Còn không ít trở ngại

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, công sở.

Tuy nhiên, việc triển khai còn đối mặt với nhiều khó khăn do ý thức người dân chưa cao, cũng như việc xử phạt còn bất cập. Để nâng cao hiệu quả công tác này, ngoài biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cần tăng cường kiểm tra, xử phạt người vi phạm nhằm giảm tác hại của thuốc lá đối với chính người hút cũng như sức khỏe cộng đồng.

 Biển báo cấm hút thuốc lá tại đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Biển báo cấm hút thuốc lá tại đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Là quận trung tâm của Thủ đô, mấy năm qua, quận Hoàn Kiếm đã triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tới 100% nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, bệnh viện, công sở trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm: Cùng với việc tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của quận và bằng các tờ rơi, biển báo cấm hút thuốc tại nơi công cộng, quận Hoàn Kiếm còn triển khai mô hình “Nhà hàng khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm, không khói thuốc lá”. Quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã phạt tiền 32 triệu đồng đối với các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Chị Huỳnh Hồng Ngọc (phố Vọng Hà, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng. Việc cấm hút thuốc giúp không gian trong lành, an toàn hơn, đặc biệt là với sức khỏe trẻ em”.

Với mong muốn giảm bớt gánh nặng bệnh tật và kinh tế do thuốc lá gây ra, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập, duy trì và phát triển Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí với đầu số là 18006606 và phòng tư vấn trực tiếp về cai nghiện thuốc lá trong bệnh viện. Theo Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) Phan Thu Phương: Trong số hơn 40.000 cuộc gọi tư vấn miễn phí cai thuốc lá, đã có hơn 1.000 người cai thành công. Ngoài nhận tư vấn cai thuốc cho người gọi đến, những người gọi đến tổng đài sẽ được giới thiệu và mời tham gia chương trình cai thuốc lá chủ động. Người tham gia sẽ được lập bệnh án trực tuyến, cùng tư vấn viên lên kế hoạch cai thuốc.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND về việc phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2019-2020. Theo đó, thành phố đẩy mạnh xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá và đưa vào tiêu chí thi đua, quy định mức xử phạt đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy định hút thuốc lá nơi làm việc; triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tập trung vào các điểm du lịch nổi tiếng tại nội thành, như: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… Ngoài ra, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá; giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng.

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực trong việc phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa bàn Thủ đô nhưng thực trạng người hút thuốc lá nơi công cộng, công sở vẫn khá phổ biến. Những địa điểm công cộng thực hiện bảo đảm không khói thuốc hiện còn ít so với số lượng của toàn thành phố. Có thể thấy, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá chưa đi sâu vào cuộc sống bởi cách thực hiện còn thiếu khả thi. Cụ thể, cán bộ tham gia chỉ đạo phòng, chống thuốc lá các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đều kiêm nhiệm; lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng trong khi người vi phạm đông nên việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Ngoài ra, việc xử phạt trực tiếp hành vi hút thuốc nơi công cộng cũng gặp không ít gian nan bởi người hút thuốc có thể bỏ đi hoặc phi tang bằng chứng trước khi cơ quan chức năng đến xử phạt. Một số đơn vị, cơ quan cũng chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống tác hại thuốc lá tại cơ sở. Khi triển khai xử phạt còn mang tính cả nể, dè dặt, dẫn đến việc xử lý chỉ mang tính hình thức.

Khi TP Hà Nội có những những hành động quyết liệt trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ góp phần giúp không gian Thủ đô xanh, sạch, an toàn và thân thiện cho cộng đồng cũng như khách du lịch. Chính vì vậy, các ban, ngành, đoàn thể cần nỗ lực hơn nữa trong công tác này. Những chế tài và hình thức xử phạt dành cho người hút thuốc lá nơi công cộng phải đi vào thực chất và có tính răn đe mạnh. Yếu tố quan trọng nhất để đẩy lùi khói thuốc lá chính là ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân. Do vậy, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mỗi cá nhân nêu cao tinh thần tự giác và ý thức chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng xây dựng môi trường làm việc, môi trường sống trong lành, không khói thuốc.

Bài và ảnh: TRÀ MY - KHÁNH LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/con-khong-it-tro-ngai-602490