Còn nhau nơi ký ức

Tôi và bạn cùng lớn lên từ bé, nhà cách nhau khoảng sân trường mẫu giáo trong thôn. Nhà bạn ở đối diện, đứng bên này chỉ cần nhìn sang trước mặt là cả hai đã thấy nhau. Nhà bạn giàu, nhà tôi chỉ vừa đủ sống. Bạn là con trai cưng nên được ba mẹ yêu chiều, cho tiền tiêu vặt từ nhỏ, còn tôi phải tự thân vất vả. Ngày qua ngày, hai đứa lớn lên cùng nhau, cùng học, cùng chơi và bạn luôn sẵn lòng giúp tôi bất cứ việc gì.

Má tôi đi làm xa, ba đi buôn đến khuya mới về. Nhà chỉ có 3 chị em, tôi là chị cả nên cáng đáng hết mọi việc. Tối tối bạn xúng xính quần áo thật bảnh sang nhà chơi. Tôi phải bó rau để tờ mờ sáng đi chợ bán kiếm tiền, phải xắt chuối để chuẩn bị thức ăn cho bầy heo, đàn bò rồi còn phải ôn bài ngày mai đi học. Tôi cứ tất bật làm, bạn cứ ngồi đó trò chuyện tới khuya thì về.

Chẳng mấy chốc chúng tôi vào cấp 3, tôi tiếp tục học, còn bạn rẽ sang đường đời. Bạn vào Nam sinh sống và lập gia đình. Ngày tôi vào Sài Gòn thi đại học, bạn đã tìm đến tận nơi, hàn huyên và chúc tôi thi tốt. Dù gặp nhau chốc lát nhưng bạn sẵn sàng đạp xe vài tiếng đồng hồ chỉ để gặp cô bạn thân. Thời điểm đó, bạn đã là người đàn ông của gia đình nên nhìn khác đi nhiều, nét vất vả, lo toan hiện rõ trên gương mặt.

Sau lần gặp ấy, chúng tôi thỉnh thoảng chỉ hỏi thăm nhau qua điện thoại. Bẵng đi mấy năm, tôi nghe tin vợ bạn mang bầu lần 3. Lần này sinh đôi, có nghĩa là nhà có 4 đứa trẻ. Cuộc sống cơm áo gạo tiền hàng ngày làm cho vợ chồng trẻ không còn mặn nồng như xưa. Cãi vã, mâu thuẫn xảy ra, vợ bạn bỏ nhà đi, để lại bầy con thơ cho người chồng đang mang trọng bệnh. Bạn không đi đứng, ăn uống được. Tưởng rằng người đàn ông ấy chẳng thể vượt qua được thời khắc hiểm nguy, nhưng rồi phép màu xuất hiện, bạn hồi phục và khỏe dần để cùng các con bắt đầu cuộc sống mới.

Cha con dắt díu nhau về quê để cậy nhờ ông bà nhưng nơi miền Trung đầy nắng và cát ấy, bạn chẳng biết làm gì ra tiền để nuôi con. Bạn lại dắt 3 đứa nhỏ vào tỉnh Lâm Đồng bán hủ tiếu. Tụi nhỏ ngoan ngoãn theo ba, ban ngày đi học, tối về mỗi đứa một việc phụ ba bán hàng. Đứa bưng bê, đứa rửa chén, đứa dọn bàn. Rồi ông trời thương người hiền, khách mỗi ngày một đông, buôn bán cũng dư dả chút tiền để mấy cha con cùng nhau sống.

Có lần bạn gọi tôi thủ thỉ: “Chiều nay tui chở mấy đứa nhỏ đi gội đầu, làm móng cho sạch sẽ, mai lớp diễn văn nghệ. Nhà thiếu mẹ thì có ba lo, tui nghèo chứ không để con khổ đâu bà ơi”. Một lần khác bạn lại hào hứng khoe: “Bé An nhà tui năm nay được học sinh giỏi, tui mừng lắm!”. Lần gần nhất, bạn gọi tôi khoe đang chuẩn bị cặp sách cho tụi nhỏ vào năm học mới. Mỗi lần nhận được điện thoại của bạn, tôi vui lây cùng mấy cha con.

Bẵng đi mấy tháng không liên lạc, bỗng một ngày, tôi nhận được bức hình bạn nằm trong bệnh viện, kế bên là một quan tài và chiếc xe tang 0 đồng. Tôi sững sờ, không tin những gì nhìn thấy trước mắt. Bạn bất động nằm đó, toàn thân phủ tấm áo vàng chỉ còn chừa mỗi khuôn mặt. Tôi gọi cho em gái bạn thì mới biết bạn đã đột ngột ra đi vì kiệt sức.

Nghe tin mà tim tôi đau thắt lại. Dẫu biết đời người ngắn ngủi, bạn ra đi để giải thoát kiếp sống khổ cực nhưng còn tụi nhỏ bơ vơ chẳng biết đi đâu về đâu. Sau một ngày bình tâm trở lại, tôi đã viết bài kêu gọi sự giúp sức từ bạn bè và người thân, gói ghém cũng được một sổ tiết kiệm 30 triệu đồng để dành cho các bé tiếp tục đoạn đường dài phía trước khi không còn ba bên cạnh.

Trong hành trình cuộc đời, chúng tôi cùng đích đến, chỉ là chẳng bước đi cùng nhau. Tôi vui vì một đoạn trong đời đã có những tháng ngày thật đẹp cùng bạn. Với tôi, bạn luôn ở đây trong những câu chuyện ký ức, bạn mãi là người đàn ông của gia đình, của tình bạn và tình yêu thương dành cho bọn trẻ.

Lê Xinh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162856/con-nhau-noi-ky-uc