Còn mãi giọng ca Huế tài hoa

Vào những ngày này, một nỗi buồn không nhỏ đến với giới yêu nghệ thuật ca Huế là sự ra đi của Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Thanh Hương, một trong những cây đại thụ của ca Huế, ở tuổi 93.

Vào những ngày này, một nỗi buồn không nhỏ đến với giới yêu nghệ thuật ca Huế là sự ra đi của Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Thanh Hương, một trong những cây đại thụ của ca Huế, ở tuổi 93.

Nghệ nhân Nhân dân Thanh Hương (tục danh là Nguyễn Thị Thương) sinh năm 1928 tại làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Ðược sự dìu dắt của cha, một nghệ sĩ chơi đàn bầu tài hoa cùng tư chất thông minh, lanh lợi và lòng say mê, Thanh Hương đã tự tìm thầy học theo lối truyền khẩu bộ môn ca Huế. Bà có chất giọng khỏe, trong, trầm ấm cùng sự sáng trí, tiếp thu nhanh cho nên sớm thành công. Từ những năm 1960, nghệ sĩ Thanh Hương đã hát được mọi làn điệu, bài bản ca Huế và dân ca, trong đó có nhiều bài ca Huế thuộc hệ thống bài bản lớn, như: Nam ai, Nam bình, 10 bài Ngự, nhiều làn điệu lý, dân ca, hò, vè, chầu văn… Ðặc biệt, bà thành công nhất với Tứ đại cảnh - một bài bản lớn rất công phu của bộ môn nghệ thuật này. Miệt mài luyện tập, ca hát hồn nhiên, say mê, nghệ sĩ Thanh Hương được giới mộ điệu và đồng nghiệp dành cho những tình cảm thương yêu đặc biệt; đồng thời bà cũng tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho mọi người. Bà sống cùng thời với các nghệ nhân tên tuổi trong làng nghệ thuật xứ Huế, như: Minh Mẫn, Vân Phi, Quế Trân, Nguyễn Kế, Trần Kích, Phạm Văn Thiết, Nguyễn Văn Tân… Họ từng có những tháng năm tuổi trẻ cùng nhau tri âm bằng các nhạc cụ dân tộc gồm đàn tranh, đàn bầu, nguyệt cầm, tỳ bà, đàn nhị…; giữa thiên nhiên thơ mộng đồng cảm, đồng điệu với nghệ thuật ca Huế và tài hoa của những văn nghệ sĩ; làm ngân rung bao tâm hồn chung mạch nguồn ca Huế xưa, nay.

Trước năm 1975, nghệ sĩ Thanh Hương được nhạc sĩ Ngô Ganh mời vào làm việc tại Ðài Phát thanh Huế; đó là thời gian giọng ca của bà được nhiều thính giả miền nam biết đến. Thời kỳ này bà cũng được Trường Quốc gia Âm nhạc Huế mời giảng dạy. Nhắc đến ca Huế, phải ghi nhận một thế hệ mới, những người đang là trụ cột của bộ môn ca Huế hiện nay, được đào tạo trưởng thành qua phương pháp truyền khẩu của nghệ sĩ Thanh Hương. Sau này, dù tuổi cao, nghệ nhân Thanh Hương vẫn chịu khó tham gia nhiều hoạt động âm nhạc dân tộc tổ chức trong thành phố và các miền quê; là một thành viên tích cực luôn có mặt hằng tuần ở sân khấu Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin TP Huế. Ngay cả khi không còn đủ sức để hát, bà vẫn đến đó để được sống trong không gian ca Huế cùng lớp nghệ sĩ con cháu và góp phần truyền lửa nghề cho họ. Tháng 8-2019, Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND. Cùng với NNND Minh Mẫn, bà được xem là cây đại thụ của ca Huế, là "báu vật nhân văn sống" của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Ngày 24-8 mới đây, giới nghệ sĩ và những người mộ điệu nghệ thuật ca Huế vô cùng thương tiếc trước tin NNND Thanh Hương vừa ra đi tại nhà riêng ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vì tuổi già sức yếu. Bà được xem là tấm gương về sự cống hiến cho ca Huế, cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Dù giọng ca tài danh Thanh Hương từ nay không còn ngân vọng, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của bao thế hệ người yêu ca Huế, những âm hưởng tuyệt vời tràn đầy tình yêu nghệ thuật thiết tha, sâu lắng của Thanh Hương vẫn mãi còn.

DUY HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/con-mai-giong-ca-hue-tai-hoa-614657/