Nấm da, nhiễm trùng da mùa mưa lũ, chuyên gia da liễu khuyến cáo
Theo BS.Nguyễn Tiến Thành, các nhóm bệnh lý về da thường gặp sau bão lũ như: Bệnh nấm da, nhiễm trùng da mùa mưa lũ, bệnh ghẻ, viêm da tiếp xúc…
Nhóm bệnh lý về da thường gặp sau bão lũ
Các tỉnh miền núi phía Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã gây ngập lụt, lũ quét. Tình hình mưa lũ, ngập lụt kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đặc biệt là các bệnh về da.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội ngày 18/9, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng.
Về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, một ca mắc sốt xuất huyết.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Ths.BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội da liễu Việt Nam cho biết, thời điểm bắt đầu bão, lũ lụt thì những vấn đề về da chưa xuất hiện nhiều, nhưng sau khi lũ qua đi, người dân phải sinh hoạt, hoạt động dưới vùng nước lũ. Môi trường nước lũ tổng hợp của rất nhiều vấn đề chất thải, nước công nghiệp, nước tẩy rửa, nước trừ sâu.
"Khi làn da tiếp xúc với những yếu tố môi trường không thuận lợi sẽ gây những tác hại vô cùng nghiêm trọng cho các nhóm người mặc bệnh lý sẵn về da như: Người già, những người mặc bệnh mãn tính (tiểu đường, viêm da cơ địa, bệnh lý hệ thống….)", BS.Tiến Thành cho hay.
BS.Tiến Thành cho biết, các nhóm bệnh lý về da thường gặp sau bão lũ như: Bệnh nấm da, nhiễm trùng da mùa mưa lũ, bệnh ghẻ, viêm da tiếp xúc…
Theo chuyên gia da liễu, bệnh nấm là một bệnh ngoài da do các loại nấm gây ra và thường ảnh hưởng đến lớp bên ngoài của da. Có nhiều loại nấm khác nhau có thể gây ra tình trạng này và mỗi loại có thể gây ra các triệu chứng khác nhau.
Nấm thường xuất hiện ở các vị trí như: Bàn chân, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm bàn tay, nấm toàn thân…
Bên cạnh đó, nhiễm trùng da mùa mưa lũ bao gồm các bệnh lý thường gặp như: Chốc lở, mụn nhọt, viêm nang lông và viêm mô bào.
"Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng da mùa bão lũ là do điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Trong khi đó, hàng rào bảo vệ da lại bị tổn thương do tiếp xúc với nguồn nước và môi trường ô nhiễm quá lâu tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng", BS.Tiến Thành cho hay.
Theo BS.Tiến Thành biểu hiện nhiễm trùng phổ biến là da có các sẩn, cục sưng nóng đỏ đau, có thể có ngòi mủ hoặc đóng vảy tiết. Da có tổn thương hở sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ là da xuất hiện các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục,… và ngứa rất nhiều về đêm.
Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, chốc hóa.
Ngoài ra,nước lũ thường chứa các hóa chất từ các ngành công nghiệp hoặc hộ gia đình như chất thải, các kim loại nặng, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu. Do đó, nếu da có tiếp xúc với nước lũ trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da tiếp xúc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt mưa bão cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước.
Biểu hiện của bệnh là da xuất hiện các dát sẩn đỏ, có thể có mụn nước, sưng nề gây ngứa, rát và khó chịu nhiều cho người bệnh.
"Khi cơ thể bị ngâm nước trong thời gian quá lâu sẽ làm giảm sự liên kết của các tế bào sừng. Biểu hiện là da sẽ bị nhăn nheo và dễ bị tổn thương", BS.Tiến Thành cho hay.
Hơn nữa, khi phải ngâm chân quá lâu trong nước ngập úng còn có thể gây nên một số bệnh ngoài da khác. Bởi bản chất nước ngập úng thường rất bẩn, có thể là nước mưa kết hợp với nước thải sinh hoạt… khiến tình trạng của người bị ngâm nước càng trầm trọng hơn.
Chuyên gia da liễu lưu ý
Trong mùa mưa lũ, để tránh phải tiếp xúc nhiều với nguồn nước bẩn, người dân khi đi qua những nơi ngập úng cần sử dụng ủng, găng tay cao su hay quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc với nước. Nếu không may bị tiếp xúc với nước thì cần rửa chân tay, nơi tiếp xúc bằng nước sạch, với xà phòng dịu nhẹ.
"Tuyệt đối không sử dụng xà phòng giặt để rửa lại chân tay hoặc ngâm chân tay vào nước muối, nước lá cây với mục đích giảm ngứa, viêm", BS.Tiến Thành nhấn mạnh.
Chuyên gia da liễu cũng cho biết, rửa bằng xà phòng giặt, ngâm chân tay vào nước muối hay nước lá quá lâu có thể khiến da bị khô.
Ngoài ra, có thể gây viêm da kích ứng với chính loại nước lá, khiến tình trạng viêm da càng trở nên trầm trọng hơn. Cách tốt nhất là nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ để rửa với nước sạch, sau đó bôi dưỡng ẩm trong 2-3 ngày. Nếu triệu chứng không giảm, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ kê đơn, tránh tình trạng da bị bội nhiễm.
Một số người bị dị ứng với cao su, nên không thể sử dụng ủng hoặc găng tay cao su khi làm việc phải tiếp xúc với nước. Với trường hợp này có thể sử dụng găng tay nilon hoặc buộc nilon vào chân trước rồi mới đeo găng tay cao su hoặc ủng.
Bên cạnh đó, BS.Thành cho biết, khi bị ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước khó chịu, người dân cũng tuyệt đối không cào gãi, hay dùng kim đâm vỡ mụn nước tạo thành vết thương hở. Việc này sẽ khiến tổn thương lan rộng, gây bội nhiễm, khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Giải pháp phòng, trị an toàn bệnh da liễu mùa bão lũ, BS.Tiến Thành khuyến cáo hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày. Hạn chế mặc quần áo ẩm ướt, mốc…
Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Sau khi tiếp xúc với nước mưa, lũ, rửa lại bằng nước sạch, lau thấm khô, chú ý các nếp kẽ như kẽ ngón, nách, bẹn.
Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch nên đến khám hoặc tư vấn online hoặc tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh.
Thăm khám chuyên khoa da liễu ngay khi bạn có thể nếu có dấu hiệu tổn thương da trong mùa lũ bão…
Đồng thời, vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ngay sau khi mưa lũ đi qua.