Còn nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình trên cả nước giảm dần, từ 3,81kg/ha năm 2020 xuống 3,19kg/ha năm 2022, trong đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học có xu hướng tăng, từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022. Đây là một tín hiệu rất tích cực đối với ngành nông nghiệp và người tiêu dùng.

Ngày 2/11, Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị về “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Hoàng Trung.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết: “Tính đến tháng 10, riêng kim ngạch xuất khẩu của ngành trồng trọt là khoảng 22 tỷ USD, đóng góp gần 50% toàn ngành. Bên cạnh việc đảm bảo kiểm soát sâu bệnh và dịch hại, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt là hỗ trợ phát triển ngành bền vững, xanh và chất lượng cao. Do đó, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV là rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học.”

Theo ông Trung, Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương đã đồng hành và tạo ra các kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian qua. Trong danh mục thuốc BVTV hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới.

Mặc dù xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học đã tăng lên nhưng theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - ông Huỳnh Tấn Đạt, vẫn còn rất nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách như hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; kinh phí đầu tư và duy trì hệ thống trang thiết bị, nghiên cứu chất lượng thuốc còn hạn chế…

"Đặc biệt, vấn đề nhân rộng sử dụng thuốc BVTV sinh học còn khó khăn, người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học ít được lựa chọn do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng", ông Đạt thẳng thắn.

Theo chia sẻ của tổ chức CropLife Châu Á, trên quy mô toàn cầu, ngoài hơn 600 hoạt chất BVTV tổng hợp, hiện có khoảng 300 hoạt chất và sinh vật trừ sâu sinh học. Bắc Mỹ hiện tại đang là khu vực có tỷ lệ ứng dụng thuốc BVTV sinh học cao nhất. Về mức độ sử dụng phổ biến, thuốc trừ sâu sinh học đang chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại thuốc BVTV sinh học và thuốc hóa học có nguồn gốc tự nhiên chiếm 1/3 thị trường thuốc BVTV sinh học. Trong giai đoạn 2005 – 2025; mức độ tăng trưởng thị trường thuốc BVTV sinh học bình quân hàng năm là 10%, trong khi tỷ lệ này của thuốc hóa học đang giảm 3% mỗi năm.

Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc BVTV sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Trong công tác quản lý, một số chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc BVTV sinh học so với các thuốc BVTV hóa học đã được ban hành và triển khai.

Đối với thuốc BVTV sinh học, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc BVTV sinh học đã được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Các loại thuốc BVTV sinh học đã được đăng ký vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm: Thuốc BVTV sinh học là các vi sinh vật chiếm khoảng 13%; thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc tự nhiên chiếm khoảng 24%; thuốc BVTV sinh học thuộc nhóm hóa sinh chiếm khoảng 63%.

Người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ.

Người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ.

GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám Đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học được bắt đầu từ những năm 1970 với một số công trình đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín. Tuy nhiên cho tới nay, có rất ít sản phẩm đang được giới thiệu và thương mại trên thị trường. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) đã chia sẻ một số khó khăn như: Hiệu lực sinh học thấp, giá thành cao và ít lựa chọn. Ông cho rằng, thuốc BVTV sinh học chưa thể thay thế hoàn toàn thuốc BVTV hóa học trong giai đoạn hiện nay.

Tiến sỹ Tony Alfonso, Chủ tịch Tổ công tác về Thuốc BVTV Sinh học – CropLife Châu Á cho rằng, thuốc BVTV sinh học mang lại các cơ hội và lợi ích nổi bật, nhưng không nên được xem như biện pháp thay thế cho thuốc BVTV hóa học. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc triển khai hệ thống pháp lý có tính dự báo và phù hợp đối với thuốc BVTV sinh học để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả nhất quán của sản phẩm mà không làm hạn chế việc giới thiệu và thương mại thuốc BVTV sinh học trên thị trường, trong đó cần có những hướng dẫn đăng ký và quản lý riêng đối với thuốc BVTV và cơ chế kiểm soát chất lượng chặt chẽ.

C.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/con-nhieu-han-che-ve-co-che-chinh-sach-lien-quan-den-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-i712568/