Còn nhiều hạn chế trong việc đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng

Thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quan tâm đến việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được giải quyết.

 Nhiều tuyến đường đã được đặt tên ở thị trấn Gio Linh

Nhiều tuyến đường đã được đặt tên ở thị trấn Gio Linh

Đổi thay từ tên đường, tên phố

Nhiều năm trước, đến Quảng Trị, khách phương xa gặp không ít khó khăn bởi thực trạng “nhà không số, phố không tên”. Mỗi lúc muốn tìm kiếm nơi ở của ai đó, họ phải vất vả nhờ chỉ dẫn. Thực tế ấy phần nào đã thay đổi. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt việc đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng cho 11 đơn vị là thành phố, thị xã, thị trấn theo quy định gồm: Thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh); các thị trấn Gio Linh, Cửa Việt (huyện Gio Linh); hai thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh (huyện Hướng Hóa); thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông); thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ); thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong); thị trấn Hải Lăng (huyện Hải Lăng), thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Các địa phương chủ yếu sử dụng ngân hàng dữ liệu tên địa danh, danh nhân, danh từ có ý nghĩa đã được HĐND tỉnh thông qua để đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn.

Trước đó, để không còn tình trạng “nhà không số, phố không tên”, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án về đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định. Đề án của các huyện, thị xã, thành phố được xây dựng có căn cứ khoa học, pháp lí, phù hợp với tình hình quy hoạch, cơ sở hạ tầng ở địa phương. Phần lớn đề án có bố cục hợp lí, nội dung đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Trong đó, các nguyên tắc, tiêu chí được sử dụng để đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng bám sát quy định, hướng dẫn của cấp trên. Thông qua đề án, hiện trạng hệ thống các tuyến đường trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn được phản ánh khá sinh động với những thông tin, thông số về quy mô, cấp độ từng tuyến.

Trong công tác đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, việc chọn tên nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố. Các nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử… luôn được lựa chọn khá kĩ. Quy mô, tầm vóc, ý nghĩa và vị thế các nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử, văn hóa được chọn để đặt tên về cơ bản phù hợp với tầm vóc, quy mô, cấp độ, vị trí từng con đường. Các mục từ được chọn về địa danh, danh từ có ý nghĩa, di tích lịch sử văn hóa, sự kiện lịch sử, chiến thắng tiêu biểu và danh nhân được cơ cấu theo tỉ lệ hợp lí giữa tỉnh và quốc gia. Đáng ghi nhận là các địa phương đã chú trọng đến tên danh nhân Quảng Trị và địa danh liên quan mật thiết đến vùng đất của mình.

Sau khi có quyết định về việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của HĐND tỉnh đối với thành phố Đông Hà và quyết định của UBND tỉnh đối với xã, thị trấn, các địa phương đã kịp thời thực hiện gắn biển số nhà, biển tên theo kích thước, chất liệu quy định tại các vị trí điểm đầu, điểm cuối tuyến đường, phố và nơi giao cắt. Người dân ở các thành phố, thị xã, thị trấn được đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng rất vui mừng trước những đổi thay tích cực của quê hương. Từ đây, họ thêm nêu cao quyết tâm xây dựng đô thị văn minh.

Còn nhiều hạn chế

Việc đặt tên đường, phố và các công trình công cộng tại các địa phương trong tỉnh đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lí đô thị và giáo dục, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương, đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước tiên, việc đặt, đổi tên đường, phố, công trình cộng cộng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Hiện nay, một số tuyến đường, công trình công cộng tại khu quy hoạch mới được xây dựng, khu tái định cư… vẫn chưa được đặt tên. Nhiều con đường làng, đường kiệt nhỏ hẹp được mở rộng, nâng cấp hay công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được cải tạo, xây mới vẫn đang còn chờ gắn biển. Tại huyện Vĩnh Linh, việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng được tiến hành từ năm 2005. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa trình bổ sung, điều chỉnh đề án để đặt tên cho các tuyến đường mới xây dựng và đặc biệt là đặt tên cho những con đường ở hai thị trấn Cửa Tùng, Bến Quan.

Theo ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh, việc chọn tên danh nhân, địa danh lịch sử, quốc hiệu, danh từ có ý nghĩa để đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng còn thiếu sự cân đối, hài hòa. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do trước năm 2008, ngân hàng dữ liệu sử dụng để đặt tên đường phố, công trình công cộng còn ít. Tại thành phố Đông Hà, 90 - 95% đường phố có tên của các danh nhân cổ đại và cận đại của quốc gia. Tỉ lệ đó ở các huyện, thị xã khác trên địa bàn cũng khá cao. Trong khi đó, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng tiêu biểu thời hiện đại và một số anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, các vị lão thành cách mạng của địa phương chưa được chú ý lựa chọn để đặt tên. Sự thiếu cân đối, hài hòa còn thể hiện ở cơ cấu tên đường, phố và công trình công cộng. Qua thống kê, phân loại cho thấy, tên đường là danh nhân, anh hùng dân tộc của quốc gia có tỉ lệ khá cao so với tên địa danh, sự kiện, danh nhân và danh từ có ý nghĩa của địa phương. Ở một số địa phương, tính đặc trưng của tên đường vẫn còn hạn chế.

Một thực tế khác là hiện nay, tỉ lệ tên đường phố và tên các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh có sự trùng lặp khá cao. Hầu hết các địa phương đều chung thực trạng đặt trùng nhiều tên đường với công trình công cộng. Việc đánh số nhà ở một số địa phương không tuân thủ theo nguyên tắc đã quy định là đánh số nhà từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, bên phải là số chẵn, bên trái là số lẻ như: Đường Trần Phú, Hùng Vương (thành phố Đông Hà), đường Hùng Vương (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh)… Một số tên đường không có trong ngân hàng dữ liệu nhưng địa phương vẫn đặt tên, gắn biển, đơn cử như đường Cù Bai ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh cho biết, vừa qua các thành viên trong hội đồng đã có chuyến khảo sát thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá thực trạng đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, bên cạnh nhiều ưu điểm, công tác đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trong tỉnh vẫn còn không ít hạn chế. Để khắc phục, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đề án đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng của địa phương mình. Cùng với đó, một việc rất quan trọng là quan tâm bố trí kinh phí và chỉ đạo thành lập tổ tư vấn hoặc hội đồng tư vấn của địa phương để rà soát, điều chỉnh, xây dựng bổ sung đề án đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng để hoạt động này diễn ra theo đúng quy định. Các địa phương cần nghiêm túc sử dụng ngân hàng dữ liệu đã được HĐND tỉnh thông qua để đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng và phải có sự rà soát, bổ sung hằng năm.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144131