Cơn khủng hoảng nước nhiều ngày ở ngoại thành Hà Nội
Gần 1 tháng nay, cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân tại xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) đảo lộn vì mất nước sạch. Nhiều gia đình phải bơm nước từ giếng khoan và tự chế bể lọc.
Gần 1 tháng nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đảo lộn vì mất nước sạch.
Những ngày này người dân phải tìm đủ mọi cách như dùng nước giếng khoan, đi xin nước nhà hàng xóm hoặc phải mua nước từ xe téc với giá 1,2 triệu/4 khối rồi nhiều hộ gia đình tự chia nhau.
Cuộc sống sinh hoạt của gia đình ông Trần Văn Vụng (xã Đức Thượng) bị xáo trộn. "Trước đây tình trạng mất nước kéo dài hiếm khi xảy ra, cùng lắm chỉ khoảng 2-3 ngày nhưng nay đến gần 1 tháng rồi. Để khắc phục sự cố, tôi phải xây gấp bể lọc để có nước dùng", ông Vụng bức xúc.
"Chúng tôi khá băn khoăn khi phải dùng nước giếng khoan. Nước phải qua 3 tầng lọc mới dám bơm lên bể. Sử dụng rất chắt chiu, nhiều lúc nước rửa rau phải tích lại để rửa bát", ông Vụng nói thêm.
Anh Chiến (thôn Chiềng) không chịu được cảnh này đã đi mua trấu, cát và lưới lọc để chế ra bể lọc nước.
Để làm ra bể lọc nước tự chế này anh Chiến mất gần 1 triệu đồng bao gồm cả tiền trấu. "Trấu trước đây cho chẳng ai lấy, giờ mất nước kéo dài, đi mua cũng mất 50.000 đồng/bao", anh cười.
Bất đắc dĩ nhiều gia đình cũng phải chế bể lọc nước như anh Chiến. Một số người dân cho biết thêm, mặc dù cải tạo và lắp bể lọc nước từ giếng khoan, khoảng 10 phút để nước bên ngoài vẫn bị chuyển thành màu xám đục nên không thể dùng vào việc nấu nướng, chỉ để giặt giũ hoặc rửa bát.
Anh Lê Văn Thạch (thôn Chiềng) cho biết, nhà anh nằm trong trục chính của đường cấp nước nhưng đến nay đã hơn 20 ngày bể bị cạn. "Gần 1 tháng nay tôi cũng như mọi người cảm thấy rất bất tiện, tắm chả dám tắm, giặt không dám giặt. Bây giờ, quần áo cứ phải gom 2-3 ngày mới dám đi giặt một lần", anh Thạch chia sẻ.
"Bất tiện lắm, không có nước không chỉ ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng cả việc kinh doanh. Gia đình kinh doanh đồ nướng giờ không có nước thì rửa đồ, rửa bát, dọn dẹp kiểu gì", chị Nguyệt bày tỏ.
Do người dân phải sử dụng máy bơm liên tục nhiều ngày, việc hỏng hóc phương tiện lấy nước này thường xuyên xảy ra. Cửa hàng sửa chữa máy bơm, đồ điện của anh Cường (xã Đức Thượng) 2 tuần trở lại đây đông khách gấp 3 lần bình thường. "Trung bình tôi sửa một cái máy bơm cho người dân khoảng 200.000-40.000 đồng cũng là giúp đỡ bà con trong thời điểm căng thẳng", anh nói.
Được biết, nguồn nước chính sông Đà không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân. Những ngày nắng nóng, đơn vị này cần 28.000m3 nước/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng, nhưng chỉ nhận được có 22.000m3/ngày đêm, thiếu hơn 20% kèm theo khu vực xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) lại nằm cuối nguồn nên áp lực đẩy nước về đây có phần khó khăn.