Con người bé nhỏ

Câu chuyện nghe được bên bàn cà phê cóc nơi ngõ hẻm nhà binh mà tôi đang ở. Tất nhiên không phải con phố nổi tiếng đã đi vào tiểu thuyết. Trên đất nước này có biết bao con phố, ngõ hẻm, làng mạc nhà binh, nơi những người lính già đi qua trận mạc, cởi áo về vườn. Những con người hầu như không danh phận, tuổi tên, dù sống sót trở về từ những chiến trường, những địa danh đẫm máu nhất đã khắc tên vào lịch sử.

Buổi sáng ấy, mấy người lính già ngồi “tám” về trường hợp hai bà mẹ có trùng một ngôi mộ con trai, trong bộ phim tài liệu vừa phát trên đài. Hai người con liệt sĩ trùng tên, cùng quê quán, nhập ngũ và hy sinh cùng ngày, cùng năm, và cùng nằm lại ở vùng Tây Nam đất nước xa quê nhà hơn ngàn cây số… Hai gia đình lâu nay thờ chung một ngôi mộ mà không biết, cho đến khi một bà mẹ bốc hài cốt “con trai mình” đưa về quê…

“Ồi, chuyện nhỏ thôi mà, chiến tranh chết sống như thế nhầm lẫn làm sao biết hết được!”. Một ông lão thốt lên. Câu chuyện của họ cứ thế tiếp nối. Rằng đánh nhau xong, sờ khắp người biết mình còn sống, mới tìm cách vùi lấp thi thể cho nhau một cách vội vàng. Nhưng bom dồn pháo dập, nhiều khi đành bất lực. Còn biết ai vào với ai…

Tôi lắng nghe, ngồi lặng. Thấy sao giống như biết bao câu chuyện hậu chiến xảy ra trên đất nước này. Những “liệt sĩ” hàng chục năm trời chạy vạy khắp nơi để hoàn thành “thủ tục làm người còn sống”. Những thương binh bị đạn bom cướp mất trí nhớ, vật vã lưu lạc suốt mấy chục năm mới tìm về được quê nhà.

Những người lính vô danh, những con người nhỏ bé. Thậm chí một tấm bia, một nấm mộ dùng chung cho hai người lính.

Qua những cuộc chiến tranh, chúng ta có rất nhiều những anh hùng. Những tấm gương oai hùng với những hành động oai hùng được chép vào sách vở. Nhưng họ sẽ là ai, làm được gì, nếu không nhờ sự hy sinh của ngàn vạn những con người nhỏ bé, vô danh khác? Cả nơi chiến trận, lẫn hậu phương quê nhà. Vô danh, chìm khuất.

Svetlana Alexievich nữ nhà báo người Belarus, giải Nobel văn chương 2015, tác giả của những tác phẩm phi hư cấu viết về chiến tranh, trong đó nổi bật với “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ”. “Tôi quan tâm đến con người nhỏ bé. Con người nhỏ bé to lớn, tôi những muốn nói vậy, bởi vì những nỗi đau khổ làm cho họ lớn ra…”, diễn từ Nobel của bà tại lễ trao giải.

Cố GS. Sử học Trần Quốc Vượng từng đúc kết: “Người anh hùng đích thực là người anh hùng vô danh và mãi mãi vô danh… Đấy là biện chứng lịch sử”.

Chúng ta phải chăng vẫn mộng mị với những anh hùng và hình tượng phi thường, nên cố công xây dựng những tượng đài khổng lồ? Mà không biết rằng những tượng đài càng to lớn kỳ vĩ, thì cái bóng của nó lại càng phủ lên, càng che lấp đi những số phận “bé mọn” đã cùng chia xương máu cho non sông này.

Một ngôi mộ chung cho hai người lính, dẫu chỉ với một tấm bia và một dòng tên. Hai con người bình thường, như đông đảo triệu triệu những con người bình thường và nhỏ bé khác. Mà chúng ta vẫn gọi là Nhân Dân…

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/con-nguoi-be-nho-1445683.tpo