Còn nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

Sau nhiều năm ra đời và đi vào hoạt động, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò 'trường học' tiện ích của người dân theo phương châm 'cần gì học nấy', góp phần mang lại sự đổi thay đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của các TTHTCĐ vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập cần giải pháp tháo gỡ.

Giám đốc TTHTCĐ xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động, mở lớp của trung tâm trong năm 2022.

Với hình thức hoạt động đa dạng đáp ứng được nhu cầu của mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục, hội khuyến học trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc học tập thường xuyên, không phân biệt trình độ hay nghề nghiệp, các TTHTCĐ đã đưa phong trào học tập cộng đồng phát triển rộng khắp trong tỉnh. Hoạt động của các TTHTCĐ ngày càng mở rộng về quy mô và đa dạng các nội dung giáo dục, thu hút được nhiều người dân tham gia. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các trung tâm mở được trên 15.000 lớp học, thu hút cả triệu lượt người tham gia. Tính riêng từ tháng 10-2021 đến nay, các trung tâm đã mở được 8.790 lớp với số người tham gia học tập là 837.693 lượt người. Trong đó, nhóm thông tin về chính trị, thời sự, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn...) mở được 3.401 lớp, với 328.890 lượt người tham gia học tập. Nhóm chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, cách tổ chức sản xuất mới phòng tránh bệnh cho người, cho cây trồng, gia súc, gia cầm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương mở được 2.423 lớp, với 218.416 lượt người tham gia học tập. Nhóm dạy nghề tạo việc làm mở được 554 lớp với 39.526 lượt người tham gia học tập...

Tuy nhiên, hoạt động của TTHTCĐ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo bà Trịnh Thị Loan, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) hạn chế và khó khăn nhất của trung tâm hiện này là chưa có phòng làm việc riêng, máy tính được trang cấp gần 10 năm nay nên hiệu quả hoạt động không được như mong muốn. Ngoài ra, nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của trung tâm hạn hẹp nên đã ảnh hưởng đến việc mở lớp và tổ chức các hoạt động của trung tâm. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại phòng làm việc của TTHTCĐ xã Vĩnh Phúc đang được ghép chung với phòng làm việc của khuyến nông viên và không được trang bị tủ sách, tủ tài liệu riêng. Các lớp học phần lớn được mở tại nhà văn hóa các thôn. Bà Trần Thị Lê, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc khẳng định: Thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của TTHTCĐ xã là thực tế diễn ra nhiều năm qua. Trong thời gian tới, ban giám đốc trung tâm sẽ tham mưu cho đảng ủy, HĐND xã quan tâm đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm và phát huy tối đa vai trò “trường học” tiện ích của dân trong mọi giai đoạn, mọi thời điểm.

Không có phòng làm việc riêng, thiếu trang thiết bị phục vụ các hoạt động của trung tâm cũng là vấn đề đặt ra tại TTHTCĐ xã Thiệu Long (Thiệu Hóa). Theo ông Lê Văn Bé, Chủ tịch UBND xã, giám đốc TTHTCĐ xã Thiệu Long, không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của trung tâm đều là cán bộ kiêm nhiệm nên việc dành thời gian cho hoạt động của trung tâm hạn chế. Bên cạnh đó nguồn kinh phí hạn hẹp nên trung tâm chưa tổ chức được nhiều lớp học theo nhu cầu của người dân dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn. Đấy là chưa nói, có thời điểm sau khi mở lớp việc áp dụng của người dân chưa mang lại hiệu quả thực sự.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), có không ít tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ. Đơn cử như trong quá trình hoạt động một số TTHTCĐ chưa chủ động tổ chức thực hiện theo kế hoạch chương trình, nội dung cần bồi dưỡng, học tập đã đề ra, chủ yếu hoạt động theo kế hoạch của xã, đoàn thể hoặc tiếp nhận kế hoạch từ cấp trên. Vẫn còn một số TTHTCĐ hoạt động nặng tính hình thức và kém hiệu quả, một số TTHTCĐ còn khó khăn và lúng túng trong việc xác định nội dung, phương thức hoạt động nên chưa đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân. Trong khi đó, không ít trung tâm lại chưa đi sâu khảo sát nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là nhu cầu học nghề để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nên số người học nghề và có việc làm còn thấp. Tại một số địa phương, các điều kiện bảo đảm cho trung tâm hoạt động vẫn còn thiếu nhiều. Trang thiết bị, đặc biệt là máy tính phục vụ cho hoạt động của trung tâm được đầu tư những năm 2012 nay đã xuống cấp, khai thác kém hiệu quả. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên biệt phái ngày một giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các trung tâm. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 35/559 trung tâm có giáo viên biệt phái...

Để các TTHTCĐ thực sự là “trường học” tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thiết nghĩ các tổ chức, ban, ngành liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó tự giác học tập và tự đề xuất các nhu cầu học tập đối với trung tâm. Đồng thời quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để chăm lo việc học cho dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ. Cùng với đó, các trung tâm cần huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện để hoạt động, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ số lượng, chất lượng để thu hút người dân đến học và vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, đời sống hiệu quả nhất. Đặc biệt, với mỗi trung tâm cần phải đổi mới phương pháp nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” của người dân và sát với thực tế của địa phương.

Bài và ảnh: P.S

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/con-nhieu-kho-khan-bat-cap-trong-hoat-dong-cua-cac-trung-tam-hoc-tap-cong-dong/159182.htm