Còn nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất nghĩa trang (Bài 2): Buông lỏng quản lý, dễ phát sinh sai phạm

Có 'cầu' ắt có 'cung'! Vì đất nghĩa trang, nghĩa địa khan hiếm nên tại một số địa phương đã buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ cần người dân 'xuống tiền' là có thể giữ được suất đất cho người còn sống, dẫn đến đơn, thư khiếu nại vượt cấp.

Nhiều gia đình, dòng họ mong muốn mở rộng khu lăng mộ nhưng quỹ đất khan hiếm. Ảnh: Hà Hương

Tự ý “phân lô” bán đất nghĩa địa

Năm 2023, người dân phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa có đơn phản ánh việc ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng phố kiêm Bí thư chi bộ phố Trường Sơn và ông Lê Bá Bình, Quản trang nghĩa địa phố Trường Sơn tự ý bán đất nghĩa địa và không công khai, thông báo về việc thu chi đối với khoản từ tiền bán đất nghĩa địa.

Trước nội dung phản ánh của người dân, UBND TP Thanh Hóa đã lập đoàn kiểm tra, xác minh đơn phản ánh, kiến nghị của công dân phường Quảng Thịnh. Ngày 24/1/2024, UBND TP Thanh Hóa đã có Kết luận số 487/KL-UBND kiểm tra nội dung đơn thư phản ánh của công dân phường Quảng Thịnh.

Trong kết luận kiểm tra, đoàn kiểm tra đã chỉ rõ thực trạng việc quản lý, sử dụng đất nghĩa địa trên địa bàn phố Trường Sơn. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm để xảy ra tồn tại, hạn chế, vi phạm thuộc về UBND phường, chủ tịch UBND phường và công chức chuyên môn: địa chính - xây dựng, quy tắc đô thị; công chức tài chính - ngân sách phường và ông Nguyễn Đại Thắng. Trong đó, UBND phường, chủ tịch UBND phường thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng việc quản lý, sử dụng đất nghĩa địa tại phố Trường Sơn; thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc để cho bí thư, trưởng phố Trường Sơn tự ý phân ô, chia cấp đất không thuộc quy hoạch là đất nghĩa địa cho 12 hộ gia đình, cá nhân dưới hình thức xã hội hóa tại khu vực phía Nam sân bóng - phía Tây nghĩa địa Cồn Tương; không thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường công tác quản lý nghĩa địa trên địa bàn...

Bên cạnh đó, trong khu vực nghĩa địa Cồn Tương đang có tình trạng một số hộ gia đình bao chiếm đất, dành chỗ (mộ chờ), đặc biệt là khu vực giáp sông Nhà Lê (mới đầu tư xây dựng) chưa được xử lý triệt để, dứt điểm, dẫn đến các trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu mai táng không còn đất để sử dụng.

Đoàn kiểm tra cũng đã kết luận ông Nguyễn Đại Thắng không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng phố, cụ thể là: Không triệu tập và chủ trì hội nghị Nhân dân trong phố để tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi dân bàn và quyết định; không báo cáo UBND phường, tự ý giao cấp đất và thu tiền sử dụng đất nghĩa địa; việc thu, chi không công khai, minh bạch; không báo cáo kết quả công tác trước hội nghị Nhân dân phố theo định kỳ. Việc tự ý giao cấp đất và thu tiền đối với nhiều trường hợp có nhu cầu sử dụng đất mai táng, nằm ngoài nghĩa trang (cồn Tương), trên phần đất nông nghiệp và đất đã thu hồi giải phóng mặt bằng (do không còn khả năng canh tác) là vi phạm quy hoạch; việc thu chi các nguồn thu tài chính không công khai minh bạch, đầy đủ gây bức xúc trong Nhân dân, khó khăn trong việc xử lý, khắc phục, có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể UBND phường, cá nhân chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực; các công chức địa chính, kế toán thời kỳ từ năm 2018 đến 2023 để xảy ra những tồn tại hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất, chôn cất mộ trên đất ngoài nghĩa địa và việc thu đóng góp của Nhân dân tại phố Trường Sơn, tạo dư luận không tốt, làm phát sinh đơn thư phản ánh của công dân. Giao Đảng ủy, UBND phường Quảng Thịnh chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Đại Thắng có vi phạm trong việc tổ chức thu tiền đối với các hộ có nhu cầu chôn cất mộ ngoài khu vực nghĩa địa; không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng phố theo thẩm quyền; thu, chi tiền đóng góp của dân không công khai minh bạch để dân được biết và tham gia kiểm tra, giám sát theo quy định.

Trước đó, tháng 9/2023 UBND TP Thanh Hóa cũng đã ban hành kết luận kiểm tra về việc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang tại phường Quảng Đông. Chủ tịch UBND phường và các tập thể, cá nhân có liên quan đã phải tổ chức kiểm điểm về việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang.

Trong kết luận kiểm tra có nội dung liên quan đến kinh phí quản lý nghĩa trang huy động từ nguồn thu xã hội hóa đối với các hộ có nhu cầu sử dụng đất nghĩa trang nhằm mục đích phục vụ công tác “trông coi, bảo vệ”, vệ sinh môi trường, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhỏ tại nghĩa trang, không thực hiện theo quy mô như đối với các dự án đầu tư công nên việc đặt ra mức thu 1.000.000 đến 2.000.000 đồng/m2, theo diện tích (dành cho dòng tộc từ 30m2 trở lên) là không phù hợp, gây mất công bằng giữa các hộ gia đình có điều kiện về kinh tế và có nhu cầu (đặt chỗ, mua trước), không phù hợp với chủ trương, hạn chế chôn cất tại nghĩa địa tự phát (tập trung về nghĩa trang Chợ Nhàng)...

Thiếu kinh phí đầu tư, quản lý

Không chỉ thiếu kinh phí đầu tư, quản lý nghĩa trang dẫn đến những vụ việc sai phạm nêu trên mà việc thực hiện theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, tiêu chí thành phần số 17.9 (thuộc tiêu chí 17) có nội dung quy định nghĩa trang, cơ sở hỏa táng (nếu có) đáp ứng các quy định của pháp luật và theo quy hoạch. Thực hiện tiêu chí thành phần này, nhiều địa phương nhận diện được khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Nghĩa địa Cồn Tương, phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nga Trường (Nga Sơn) Nguyễn Văn Trụ chia sẻ: “Trước đây trên địa bàn xã có 7 khu nghĩa trang, nghĩa địa nằm rải rác ở các thôn. Việc vận động di dời các phần mộ quy về một mối là không thể bởi người dân nặng về yếu tố tâm linh. Khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, vận động Nhân dân để thực hiện đóng cửa các khu nghĩa trang có quỹ đất chật chội, không phù hợp quy hoạch; đồng thời đề nghị quy hoạch mở rộng khu nghĩa trang hiện có quỹ đất phù hợp, vận động người dân các thôn trong xã khi có người thân mất thì an táng tại khu nghĩa trang tập trung của xã. Ban đầu người dân không đồng thuận vì phải đi xa, nhưng qua công tác tuyên truyền, người dân cũng nâng cao nhận thức, thực hiện theo đúng quy định của địa phương đề ra. Hiện, trên địa bàn xã chỉ có 2 khu nghĩa trang tập trung là Lăng Đượng và Đồng Từ”.

Ông Trụ cũng cho biết thêm, trong thực hiện chương trình XDNTM nâng cao, để đạt chuẩn, địa phương phải huy động các nguồn kinh phí đầu tư vào các hạng mục liên quan đến 2 khu nghĩa trang trên như xây dựng tường bao, đường gom của cả 2 khu với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng; đầu tư 2 tuyến đường nhánh tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Khu đất nghĩa trang được chia thành các ô, đầu tư đường đi lối lại để vừa tạo thuận tiện cho Nhân dân, vừa hạn chế tình trạng lấn chiếm đất.

Không phủ nhận những nỗ lực từ chính quyền các xã trong việc quy hoạch khu nghĩa trang tập trung. Song, thực tế hiện trạng sử dụng đất tại các khu nghĩa trang cũng đang là bài toán khó trong công tác quản lý cho các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Văn (Đông Sơn) Lê Đoan Anh thừa nhận: “Nghĩa trang, nghĩa địa liên quan đến yếu tố tâm linh nên rất nhạy cảm. Việc quản lý các khu nghĩa trang nếu không chặt chẽ dễ dẫn tới việc bao chiếm đất, thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất chôn cất. Để đầu tư xây dựng một nghĩa trang Nhân dân đạt chuẩn thì cần phải có kinh phí. Song, thực tế nhiều xã chưa có nguồn kinh phí để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, quản lý nghĩa trang”.

Vì vậy, ngoài việc đóng cửa các khu nghĩa địa không phù hợp với quy hoạch, xã còn tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện hình thức hỏa táng. Hiện nay, tại một số thôn của xã, số hộ gia đình thực hiện hỏa táng cho người thân khi qua đời đạt tỷ lệ 90%. Có thể nói đây là một trong những thay đổi căn bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang ở xã.

Tại huyện Hoằng Hóa, kế hoạch nâng cấp, cải tạo các nghĩa trang Nhân dân trên địa bàn huyện đã yêu cầu rõ việc thực hiện nâng cấp, cải tạo nghĩa trang được thực hiện bằng 100% nguồn vốn đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, con em xa quê, các nhà tài trợ, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, việc thực hiện cải tạo các nghĩa trang Nhân dân phải thực hiện từng bước, những nơi huy động đủ nguồn lực thì đầu tư nâng cấp, chỉnh trang một lần; những nơi huy động chưa đủ nguồn lực thì phải chia thành nhiều giai đoạn để làm từng bước.

Trong báo cáo số 90/BC-UBND ngày 2/5/2024 của UBND tỉnh về tình hình quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc hiện nay, đó là rào cản, trở lực trong thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng. Bởi, nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng nghĩa trang hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là từ nguồn ngân sách Nhà nước; tuy nhiên việc phân bổ nguồn vốn cho công tác đầu tư xây dựng, quản lý nghĩa trang còn hạn chế gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư, sử dụng và quản lý nghĩa trang. Đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều nhà đầu tư, thành phần kinh tế tư nhân quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; hiện tại mới chỉ kêu gọi được Tổng Công ty CP Hợp Lực đầu tư xây dựng nghĩa trang tại khu vực huyện Thọ Xuân và nghĩa trang Chợ Nhàng, TP Thanh Hóa.

Hà Hương

Bài cuối: Giải bài toán quy hoạch nghĩa trang.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/con-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-su-dung-dat-nghia-trang-bai-2-buong-long-quan-ly-de-phat-sinh-sai-pham-216804.htm