Còn nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Chương trình giáo dục phổ thông mới cần giảm bớt phần lý thuyết và tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Dù đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý nhưng “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” vẫn nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về tính khả thi thậm chí sẽ lặp lại thất bại của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành...
Giảm tải kiểu “cắt xén” cơ học?
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân và ý kiến của Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình tổng thể (lần 2), Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể đã nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện giáo dục phổ thông tổng thể mới. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục, CTGDPT lần này so với bản dự thảo được công bố vào tháng 4 là có sự tiếp cận với tính thực tế cuộc sống, bớt viển vông và có tính khả thi cao hơn trước.
PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Điều đáng mừng là lần đầu tiên những góp ý của các chuyên gia giáo dục, của các nhà khoa học... đã được Bộ GD-ĐT tiếp thu nghiêm túc và thể hiện ngay trong chương trình mới. Ví dụ như nó thể hiện khá rõ trong vấn đề giáo dục định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT”.
Trong CTGDPT mới, thời lượng học ở cả ba bậc học đều giảm so với dự thảo trước đó, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đó vẫn chỉ là giảm tải kiểu cơ học. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, trong CTGDPT ở bậc tiểu học, THCS không có sự thay đổi nhiều nhưng cấp THPT đã có những thay đổi tích cực trong thiết kế.
Ví dụ, chương trình có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên, việc bớt tiết học, môn học... chưa thể coi là giảm tải mà chủ yếu phụ thuộc chương trình sẽ yêu cầu từng môn học như thế nào. Quan trọng hơn cả là việc triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa (CT-SGK) mới sẽ ra sao, đội ngũ giáo viên có đáp ứng được CT-SGK mới hay không thì vẫn chưa được làm rõ. Bởi lẽ, có thể người chủ biên CT-SGK muốn thế này nhưng người thực thi họ có truyền tải đúng hay không?. Vì thế, chưa có gì để đảm bảo CTGDPT mới đã thực sự giảm tải hay chưa!
Thầy Đào Tiến Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cũng băn khoăn, nhìn vào bản chương trình có thể thấy tổng số tiết một tuần cơ bản vẫn như cũ, có giảm cũng không đáng kể.
“Giảm một cách cơ học, đồng đều, không lưu ý đến chuyên môn thì thật tai hại. Tôi lấy ví dụ môn Toán của chương trình mới chỉ còn 3 tiết một tuần thì không biết học sinh sẽ học như thế nào hay lại phải đi học thêm. Khi sĩ số lớp đông, năng lực tự học yếu, thời gian lại không đủ thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải cơ học. Những bất cập vẫn như cũ”, Thầy Đào Tiến Đạt nêu quan điểm.
Còn PGS. Văn Như Cương thì đề xuất, không chỉ giảm môn học, tiết học đơn mà cần làm rõ CT-SGK mới sẽ dạy học sinh những gì và giáo viên sẽ dạy thế nào?. Quan trọng vẫn là giảm bớt phần kiến thức lý thuyết và tăng cường thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống; cần đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống...
Thầy Đào Tuấn Đạt cũng thẳn thắn cho rằng, khi chưa có nhận thức đúng về bản chất, mục đích, nhiệm vụ giáo dục sẽ dẫn tới định hướng sai về chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức thi cử. Điều tối thiểu cần hiểu đó là chức năng của giáo dục là khoa học, đạo đức và nghệ thuật. Chương trình tổng thể này dường như không nhận thức được 3 chức năng này của giáo dục.
Không có đội ngũ giáo viên tốt thì khó thành công
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ việc xây dựng CT-SGK, sẽ phải có những điều chỉnh, thay đổi trong việc đào tạo giáo viên, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và những điều kiện thực hiện khác.
Một số ý kiến lo lắng, lần này nếu không quyết liệt trong việc tuyển chọn được đội ngũ giáo viên chất lượng tốt thì chương trình rất khó thành công. Về “điều kiện đảm bảo tính khả thi” đầu tiên trong triển khai CT-SGK mới, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhắc lại bài học “xương máu” trước đây về đội ngũ giáo viên là khi đổi mới CT-SGK năm 2000, hàng loạt trường phổ thông kêu tỷ lệ giáo viên đáp ứng yêu cầu của CT- SGK mới rất ít.
Vì vậy, CTGDPT mới phát huy tác dụng tích cực chỉ khi được thực thi từ một đội ngũ giáo viên trách nhiệm, năng lực. Bởi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên sẽ quyết định chương trình thực hiện có thành công được hay không?. Muốn vậy, cần đẩy mạnh việc tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên vì không phải giáo viên nào cũng có thể dạy CT-SGK này được.
Bên cạnh đó cần thay đổi phương thức trả lương cho giáo viên, lương phải trả theo năng lực của từng giáo viên để kích thích sự sáng tạo trong đổi mới dạy và học. CTGDPT mới phải giải quyết đồng thời cả 3 vấn đề này thì mới phát huy hiệu quả thực sự. Trong CTGDPT phần về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đưa ra yêu cầu đạt chuẩn mực là chưa đầy đủ.
Ngoài một số lãnh đạo trường THPT của Hà Nội đề xuất, trong CTGDPT mới này cần đưa ra những phương thức kiểm tra, đánh giá mới cần chặt chẽ hơn, nêu rõ quyền và trách nhiệm của người học - người dạy. Người dạy phải có trách nhiệm để đánh giá đúng, không phải vì bệnh thành tích mà cho điểm vống lên. Mỗi năm học, cấp học phải đánh giá đúng năng lực của học sinh, tránh hiện tượng học sinh lớp 6 phải quay về học lớp 1 như đã từng xảy ra./.