tiền lớp 1, khi đã vào trường cũng không học thêm. "Học là quyền lợi của con chứ không phải nghĩa vụ" là câu nói mà hai vợ chồng chị quán triệt ngay từ khi con bắt đầu chập chững.
Theo quan điểm của chị Hà, giai đoạn này, có 2 mục tiêu được đặt ra. Một là: Dạy con là người có đạo đức tốt, có hiếu, biết yêu thương. Mục tiêu thứ 2 mới là học tập, cụ thể là con biết chủ động sắp xếp việc của mình, nhận thức được rằng việc học là việc của con, là quyền lợi của con chứ không phải cho bố mẹ, hay vì ông bà, con cần biết đặt mục tiêu và lập kế hoạch cho cái lựa chọn của mình. Ví dụ khi tham gia 1 cuộc thi, cuộc đi chơi, chinh phục 1 giải thưởng mà con muốn.
"Còn nhớ năm lớp 1 con học bộ sách Cánh Diều, nhiều bố mẹ chắc sốc nhưng mình thấy con đã đi học bao giờ đâu mà biết khó hay dễ. Để đồng hành cùng con, mình chỉ có 2 chữ đó là "kiên trì và không quạu" với chính bản thân mình chứ không phải với con. Con không học tiền lớp 1, không học thêm. Nhiều phụ huynh bảo là sợ con không theo kịp các bạn còn mình thấy không cần thiết, chậm hơn người biết trước 1 bước là điều bình thường. Quan trọng là rèn luyện cho con được khả năng thích nghi, bản lĩnh chứ không phải là xếp hạng", chị Hà cho biết.
Dạy con tính tự lập, học chậm một chút cũng... mặc kệ
Theo chị Hà, bé lớn nhà chị thông minh, sáng dạ và ngoan nhưng nhút nhát. Bạn thứ hai là con gái, khá nhanh nhạy, năng động nhưng ít tập trung, việc kèm con học có vất vả hơn nhưng chị không hề áp lực với quan điểm giáo dục như trên. Từ mẫu giáo lớn là các con đã tự chủ động các việc cá nhân (tắm rửa, ăn uống, chuẩn bị đồ đi học...).
"Các con đi học với tâm lý vô cùng thoải mái vì bố mẹ không hề tạo áp lực. Mình nhớ đầu năm học đi đóng tiền cho bé đầu, cô nói "K chữ xấu lắm và chậm chạp". Mình ghi nhận nhưng có hỏi lại cô "Con chậm chạp do nhận thức, tư duy của con không bình thường hay chỉ là chậm hơn so với các bạn thôi ạ" thì cô nói ậm ừ không rõ ràng ý là con có chậm hơn so với một số bạn. Mình cũng chỉ cần biết là con em hoàn toàn bình thường là tốt rồi, mỗi đứa trẻ sẽ có cách phát triển khác nhau, đâu cần phải như bạn A, bạn B.
Về mình nói với con "Hôm nay cô bảo bạn K rất thông minh, làm bài rất tốt nhưng chữ con chưa đẹp nên cô không nhìn rõ bài để chấm. Chữ con không cần đẹp chỉ cần rõ ràng thì cô chấm bài của con mới chuẩn được chứ đúng không? chứ không trách mắng gì cả".
Chia mục tiêu theo tuần, tuyệt đối không thúc ép con
Với bé thứ hai khá năng động và ít tập trung nên tuần đầu tiên của lớp 1, con không ngồi im để học được, cứ hát, nằm, chạy lung tung. Giai đoạn này, chị Hà chia mục tiêu cho con theo tuần để rèn tính tập trung: Tuần 1 ngồi bàn được 3 phút/lần, tuần 2 ngồi 5 phút/lần, tuần 3 ngồi được 7-8 phút/lần và mẹ sẽ ngồi sau chứ không ngồi cạnh để hỗ trợ con khi con cần. Từ tháng thứ 2, tổng thời gian ngồi bàn học của con chỉ 30 phút - 45 phút.
"Có khi mình tự lược bớt bài tập mà cô giao, bởi khi con mình chỉ tập trung được 5 phút mà bắt làm lượng bài của 30 phút thì làm sao con chịu được, rồi sẽ bị ức chế, khi tinh thần đã bị ức chế con sẽ không tiếp thu được, càng học càng sợ, càng căng thẳng cho cả con và bố mẹ. Theo như mình quan sát, với các con lớp 1, 2 chỉ cần về học lại những cái ngày hôm nay con học được ở lớp là đủ theo kịp bài của cô giáo rồi. Nếu là những bé đã có tố chất như bạn lớn nhà mình thì làm nhiều hay làm ít nó cũng vẫn tốt. Còn với những bạn tư duy không tốt, khó tập trung như bạn thứ 2 thì học nhiều, quá sức sẽ phản tác dụng, làm con sợ học hơn".
Cũng có lúc con chán, con khóc vì không muốn làm (tại con lười, không tập trung được) nhưng chị Hà vẫn kiên trì, không hề quát con nửa câu, chỉ chia sẻ, khuyên nhủ như 1 người bạn ấy. Tuần 2, 3, 4 mỗi tuần con tiến bộ 1 chút là ngồi được lâu hơn, quen với sách vở hơn. Lên lớp 2 học online, bé lại không tập trung" và sợ môn Toán. Bố cháu áp dụng chiêu mưa dầm thấm lâu, cho làm đi là lại 1 dạng bài tập đến khi làm không sai nữa thì thôi. Giờ thì con không sợ môn Toán nữa.
Học kỳ 1 con thuộc top 10, học kỳ 2 con thuộc top 5. Tuy nhiên, quan trọng nhất không phải là thứ hạng mà theo chị Hà, điều vui nhất là con đã chiến thắng chính mình (sự khó tập trung), rất "happy" với việc học tập.
Chị Hà cho biết, với những đứa trẻ từ mầm non lên tiểu học, đặc biệt là lớp 1, 2 việc học thật sự rất là áp lực. Nếu bố mẹ không bình tĩnh, không mạnh mẽ thì làm sao truyền được năng lượng tích cực cho con. Muốn con mỗi ngày đi học là 1 ngày vui thì chính bố mẹ phải làm như vậy trước đã.
Nếu ba mẹ đã cố gắng hết sức bằng cái tâm chứ không phải bằng áp lực mà con vẫn không đạt được thành tích theo tiêu chuẩn của cô giáo thì nghĩa là con không mạnh về những thứ được sắp đặt trong trường lớp. Lúc này mẹ càng phải động viên con, cố gắng hiểu con để phát huy điểm mạnh, không tập trung vào điểm yếu. Mình thấy trẻ con bây giờ đứa nào cũng thông minh, chỉ là theo các hình thức khác nhau nhưng lại bị đánh giá theo 1 thang duy nhất là điểm số thì quả là vô lý. Nhưng chỉ cần bố mẹ hiểu điều đó thì ắt mọi lo lắng, áp lực sẽ giảm đi rất nhiều", chị Hà nói thêm.