Con người Vô ý trong văn học thiền Phật giáo Việt Nam

Hình ảnh con người Vô ý trong văn học Phật giáo Việt Nam, đã được các vị thiền sư sử dụng không chỉ hình ảnh mà còn cả sự thực chứng của mình trong từng câu thi kệ.

3,3K

Mục lục bài viết

Mở bài
Nội dung
Kết bài

Ngọc Huyền - Miền Bắc

Hình ảnh con người Vô ý trong văn học Phật giáo Việt Nam, đã được các vị thiền sư sử dụng không chỉ hình ảnh mà còn cả sự thực chứng của mình trong từng câu thi kệ.

Tác giả: Thích nữ Thuần Trí
NCS – K2, Khoa Văn học Phật giáo – Học viện PGVN tại Huế

Mở bài

Văn học Phật giáo là một nền văn học lớn của văn học thế giới, có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa nhân loại. Văn học Phật giáo Việt Nam có mặt hơn 2000 năm lịch sử, được phân chia làm 12 thể loại, chứa đựng những tinh hoa trí tuệ, giác ngộ của các vị thiền sư, cư sĩ, là một bộ phận của nền văn học Phật giáo thế giới, đồng thời cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn học Việt Nam. Trong kho tàng văn học ấy, những tư tưởng triết lý bản thể luận, chân lý Vô tâm, Vô ngôn, Vô ngã và không thể không nói đến Vô ý. Vậy Vô ý ở đây tức nói đến Ý thức hay tinh thần tự tại, tự nhiên với đạo, Vô nhiễm, Vô trụ của người xuất gia.

Theo lời dạy của đức Phật: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” người tu có rất nhiều pháp môn, nhiều lối ứng dụng tu tập, nhưng pháp môn không thể thiếu Vô ý cũng gọi là Vô tâm bởi tâm ý dung thông “tâm ý là một” vì theo nơi bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, Ngài dùng chữ “tâm ý” cho dù bản gốc Pali chỉ là “Giữ tâm trong sạch”.

Văn học Phật giáo là một nền văn học lớn của văn học thế giới, có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa nhân loại.

Văn học Phật giáo là một nền văn học lớn của văn học thế giới, có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa nhân loại.

Nội dung

Bản tính của Ý niệm là Vô ý, không tư tưởng, không phiền não, không xúc tình. Khi Vô tâm, Vô ý theo nghĩa chân lý tương đối, ta thấy được cái Vô ý của chân lý tuyệt đối. Khi tâm ý không phân biệt, không vọng tưởng, thì ngay khi ấy cái tâm ý ấy lặng đi, cái ý niệm, vô phân biệt hiện ra. Điều này gọi là “tự nhiên hợp đạo”. Bất cứ khi nào, khoảnh khắc nào ta Vô ý, thì ngay chính khoảnh khắc ấy ta thấy được đạo, thấy được thực tại. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã viết:

“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”

Tinh thần tự tại, tự nhiên, Vô ý, Vô nhiễm, Vô trụ của người xuất gia trong Cư trần lạc đạo phú được thể hiện qua các câu phú cụ thể như: “Hãy xá vô tâm, tự nhiên hợp đạo” người tu có rất nhiều pháp môn, nhiều lối ứng dụng tu tập, nhưng pháp môn tột cùng vẫn là Vô tâm (tâm ý là một).

“Tự nhiên” vì cái Vô ý luôn luôn hiện diện như là nền tảng tâm ý sinh tử của chúng ta. Nó vốn hoàn hảo Vô nhiễm, nên được gọi là đại toàn thiện. Thiền giả phải là Vô Tâm Thị Đạo, Vô tâm, Vô ý chính là Đạo vậy. Lời đó cũng chỉ mới là phương tiện thiện xảo, vì các Tổ khác đã nói mãnh liệt hơn, đẩy xa hơn và chỉ rõ hơn. Thí dụ, vua Trần Nhân Tông, một Tổ của dòng Trúc Lâm, có thơ là:

Vô tâm do cách nhất trùng quan

(Vô tâm vẫn còn cách cả một ải quan với giác ngộ)

Từ phân giải trên, ta sẽ nhìn vào thế giới sai biệt và vô sai biệt trong bài thơ “Tạc dạ nhất chi mai” hình ảnh hoa mai của Thiền Sư Mãn Giác: “Đêm qua, sân trước một cành mai” Chữ đêm qua (tạc dạ) ý để nói, sự có mặt của cành mai này vượt qua sự tàn phá của thời gian. Nó là cái gì mang tính kiên cố, bất khả hoại của Kim Cương. Vấn đề là ta phải tin là nó luôn luôn hiện hữu. Đạo tức là cái thể của chơn thật của chơn tâm, khi ngộ được chơn tâm thì khi đó được gọi là ngộ đạo. Vì vậy, muốn ngộ được chơn tâm thì phải không có tâm ý hư vọng, tâm ý hư vọng lặng rồi thì chơn tâm hiện tiền. Cho nên nói hãy xá Vô tâm, Vô ý tự nhiên hợp đạo. Nghĩa là hãy nên áp dụng thái độ không tư duy, suy lự hay Vô ý thì tự nhiên nếp sống của chúng ta sẽ hợp với đạo lý.

Cũng vậy, hình ảnh con người Vô ý trong văn học Phật giáo Việt Nam, đã được các vị thiền sư sử dụng không chỉ hình ảnh mà còn cả sự thực chứng của mình trong từng câu thi kệ. Như bài thơ của thiền sư Hương Hải trả lời với vua Lê Dụ Tông thế nào là ý của Phật?
Sư đáp:

“Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

Hòa Thượng Thanh Từ dịch nghĩa:

“Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý để dấu

Nước không có tâm lưu bóng”.

Vậy hình ảnh “Nhạn không có ý” một khi đã thấy pháp (hay cảnh, hay nhạn) vốn Vô tự tính (không ý lưu bóng) và nước (tâm) vốn Vô tự tính (nên không tâm lưu ảnh) thì đã vượt qua cả cảnh giới tâm cảnh nhất như ở đây chính là Vô sở trụ, Vô ý niệm, Vô sở chấp.

Vô ý là ý thức vô trụ, đó là một danh từ thiền, có khi chúng ta sử dụng là ý Vô niệm, ý niệm nhất tướng, ý nghĩ Vô nhiễm. Vô ý là bản tính của vạn pháp vốn sẵn thanh tịnh, là ý phi thời gian, phi không gian, ý niệm hiện tiền, vì chỉ có những gì ở ngay hiện tiền mới xuất hiện nơi tâm vô trụ mà thôi. Còn những gì đã thuộc về quá khứ, thì tâm Vô trụ không lưu chấp một dấu vết nào. Người ta ví ý niệm Vô trụ là tâm như bầu trời, như hư không, mà không có một đám mây vọng chấp, phân biệt nào có thể trụ lại. Nhưng cái tính, cái tâm này cần phải được chứng ngộ. Bởi vì không có lý luận nào, hình dung nào của ý thức có thể tiếp cận nó, mà những đám mây ý thức phải tan vỡ ra, để lộ một bầu trời Vô trụ, Vô ý.

Như ngài Huệ Năng khi thấy nó: “Đâu ngờ tự tự tính vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tính vốn chẳng sinh diệt, đâu ngờ tự tính vốn tự đầy đủ, đâu ngờ tự tính vốn không động lay, đâu ngờ tự tính hay sinh muôn pháp” để minh họa cái tâm Vô trụ, Tô Đông Pha, nhà đại thi hào Trung Quốc đã viết: “Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm Vô lưu ảnh, phong lai trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh”, nghĩa là Khi nhạn bay qua đầm nước lạnh, thì bóng nhạn in hình trong đầm nước, nhưng khi nhạn bay qua rồi, thì nước đầm đâu có lưu giữ hình ảnh nào của nhạn nữa.

Tuy nhiên tâm ý Vô trụ vẫn khác xa so với bầu trời, mặt nước đầm lạnh hay bụi trúc thưa. Vì tâm vô trụ tuy không in dấu các sự kiện đã qua, việc đến thì tâm có, việc đi thì tâm lại không, nhưng không mà có. Các sự kiện qua đi, đã chìm sâu trong quá khứ, tuy không dính chặt vào tâm Vô trụ, nhưng một khi cần đến thì những sự kiện kia lại hiện ra rõ nét trong tâm Vô trụ không hề thiếu sót. Tâm Vô trụ là tâm thanh tịnh, là tâm giải thoát, Vô nhiễm. Đời sống của con người không thiếu những thích thú, khoái lạc, những phiền não, khổ đau và sợ hãi vật lý. Nếu không có tâm vô trụ thì tuy đã qua rồi, nhưng những phiền não, những khoái lạc, khổ đau và sự sợ hãi ấy vẫn hiện diện, bắm chặt mãi không buông, để rồi dấy lên trong tâm những ham muốn, những day dứt, những kinh khủng miên trường, biến cuộc sống thành bể khổ, thành địa ngục trần gian. Nói tóm lại Vô ý, Vô tâm, tâm ý Vô trụ là giải thoát. Vấn đề là làm sao để có tâm ý Vô trụ. Theo Phật giáo thì muốn có tâm ý Vô trụ, phải vứt bỏ sở trụ. Trụ là đứng, là nương tựa. Sở trụ là chỗ để đứng, chỗ để nương tựa, vật để nương tựa.

Theo tinh thần của Kinh Kim cang thì hành giả khi hành trì Phật pháp, phải lấy “Vô sở trụ” hay Vô ý đều làm kim chỉ nam. Nếu không vậy, thì việc tu hành không có kết quả. Trong kinh có dạy rõ, các phật tử khi tu hạnh Bồ-tát, thực hành Lục độ, thì phải làm như thế nào để đạt đến cứu cánh giải thoát. Nói khác đi, hành giả không nên trụ vào pháp tu. Nếu còn có pháp tu thì còn vướng mắc lâu dài. Tu mà như thể không tu mới là thật tu. Tu mà như thể không tu thì cuộc sống người hành đạo mới thực hồn nhiên, từ đó tâm mới hoàn toàn tự tại, vắng lặng, thanh tịnh. Năm độ còn lại cũng phải được thực hành theo tinh thần Vô sở trụ như vậy, nghĩa là: “Bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư trì giới” cho đến “bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư trí tuệ”. Tất cả sáu độ đều không là sở trụ của hành giả còn trụ vào đâu. Đối với chư tổ ở Việt Nam cũng vậy từ hình ảnh “Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền” của Trần Nhân Tông; với “Đêm qua sân trước một nhành mai” của thiền sư Mãn Giác; hay với ngài Hương Hải thiền sư “Nhạn không có ý để dấu; Nước không có tâm lưu bóng”. Tất cả những lẻ đó, tức nói về pháp tu thì Vô sở trụ, Vô ý mà về mặt hành giả thì Vô trụ hay Vô ý cũng không hai nếu là người học đạo. Có tu hành đúng như kinh dạy, thì việc tu hành mới mang lại kết quả tốt đẹp được.

Kết bài

Trong văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng, kinh điển Phật giáo nói chung hình ảnh con voi tượng trưng cho tâm, con khỉ tượng trưng cho ý, cũng như câu ông bà ta thường nói: “Tâm Viên, ý Mã” người tu tập phải biết định tỉnh chuyển ý thức ấy thành trí tuệ, chuyển vô minh thành giác ngộ qua các pháp tu Bát chính đạo, duyên khởi, quán Tứ đế thực hành tam vô lậu học. Tất cả những pháp học ấy khi còn đang thực hành ta gọi pháp tỉnh “ Hữu Ý” khi sự dịch chuyển của tâm ý thành tựu viên dung chính đó là “ Vô ý”. Như hình ảnh “ Ngón tay chỉ mặt trăng”; “ Qua sông thì rời thuyền mà lên bờ ” tất cả ý niệm ấy chính là “Buông hay Vô Ý”. Nói tóm lại một chữ “Vô” của mỹ học thiền mở ra một cầu trường vô biên cho những cảm hứng sáng tác, cho sự cảm thụ cái đẹp trong văn học Phật giáo Cơ sở lý luận mỹ học thiền từ chữ “Vô” như ta có thể thấy trong những phạm trù rất quan trọng của triết học Phật giáo: “Vô” là không, là thực tính của vạn pháp, là bản chất của mọi sự vật hiện tượng.“Vô thường”; “Vô ngã”; “Vô tâm” hay “Vô Ý”… là những hướng nghiên cứu tác phẩm văn học Phật giáo. Hướng này tập trung và tổng hợp được trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tuyệt tác, nhiều tác phẩm tiêu biểu văn học Phật giáo Việt Nam được nghiên cứu và giới thiệu một cách kỹ lưỡng, đạt được nhiều kết quả tích cực, đầy khả quan cho những ai nghiên cứu hình ảnh “Con người Vô ý” trong văn học Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Thích nữ Thuần Trí
NCS – K2, Khoa Văn học Phật giáo – Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế.

>> Xem thêm: Trí tuệ nhân tạo bắt chước hành vi con người

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/con-nguoi-vo-y-trong-van-hoc-thien-phat-giao-viet-nam.html