Con người đối mặt nguy cơ tuyệt chủng

Các nhà khoa học cảnh báo loài người đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong hàng trăm năm tới khi dân số thế giới ngày càng già đi và tỷ lệ sinh giảm liên tục ở nhiều nơi.

"Nếu không có con, chúng tôi có thể sống tự do hơn", một quản lý 41 tuổi tại công ty giải trí lớn của Hàn Quốc cho biết. Người phụ nữ này cùng nhiều người khác cùng quan điểm, quyết định không có con vì chi phí cho trẻ đi học đắt đỏ, giá bất động sản tăng cao, và điều kiện làm việc khó khăn, theo Nikkei Asia.

Hàn Quốc có tỷ suất sinh (TFR) vào năm 2020 chỉ 0,84 con/phụ nữ, thấp nhất trên thế giới. Tại Thái Lan, tỷ lệ này là 1,53, giảm mạnh so với những thập kỷ trước đó.

Ở Phần Lan, một trong những quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện nhất cho người mẹ và trẻ em, cũng không cứu vãn được tỷ lệ sinh đang giảm mạnh, ở mức 1,37 vào năm 2020, thấp gần bằng tỷ lệ 1,34 của Nhật Bản trong cùng năm.

Trong 200 năm qua, dân số tăng nhanh đã tiêu thụ tài nguyên của Trái Đất, hủy hoại môi trường và châm ngòi các cuộc chiến.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách thế giới đánh cảnh báo về một nguy cơ mới, đi ngược lại với sự bùng nổ dân số, đó là sự suy giảm dân số - một "quả bom" đe dọa đến sự tồn tại của loài người. Thế giới được cảnh báo là đang trên đà suy tàn và có khả năng tuyệt chủng.

 Tỷ lệ sinh của phần lớn quốc gia đang giảm đi đáng kể. Ảnh: Reuters.

Tỷ lệ sinh của phần lớn quốc gia đang giảm đi đáng kể. Ảnh: Reuters.

Thời kỳ suy giảm dân số bền vững đầu tiên

Sự phát triển kinh tế kết hợp với quyền lợi của phụ nữ ngày càng được đề cao đang làm suy thoái thời đại phát triển của cách mạng công nghiệp, mà trong đó, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi dân số ngày càng tăng và ngược lại.

Kể từ đầu thế kỷ 19, sự bùng nổ dân số đã khiến các chuyên gia cảnh báo về hàng loạt hậu quả.

Nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus đã lập luận ngay từ năm 1798 rằng dân số tăng quá nhanh sẽ khiến năng lực sản xuất lương thực không thể đáp ứng đủ và sẽ dẫn đến nạn đói.

Năm 1972, The Club of Rome - một tổ chức tư vấn toàn cầu nhằm giải quyết nhiều vấn đề chính trị quốc tế - cảnh báo rằng nhân loại sẽ đạt đến "giới hạn tăng trưởng" trong vòng 100 năm, do sự gia tăng không ngừng của dân số toàn cầu và ô nhiễm môi trường.

Dân số thế giới vào năm 1800 là khoảng 1 tỷ người. Đến nay, con số đó là 7,8 tỷ, và gánh nặng mà hành tinh phải chịu đang ngày càng bộc lộ rõ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách đang cảnh báo trước những con số mới. Tỷ lệ tăng trưởng dân số đạt mức cao nhất là 2,09% vào cuối những năm 1960, nhưng sẽ giảm xuống còn dưới 1% vào năm 2023, theo một nghiên cứu của Đại học Washington, công bố vào năm 2020.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng dân số từ 15 đến 64 tuổi - người trong độ tuổi lao động - giảm xuống còn dưới 1%. Dân số trong độ tuổi lao động đã bắt đầu giảm ở khoảng 1/4 số quốc gia trên thế giới. Ước tính đến năm 2050, 151 trong số 195 quốc gia và khu vực trên thế giới sẽ trải qua tình trạng suy giảm dân số.

 Các chuyên gia cảnh báo nhân loại sẽ bước vào thời kỳ suy giảm dân số bền vững. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia cảnh báo nhân loại sẽ bước vào thời kỳ suy giảm dân số bền vững. Ảnh: Reuters.

Cuối cùng, nghiên cứu dự báo rằng dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ người vào năm 2064 và sau đó bắt đầu giảm.

Trong khoảng 300.000 năm lịch sử của loài người, các giai đoạn thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh đã gây ra sự sụt giảm dân số tạm thời. Nhưng giờ đây, nhân loại sẽ bước vào một thời kỳ suy giảm bền vững lần đầu tiên, theo Hiroshi Kito, nhà nhân khẩu học lịch sử và là cựu chủ tịch của Đại học Shizuoka.

Loài người sẽ biến mất?

Đông Á là một trong những khu vực đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nghiêm trọng nhất thế giới. Trong đó, từ năm 2015 đến năm 2020, Hàn Quốc là nước dẫn đầu với tỷ suất sinh trung bình là 1,11 con/phụ nữ, con số này của Đài Loan là 1,15, và Nhật Bản là 1,37, theo công bố "Triển vọng dân số thế giới năm 2019" của Liên Hợp Quốc.

Dân số của một quốc gia bắt đầu giảm khi mức sinh giảm xuống dưới mức 2,1. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động, khủng hoảng quỹ hưu trí và sự lỗi thời của các mô hình kinh tế cũ.

Đông Nam Á, nơi đã thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và được xem là "Điều kỳ diệu châu Á", cũng đang ở thời điểm quan trọng.

Thái Lan từng có tỷ suất sinh hơn 6, nhưng hiện còn 1,53. Năm 2019, dân số trong độ tuổi lao động của nước này bắt đầu giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 2,4%, chỉ bằng 1/3 so với mức tăng trưởng kinh tế 7,5% trong những năm 1970.

 Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh và dân số đang già đi nhanh chóng. Ảnh: AFP.

Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh và dân số đang già đi nhanh chóng. Ảnh: AFP.

Đất nước đang chứng kiến xu hướng suy giảm dân số lớn nhất là Trung Quốc. Đại học Washington dự đoán rằng dân số của nước này sẽ bắt đầu giảm từ năm 2022 và đến năm 2100, dân số sẽ giảm mạnh xuống còn 730 triệu người từ 1,41 tỷ người như hiện tại.

Cùng năm đó, 23 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, sẽ chứng kiến dân số của họ giảm xuống còn một nửa mức hiện tại hoặc thậm chí thấp hơn, theo Christopher Murray, người đứng đầu Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington.

"Triển vọng Dân số Thế giới" năm 2019 ước tính dân số có khả năng tiếp tục tăng, đạt 10,9 tỷ người vào năm 2100. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Washington, cũng như các dự báo mới, cho thấy tỷ lệ sinh ở các nước đang phát triển đang giảm nhanh hơn dự kiến.

Murray tin rằng tỷ lệ sinh toàn cầu sẽ rơi vào khoảng 1,5 và có thể thấp hơn ở một số quốc gia. Ông nói: “Điều này cũng có nghĩa là loài người cuối cùng sẽ biến mất trong hàng trăm năm tới”.

Hồng Ngọc

Theo Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-nguoi-doi-mat-nguy-co-tuyet-chung-post1265395.html