Còn nhiều dư địa để phát triển thủy sản ở Bảo Thắng
Những năm qua, tỷ trọng ngành thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Bảo Thắng không ngừng tăng trưởng, trong khi dư địa phát triển của ngành này vẫn còn rất lớn.
Khoảng chục năm gần đây, người dân Bảo Thắng dần thay đổi phương thức nuôi cá quảng canh sang nuôi theo quy trình công nghiệp, bán công nghiệp. Ưu điểm của quy trình chăn nuôi này là tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ, cỏ, cám gạo, ngô… để giảm chi phí thức ăn, nâng cao chất lượng cá thương phẩm. Bên cạnh đó, việc kết hợp sử dụng các loại thức ăn công nghiệp và máy bắn cám tự động, sục khí… đã nâng cao hiệu quả lao động, nhiều hộ có điều kiện mở rộng diện tích nuôi.
Anh Bàn Trọng Nghĩa (thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải) chuyển từ chăn nuôi cá quảng canh sang thâm canh gần chục năm nay. Anh đầu tư gần 200 triệu đồng xây bờ ao, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước vào - ra, mua 6 máy sục khí, 3 máy bắn cám tự động hẹn giờ cho cá ăn. Với 3 ao nuôi (diện tích mặt nước 6.000 m2), anh nuôi 3 loại cá (trắm, chép, rô phi đơn tính), trung bình thu 7 - 8 tấn cá/năm. Anh Nghĩa khẳng định, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi cá đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ví dụ như xây dựng bờ ao kiên cố bằng bê tông sẽ giúp tiết kiệm nước, chống xói mòn, giảm công quản lý nguồn nước ra - vào ao. Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường ao nuôi giúp giảm và kiểm soát được dịch bệnh. Nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp với đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh. Sử dụng máy móc vào một số công đoạn chăn nuôi giúp giảm công lao động trực tiếp... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần so với nuôi thông thường.
Thị trấn Nông trường Phong Hải là địa bàn trọng điểm về phát triển thủy sản của huyện Bảo Thắng. Nuôi thủy sản đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là trong thời gian nông nhàn. Hiện bình quân mỗi năm, thị trấn xuất bán ra thị trường hơn 1.000 tấn cá thương phẩm, mang lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng. Nhiều hộ đã thoát nghèo và có thu nhập bền vững từ nuôi cá.
Tuy đã phát triển khá mạnh nhưng dư địa tăng trưởng của ngành thủy sản tại Phong Hải còn rất lớn. Hiện diện tích mặt nước nuôi cá thâm canh của thị trấn đạt gần 150 ha, với hơn 700 hộ nuôi (chiếm 50% số hộ nuôi cá trên địa bàn). Ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: Chỉ tính riêng 50% hộ còn nuôi quảng canh, nếu mạnh dạn đầu tư theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp, kiên cố bờ ao, mua sắm máy móc, ứng dụng quy trình chăn nuôi sinh học thì năng suất, chất lượng cá nuôi tại địa phương có thể tăng trưởng hơn nữa. Đó là chưa tính đến việc mở rộng diện tích ao nuôi.
Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 754 ha mặt nước nuôi thủy sản, sản lượng đạt 3.000 tấn/năm; giá trị thủy sản năm 2020 ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 56,3 tỷ đồng so với năm 2015. Những năm gần đây, người dân trong huyện đã chuyển dần từ nuôi thủy sản quảng canh sang thâm canh, nhờ vậy năng suất và sản lượng thủy sản tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, tiềm năng thủy sản của huyện vẫn chưa được khai thác hết (hiện tại diện tích thâm canh thủy sản chỉ chiếm khoảng 40%). Giai đoạn 2020 - 2025, hướng đi của Bảo Thắng là tập trung thâm canh, tăng năng suất bằng cách ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ trong sản xuất. Huyện phấn đấu sản lượng thủy sản đạt hơn 4.000 tấn/năm, năng suất đạt hơn 50 tấn/ha.
Trong nuôi thâm canh, phát triển thủy sản theo quy trình sản xuất an toàn là xu thế tất yếu nhằm tạo nên các sản phẩm đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, tạo sự an tâm cho khách hàng sử dụng. Các hộ nuôi phải chú trọng đến tất cả các khâu trong sản xuất như lựa chọn con giống, xây dựng chế độ ăn hằng ngày, thời gian cách ly hợp lý sau khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh và trọng lượng cá, thời gian xuất bán cá.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Thủy sản là sản phẩm chủ lực, thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, ngoài việc tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn, tham quan và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, huyện chú trọng đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật nuôi cá theo hướng an toàn sinh học.
Nhằm làm phong phú thêm sản phẩm, huyện đã định hướng cho các hộ thay đổi đối tượng nuôi, giảm diện tích nuôi giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp sang giống thủy sản mới như cá chiên, cá quả, chép giòn, chép lai… với hiệu quả kinh tế cao hơn. Để tăng giá trị sản xuất trên diện tích ao nuôi, huyện tiếp tục chỉ đạo nuôi thử nghiệm một số giống cá nước ngọt mới có giá trị kinh tế làm mô hình điểm để các tổ chức, cá nhân học tập, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương.
Hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 1 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thủy sản và hơn 50 thương lái chuyên cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cá cho người dân. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ dân đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm khai tác tốt tiềm năng kinh tế thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.