Vận chuyển hành khách qua đường sắt tăng mạnh

Vận chuyển hành khách bằng đường sắt đến hết tháng 6 ước đạt 3.671.177 lượt khách, bằng 117% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.521,5 nghìn tấn xếp, bằng 115% so với cùng kỳ.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty do cơ quan này quản lý.

Theo đó, về lĩnh vực vận tải, ước tính đến hết tháng 5, tình hình vận chuyển hành khách và hàng hóa nhận được tiếp tục có nhiều tín hiệu khả quan.

Cụ thể, với lĩnh vực đường sắt, vận chuyển hành khách ước đạt 3.671.177 lượt khách, bằng 117% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.521,5 nghìn tấn xếp, bằng 115% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này duy trì liên tục trong nhiều tháng đầu năm 2024.

Vận chuyển hành khách bằng đường sắt duy trì tăng trưởng trong nhiều tháng đầu năm 2024.

Vận chuyển hành khách bằng đường sắt duy trì tăng trưởng trong nhiều tháng đầu năm 2024.

Lĩnh vực đường bộ (qua các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý), tổng lưu lượng xe qua các tuyến 6 tháng đầu năm 2024 đạt 33,3 triệu lượt xe, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu thu phí (không gồm VAT) đạt 2.906 tỷ đồng đạt 53,92% kế hoạch năm 2024, tăng 21 % so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó tăng khoảng 10% do tăng giá dịch vụ).

Với lĩnh vực hàng không, tính đến hết tháng 6, thông qua toàn bộ mạng lưới cảng hàng không của ACV, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 54,71 triệu khách, bằng 48% kế hoạch năm và bằng 96% so với cùng kỳ.

Còn sản lượng vận chuyển hàng hóa bưu kiện ước đạt 722.865 nghìn tấn, bằng 52% kế hoạch năm và bằng 124% so với cùng kỳ.

Sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines ước đạt 11,25 triệu khách, bằng 49% kế hoạch năm và bằng 110% so với cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 140,703 nghìn tấn, bằng 51% kế hoạch năm và bằng 140% so với cùng kỳ.

Với lĩnh vực đường biển, tính đến hết tháng 6, sản lượng vận tải biển ước đạt 9,5 triệu tấn, bằng 60% kế hoạch năm và bằng 97% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 71 triệu tấn, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 137% so với cùng kỳ.

Hiện triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49.

Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp (lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam).

Bên cạnh đó, tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp…

Từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn (vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp…).

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/van-chuyen-hanh-khach-qua-duong-sat-tang-manh-192240716170706793.htm