Còn nhiều dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia
Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út) còn rất lớn, dư địa hợp tác còn rất nhiều. Việt Nam luôn chào đón và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Saudi Arabia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh tổ chức chiều ngày 11/9, tại Hà Nội.
Phái đoàn Phòng Thương mại Riyadh tới Việt Nam lần này là đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, thương mại, đầu tư, năng lượng, logistics, công nghệ, lao động và các lĩnh vực khác. Saudi Arabia mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng tái tạo, cảng biển, thực phẩm Halal cho người Hồi giáo, du lịch và đổi mới sáng tạo.
Nhiều tiềm năng đang chờ cộng đồng doanh nghiệp hai nước khai thác
Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đã đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021- một con số rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Saudi Arabia đã và đang triển khai hiệu quả nhiều dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép...
Quỹ Phát triển Saudi Arabia cũng đã đầu tư tổng số tiền 164 triệu USD cho 12 dự án tại Việt Nam.; Tập đoàn Zamil có nhà máy thép tại Việt Nam, hoạt động từ năm 1997; Tập đoàn ACWA Power đã đầu tư vào 2 dự án điện tại Nam Định và Bình Thuận.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, những tiến triển về hợp tác kinh tế trong những năm qua giữa Việt Nam và Saudi Arabia là ấn tượng, song kết quả đạt được còn khiêm tốn và vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Saudi Arabia mới bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và 0,61% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Saudi Arabia. Hiện chưa có nhiều dự án đầu tư lớn của hai nước sang nhau.
Đồng tình với quan điểm này, Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến thị trường Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh sang Saudi Arabia.
Theo Đại sứ, mặc dù quan hệ song phương có những bước phát triển tích cực, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và triển vọng hợp tác. Những tiềm năng này vẫn đang chờ cộng đồng doanh nghiệp hai nước khai thác, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, công nghệ và năng lượng...
“Nhìn chung, hai bên còn nhiều việc phải làm, với nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa, để đưa quan hệ kinh tế phát triển ngày càng nhanh, sâu rộng và bền vững hơn.Với nền tảng quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp, với nhiều điểm tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, chúng ta đều thấy tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn, dư địa hợp tác còn rất nhiều” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
4 trụ cột hợp tác và 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy hợp tác
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều chính sách để phát triển quan hệ với các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi, khai mở thị trường Hồi giáo Halal, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế với các quốc gia Hồi giáo trên thế giới nói chung, cũng như các quốc gia Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia nói riêng.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, mới đây (cụ thể là từ ngày 15/8/2023), để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân, Việt Nam đã cho phép công dân tất cả các quốc gia, trong đó có công dân Saudi Arabia, đều có thể xin thị thực điện tử (e-visa) để nhập cảnh Việt Nam. Đây là “đòn bẩy” quan trọng mở ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian tới.
Theo Trưởng phái đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia, ông Abdullah Ibrahim Alkhorayef- Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp (Phòng Thương mại Riyadh), tầm nhìn 2030 đã tạo ra rất nhiều cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn cho nền kinh tế Saudi Arabia, từ đó, giúp thị trường Saudi Arabia trở nên hấp dẫn, thu hút các nguồn vốn và doanh nghiệp trên thế giới.
“Chúng tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại Saudi Arabia thông qua hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Saudi Arabia. Thông qua diễn đàn, chúng tôi cũng mong muốn tích cực tiếp nối những nỗ lực thắt chặt quan hệ và hợp tác kinh tế – thương mại giữa Saudi Arabia và Việt Nam bằng việc tận dụng mọi cơ hội sẵn có của nền kinh tế hai nước”- ông Abdullah Ibrahim Alkhorayef nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nêu ra 4 trụ cột hợp tác và 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian tới cho tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Bốn trụ cột hợp tác gồm: Nâng cao kim ngạch thương mại, đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal; Khuyến khích đầu tư vào thị trường của nhau trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp nặng và công nghiệp thực phẩm; Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hạ tầng số và viễn thông; Tạo động lực mới cho hợp tác du lịch và lao động theo hướng bền vững, hiệu quả, chất lượng cao.
Để thực hiện được 4 trụ cột hợp tác trên, Phó Thủ tướng lưu ý 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách (như ký kết các hiệp định mới) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa hai nước; Tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội hợp tác; các tập quán kinh doanh và quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước; Tổ chức có hiệu quả các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá về thương mại, đầu tư, du lịch… tại mỗi nước.
“Chúng tôi mong được đón thêm nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia đến Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam luôn chào đón và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Saudi Arabia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định./.