Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đất đai

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị, từ ngày 1/5/2018 đến 30/9/2023, TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết 596 vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, 153 vụ án hành chính liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, trong đó UBND các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 512 vụ, chiếm gần 70% các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất và án hành chính.

Huyện Triệu Phong tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn -Ảnh: N.V

Huyện Triệu Phong tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn -Ảnh: N.V

Nguyên nhân của thực trạng tranh chấp về quyền sử dụng đất

Trong quá trình thụ lý các vụ án, trên cơ sở quy định của pháp luật, TAND đã ban hành quyết định yêu cầu Sở TN&MT, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn cung cấp tài liệu, chứng cứ cho 512 vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai và các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Theo đó, TAND hai cấp tỉnh và huyện đã phối hợp với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản 719 vụ án. Tổng số diện tích đất mà TAND đã phối hợp các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thẩm định hơn 2 triệu mét vuông.

Lý giải về vấn đề này, Chánh án TAND tỉnh Lê Hồng Quang cho biết, nguyên nhân là do quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được quy định cụ thể, dẫn đến công tác xét xử, giải quyết còn nhiều hạn chế; chế tài xử lý chưa đủ mạnh để ngăn ngừa hành vi vi phạm, trong lúc đó chính sách, pháp luật về đất đai chậm được hoàn thiện, thiếu nhất quán dẫn tới việc thực hiện tùy tiện, không quan tâm đầy đủ đến lợi ích của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, pháp luật về đất đai thiếu ổn định, chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về dân sự, kinh doanh thương mại, pháp luật về nhà ở, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tạo ra bất cập, nhất là trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng khó phân định thẩm quyền giải quyết.

Để góp phần khắc phục bất cập đó, ngày 11/4/2018, TAND tỉnh, Sở TN&MT thống nhất ban hành quy chế phối hợp giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất giữa TAND tỉnh và Sở TN&MT. Việc ban hành quy chế tạo điều kiện phối hợp giữa hai ngành trong giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai được chặt chẽ, kịp thời, các bản án, quyết định của TAND đúng pháp luật.

Lãnh đạo Sở TN&MT chia sẻ thêm, trong quá trình thụ lý các vụ án nếu không xem xét ở nhiều góc độ khác nhau trong đó có chức năng quản lý nhà nước của ngành TN&MT thì nhiều thông tin, tài liệu cần phải thu thập, xác minh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những nội dung về kỹ thuật thuộc lĩnh vực TN&MT như đo vẽ thực địa, thẩm định thửa đất, tài sản, nên cần có sự phối hợp của ngành TN&MT để giải quyết.

Còn nhiều bất cập, tồn tại

Chánh án TAND tỉnh Lê Hồng Quang cho biết, trong quá trình xét xử các vụ án liên quan đến đất đai đã cho thấy nhiều tồn tại, vướng mắc đòi hỏi ngành TAND và ngành TN&MT tiếp tục nghiên cứu giải pháp khắc phục. Một trong những bất cập, tồn tại đó là UBND cấp huyện có trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho cá nhân, hộ gia đình không đúng với hiện trạng sử dụng đất.

Công tác quản lý đất đai của cơ quan có thẩm quyền chưa chặt chẽ, việc cấp GCNQSD đất không gắn liền với người sử dụng đất, lập bản đồ theo hệ VN 72 và VN 2000 có xê dịch, trình tự thủ tục cấp GCNQSD đất không đúng quy định của pháp luật; có những vụ, việc cấp GCNQSD đất trên cơ sở hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất nhưng không kiểm tra thực trạng quyền sử dụng (kiểm tra tài sản trên đất) dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.

Trước đây, việc cấp GCNQSD đất do đo vẽ thủ công nay được xác định bằng máy móc hiện đại nên có sự chênh lệch về diện tích và tọa độ. Trong quá trình phối hợp cung cấp tài liệu, tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ của cơ quan có thẩm quyền còn nhiều bất cập đối với vụ án có đất nằm trên địa giới hành chính sáp nhập làm cho quá trình xác minh, thẩm định gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, việc phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ, phối hợp về việc đối chiếu thực tế thửa đất với hồ sơ lưu trữ tuy được chú trọng quan tâm nhưng có trường hợp hồ sơ lưu trữ liên quan đến thửa đất đang tranh chấp không có, không đầy đủ nên không thể giải quyết vụ án. Trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ có những trường hợp phòng TN&MT cung cấp tài liệu hoặc trả lời công văn quá chậm hoặc không trả lời gây khó khăn trong quá trình thụ lý các vụ án...

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp

Chánh án TAND tỉnh Lê Hồng Quang cho biết, để tiếp tục quản lý hiệu quả đất đai trên địa bàn tỉnh, giải quyết tốt các tranh chấp khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện liên quan đến đất đai, đề nghị người đứng đầu chính quyền các cấp cần quan tâm phối hợp với TAND trong việc tham gia hoạt động đối thoại, hòa giải, tiếp xúc với Nhân dân trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật.

UBND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch việc thực hiện các dự án, chế độ chính sách, trình tự thủ tục liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư, giải quyết việc làm cho người lao động; kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, không sử dụng đúng thời hạn quy định hoặc sử dụng không có hiệu quả, sử dụng sai mục đích, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục kịp thời tồn tại, yếu kém trong quản lý sử dụng đất đai ở thôn, xã nhằm hạn chế phát sinh tranh chấp khiếu nại ngay từ cơ sở.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, trong đó chú trọng làm tốt công tác tiếp dân và tham mưu tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai cũng như tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa ngành TAND với ngành TN&MT, trong đó chủ động trao đổi thông tin và thống nhất phương án thực hiện đo đạc về đất, thẩm định tại chỗ, cung cấp tài liệu, chứng cứ để phục vụ giải quyết tranh chấp đất đai, góp phần giải quyết nhanh chóng, chính xác các vụ án đúng quy định pháp luật.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/con-nhieu-bat-cap-trong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-dat-dai/181233.htm