Còn nhiều hạn chế
Hiện nay, vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý, phát huy giá trị của các di tích lịch sử. Đây là một trong những nội dung sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14 diễn ra vào ngày 12.7.
Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý, phát huy giá trị của các di tích lịch sử. Đây là một trong những nội dung sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14 diễn ra vào ngày 12.7.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hiện nay, tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố, các di tích được phân cấp quản lý theo Quyết định số 50/2019/QĐ-UBND ngày 27.11.2019 quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Từ năm 2014 - 2023 việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh khoảng là 335 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là hơn 273 tỷ đồng, còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 480/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là 332 tỷ đồng.
Để đánh giá tình thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm trưởng đoàn công tác cùng lãnh đạo các Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) đã có chuyến khảo sát thực tế một số di tích lịch sử.
Tại di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Chót Mạt (ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên), đoàn ghi nhận tháp được trùng tu tôn tạo mới, đường vào di tích thuận tiện, cảnh quan khang trang. Công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin đến người dân cũng được địa phương thực hiện tốt.
Theo ông Lại Hồng Phút- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, trước đây, khi hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, bà con, du khách ít đến đây tham quan. Từ khi được huyện đầu tư đường sá, đặc biệt là khi có chương trình quảng bá di tích trên trang web, facebook của Huyện đoàn và trong học đường ở huyện, xã, hằng năm đều có các trường đến tham quan, tìm hiểu về di tích. Trong năm 2023, có khoảng 2.000 lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham quan tháp Chóp Mạt. Di tích sẽ được mở cửa mỗi ngày để đón du khách.
Tuy nhiên, hiện nay, tháp Chót Mạt chưa có người phụ trách chính trong công tác thuyết minh, giới thiệu đến du khách. Người quản lý tháp trực tiếp là 2 nhân viên nữ lao công, vừa bảo vệ vừa trông nom, dọn dẹp.
“Khi có du khách đến, xã sẽ cử công chức Văn hóa đến hỗ trợ, tư vấn về lịch sử hình thành của tháp Chóp Mạt. Nếu họ không liên hệ với xã, 2 cô lao công- là giáo viên nghỉ hưu- cũng nắm được lịch sử, có thể giới thiệu thêm cho du khách nắm”- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết.
Về kinh phí hoạt động, theo ông Lại Hồng Phút, mỗi năm, huyện phân bổ cho xã 70 triệu đồng, trong đó 54 triệu đồng dùng để chi trả tiền công cho 2 cô nhân viên bảo vệ, người quét dọn; số tiền còn lại để Ban Quản lý của di tích hoạt động. Ngoài ra, xã còn thực hiện công tác xã hội hóa, vận động người dân ở quanh khu vực tháp cùng trồng hoa, chăm sóc khuôn viên để di tích được khang trang, hài hòa hơn.
Tại Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Tua Hai (ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), đoàn ghi nhận, di tích có nhân viên thuyết minh phục vụ cho các đoàn khi đến tham quan. Lượng du khách đến tham quan, tìm hiểu di tích cũng tương đối nhiều.
Theo ông Phan Thanh Nhàn- Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, hiện nay, việc quảng bá thông tin về các di tích được phổ biến tại trang facebook của đơn vị, số lượng người truy cập, tương tác khá nhiều.
“Trước đây, khi chúng tôi chưa phụ trách, gần như không có khách. Nhưng từ sau khi Ban Quản lý tiếp nhận, quản lý tốt lại có thuyết minh, có biên chế anh em ở đây, đã thu hút được đông đảo du khách tìm đến, đa số là các trường học. Như ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi lần các trường đi khoảng 1.000 học sinh. Lý do là di tích Tua Hai nằm gần trung tâm thành phố Tây Ninh, các trường có xu hướng về đây, sau đó đưa học sinh về Long Điền Sơn để tiếp tục tham quan, vui chơi”- ông Phan Thanh Nhàn nói.
Đoàn của HĐND tỉnh khảo sát hiện trạng Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Chót Mạt.
Về nguồn xã hội hóa để trùng tu, sửa chữa, theo ông Nhàn, hiện Ban Quản lý rất ít khi kêu gọi, vận động, chủ yếu là nhờ các mạnh thường quân tâm huyết, từng gắn bó với các di tích ủng hộ để sửa chữa những hạng mục nhỏ. Còn lại, khi công trình xuống cấp, Ban Quản lý sẽ mời các sở, ngành cùng khảo sát, sau đó xin kinh phí của UBND tỉnh.
Về chủ quyền đất, di tích Địa điểm chiến thắng Tua Hai vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giám đốc Ban Quản lý các khu du tích lịch sử cách mạng miền Nam cho biết: “Trước đây, có tình trạng đất của khu di tích bị người dân bao chiếm để sản xuất, để ở. Việc bao chiếm xảy ra từ sau giải phóng. Địa phương đã tổ chức nhiều lần, nhiều đợt vận động, di dời người dân ra ngoài để bảo vệ khu di tích. Đến năm ngoái mới làm dứt điểm và hiện nay đã rào toàn bộ di tích. Phần phía sau đã xác định được diện tích, nhưng phần phía trước diện tích vẫn chưa xác định chính xác. Chúng tôi dự định đề nghị đo đạc, cắm mốc cho chính xác và đề nghị cấp quyền sử dụng đất trong thời gian tới”.
Tình trạng khu di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng xảy ra tại di tích Thành Bảo Long Giang (ấp Bảo, xã Long Giang, huyện Bến Cầu). Theo ông Nguyễn Văn Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Long Giang, khu di tích chưa được xây dựng hoàn chỉnh, do còn vướng tranh chấp với 1 hộ dân. “Hiện hay, việc tranh chấp cũng đã có bản án của Tòa án nhân dân tối cao. Do công trình chưa hoàn chỉnh, nên chưa có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)”- ông Minh cho biết.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Long Giang, Khu di tích Thành Bảo Long Giang hiện chưa có người trực tiếp quản lý, chăm sóc di tích. “Ban Quản lý của xã có cử một người thuộc Ban Quản lý làm thường trực, trông coi nhang khói; chưa có nguồn kinh phí để trả cho người trực tiếp bảo quản, trông nom khu di tích. Do không có kinh phí để thuê người bảo vệ, quản lý, vệ sinh, nhưng UBND xã, cũng như Ban Quản lý nhờ những người dân ở quanh đây thường xuyên lui tới vệ sinh, trên tinh thần tự nguyện”- ông Minh nói.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/con-nhieu-han-che-a175386.html