Còn nhiều khó khăn

ĐBP - Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 9.000 người nghiện; trong đó, 258 người đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội (LĐXH) và hàng trăm người cai nghiện tại cộng đồng. Sau khi cai nghiện thành công, học viên được các cơ quan, đơn vị định hướng nghề nghiệp và được chính quyền địa phương tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ người sau cai nghiện trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Anh Vừ Chù Chớ (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với lực lượng Công an xã, Đồn Biên phòng Mường Mươn về quá trình tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.

Anh Vừ Chù Chớ (48 tuổi), bản Hồ Chim 1, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) là trường hợp điển hình trong số người nghiện sau cai tái hòa nhập tốt với cộng đồng. Anh Chớ từng có “thâm niên” trên 20 năm nghiện ma túy. Hậu quả của quá trình dài nghiện ma túy khiến kinh tế gia đình anh Chớ khánh kiệt. Đến năm 2007, được sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương, anh Chớ đăng ký đi cai nghiện tập trung. Sau khi cắt cơn thành công, anh Vừ Chù Chớ được giáo dục pháp luật, chính trị, học nghề, truyền nghề, tập trung vào kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Trở về địa phương, anh Chớ nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực đăng ký tham gia các lớp đào tạo, tập huấn trồng trọt, chăn nuôi do huyện, xã tổ chức tại địa bàn. Năm 2010, anh Chớ đầu tư mua trâu sinh sản phát triển chăn nuôi và tích cực khai hoang ruộng nước, cấy lúa 2 vụ. Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, đến nay, gia đình anh có đàn gia súc 5 con; 3.000m2 ruộng 2 vụ và gần 3ha nương trồng ngô và lúa luân canh. Anh Vừ Chù Chớ cho biết: Sau cai nghiện, trở về địa phương, tôi được gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng và tham gia các lớp tập huấn, học nghề. Đấy là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây, tôi đã cai nghiện thành công, kinh tế gia đình ở mức trung bình khá đủ để lo cho con cái học hành và trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên trường hợp cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng thành công như anh Vừ Chù Chớ trên địa bàn tỉnh không nhiều. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH tỉnh hiện đang quản lý 258 người nghiện ma túy; trong đó, 219 học viên cai nghiện bắt buộc, 39 học viên cai nghiện tự nguyện. Trung tâm thường xuyên tổ chức hướng dẫn, dạy nghề cho học viên, như: Nghề hàn xì cơ khí; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; sửa chữa, lắp đặt điện nước sinh hoạt... Việc định hướng đào tạo nghề được Trung tâm coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp học viên có việc làm khi trở về với đời thường, hạn chế tái nghiện. Trong gần 10 năm, Trung tâm đã tổ chức truyền nghề (hướng dẫn, định hướng nghề) thông qua lao động trị liệu cho 1.739 lượt người, tổ chức dạy nghề cho 565 học viên cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương, chương trình dạy nghề được tổ chức trong quá trình cai nghiện mới chỉ mang tính “trị liệu” là chính chứ chưa thực sự tạo được việc làm cho người nghiện sau cai. Bản thân người nghiện sau cai phải tự trau dồi, tìm hiểu, nắm bắt cơ hội học hỏi mới có thể lành nghề. Đặc biệt là cần có ý chí, quyết tâm tìm việc, tạo việc làm phù hợp, tránh xa môi trường cũ.

Đối với công tác dạy nghề được tổ chức tại cộng đồng, từ năm 2012, lớp dạy nghề dành riêng cho người nghiện sau cai trở về địa phương cũng không bố trí tổ chức được vì không có kinh phí. Ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết thêm: Đối với các khóa đào tạo nghề ngắn hạn tại địa phương bằng nguồn ngân sách Nhà nước, người nghiện sau cai cũng ít được tiếp cận và tham gia. Một phần là do công tác tuyên truyền vận động của địa phương chưa thực sự tích cực, hiệu quả, mặt khác là do bản thân người nghiện sau cai chưa có ý thức, định hướng nghề nghiệp cho mình sau khi trở về địa phương.

Ngoài những chương trình trên, được biết những năm qua, từ nguồn ngân sách tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện chương trình cho người nghiện sau cai, người hoàn lương vay vốn để học nghề, phát triển kinh tế sau khi trở về địa phương. Tuy nhiên, theo như ông Lê Lương Giáp, Phó phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ và Tín dụng (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh) cho biết: “Khi người nghiện ma túy, người thi hành xong án tù trở về địa phương đều được tuyên truyền, giới thiệu về chương trình vay vốn của Quỹ Hoàn lương. Nhưng đến nay, tổng dư nợ toàn tỉnh chỉ đạt 447 triệu đồng với 24 người vay vốn”. Để tái hòa nhập cộng đồng, cần nhiều hơn sự vươn lên của chính những người đã buông bỏ được ma túy. Sự vươn lên ấy có thể thấy rõ qua việc dám làm, dám đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, vun vén cuộc sống mới ổn định, no ấm.

Bài, ảnh: Bảo Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/180683/con-nhieu-kho-khan