Còn nhiều khó khăn cản đường phát triển của ngành lương thực thực phẩm

Sự cạnh tranh gay gắt, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và chi phí sản xuất ngày càng cao là những bước cản phát triển của ngành lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trong năm qua.

Tại Hội nghị tổng kết năm của Hội lương thực thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (FFA) vừa tổ chức, ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch FFA- cho biết, tính đến tháng 11/2019, ngành lương thực thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 1,25% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, sản xuất đồ uống tăng 7,38%, riêng chế biến thực phẩm giảm đến 2,28% so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển của ngành giảm chủ yếu do nhóm chế biến sữa, các sản phẩm từ sữa giảm 14,06%; nhóm ngành sản xuất mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự giảm 14,33%.

Theo ông Dũng, cùng với chi phí sản xuất tăng cao, sự cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới đã làm cho hoạt động sản xuất kin hdoanh của doanh nghiệp giảm sút.

Tuy nhiên, theo FFA, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của cả nước và TP.Hồ Chí Minh vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm - thủy sản trong 11 tháng năm 2019 ước đạt 65,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018 và nhập khẩu ước khoảng 28,5 tỷ USD, giảm 0,7%. Thặng dư thương mại đạt 8.8 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ 2018. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 41,3 tỷ USD và thặng dư thương mại ước khoảng gần 10 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,9% tổng kim ngạch; tiếp theo là Hoa Kỳ (21,9%), EU (11,7%), ASEAN (10,1%), Nhật Bản (8,8%) và Hàn Quốc (5,8%).

Trứng gà Omega của Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt là mặt hàng mới dành cho thị trường Tết Canh Tý

Trứng gà Omega của Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt là mặt hàng mới dành cho thị trường Tết Canh Tý

Ngành lương thục thực phẩm là một trong bốn ngành trọng yếu của kinh tế TP. Hồ Chí Minh và hàng năm đóng góp lớn trong hoạt động của lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, ông Trương Tiến Dũng cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ còn gặp khó, trong đó do nhiều biến động khó lường của kinh tế thế giới ảnh hưởng. Mặt khác các hiệp định thương mại đã được ký kết (EVFTA, IPA, CPT PP...) tuy sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho hàng hóa trong nước.

Chưa hết, trong năm 20120, rất nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn do chưa sẵn sàng cho những quy tắc, tiêu chuẩn mới mà thị trường trong nước và ngoài nước đặt ra. Tình trạng thiếu hụt nhân công lao động có tay nghề cũng là vấn đề đang khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được giải tỏa.

Để tháo gỡ những khó khăn của ngành, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA - đề xuất, TP. Hồ Chí Minh sớm phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên biệt dành cho ngành chế biến lương thực thực phẩm, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp đang thiếu nhà xưởng để sản xuất. Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.Tổ chức kết nối các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề để tạo thêm sức mạnh và giảm bớt sự cạnh tranh lẫn nhau.

Nhằm giúp sản phẩm lương thực thực phẩm chế biến tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, ngoài nâng tầm chất lượng của từng sản phẩm, ngành lương thực thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư nhiều hơn cho khâu bao bì, mẫu mã hàng hóa. Theo bà Trang, một sản phẩm thực phẩm chế biến được bao gói bằng bao bì đẹp giá trị sẽ cao hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm của thành phố hiện đang đóng gói sản phẩm bằng bao bì sử dụng một lần, vì vậy cần cứu để thay đổi thành bao bì thân thiện môi trường, để cùng với người tiêu dùng chung tay bảo vệ môi trường.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/con-nhieu-kho-khan-can-duong-phat-trien-cua-nganh-luong-thuc-thuc-pham-130385.html