Còn nhiều khó khăn khi giao dịch xuyên biên giới

Thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của Đắk Lắk, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trên 'đại lộ' này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đang gặp khó khăn.

Sử dụng các phần mềm công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH MTV ANH Coffee.

Sử dụng các phần mềm công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH MTV ANH Coffee.

Vẫn khó tiếp cận

Cơ hội mở rộng xuất khẩu nông sản không chỉ cho DN xuất khẩu nói chung mà cho cả các DN nhỏ, HTX, các cá nhân có sản phẩm tốt và biết vận dụng TMĐT.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì có không ít thách thức, đó là những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu đối với lĩnh vực TMĐT... Đây chính là những vấn đề mà DN, các nhà bán hàng cần phải tìm hiểu, nắm bắt cụ thể.

Chính vì vậy, việc đưa hàng hóa lên sàn, nhất là các sàn TMĐT quốc tế là vấn đề không hề dễ. Theo thống kê của Sở Công thương Đắk Lắk cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, TMĐT xuyên biên giới chưa nhiều, giao dịch TMĐT B2B (giao dịch TMĐT giữa DN với DN) chiếm khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu năm 2020.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 15% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên các thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của DN, 80% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; chỉ có 5% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến…

Theo bà Lê Vũ Thùy Dung (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk), quá trình đăng ký trở thành đối tác của Amazon không hề dễ dàng, phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của Amazon. Hàng hóa phải chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường; phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía Amazon. Lên được sàn rồi, DN vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp…

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, các DN đã tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, phần nhiều vẫn còn ở mức sơ khai, nhiều DN vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, chưa đầu tư thích đáng để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong DN. “Chuyển đổi số và đưa sản phẩm lên bán trên nền tảng TMĐT cần sự quan tâm, thay đổi tư duy, trước hết là người đứng đầu DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh”, ông Dương chia sẻ.

Theo các DN, để dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao dịch sản phẩm đến tay khách hàng quốc tế, DN cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, trước hết về mặt thông tin.

Ông Phạm Hoài Nguyên Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV ANH Coffee chia sẻ, trong giao dịch xuyên biên giới thông qua TMĐT, DN rất cần nhận được hỗ trợ về thông tin khách hàng, tra cứu khả năng tài chính của đối tác, pháp lý, thông tin về ngành hàng của nước sở tại từ các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để tránh những rủi ro đáng tiếc trong giao dịch hàng hóa, thanh toán. DN cũng mong muốn được kết nối, chia sẻ thông tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để phát huy lợi thế về am hiểu thị trường sở tại…

Nhiều thách thức với các HTX

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến. Điều này không chỉ buộc các DN mà các HTX cũng phải thay đổi cách thức bán hàng cho phù hợp với xu thế của người tiêu dùng. Việc các HTX đẩy mạnh bán hàng online hay thực hiện bán hàng thông qua các nền tảng TMĐT đã giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm của HTX với các thị trường tiềm năng.

Theo các chuyên gia, không chỉ DN mà các HTX vẫn đang tìm đến sàn thương mại trực tuyến xuyên biên giới Alibaba. Bán hàng qua các trang thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các HTX mở rộng thị trường nhanh chóng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận.

Đặc biệt hiện nay, Sở NN-PTNT đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện trên 100 dự án liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đây là nền tảng vững chắc giúp các HTX này đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, việc bán hàng thành công trên các trang TMĐT quốc tế là điều không hề dễ đối với các HTX vì đây là vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

Theo ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc), mặc dù sản phẩm của HTX đã lên được các sàn TMĐT trong nước, nhưng đơn vị vẫn muốn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thông qua kênh TMĐT Alibaba.com, với hy vọng sản phẩm sẽ bán được tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX là kinh phí để duy trì hoạt động trên sàn này khá lớn, trong khi doanh thu của HTX chưa nhiều.

Mặt khác, nhân lực cũng là vấn đề khó của HTX. Hiện tại đội ngũ nhân lực của HTX chủ yếu là nông dân nên các vấn đề liên quan đến TMĐT xuyên biên giới đều rất khó tiếp cận. Trong khi đó, việc thu hút nhân lực có trình độ tham gia vào HTX cũng không dễ, vì nhiều bạn trẻ có trình độ lại không mặn mà vào HTX làm vì lương thấp.

Đối với HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng) thì việc tiếp cận các sàn TMĐT trong nước tương đối dễ dàng vì có đội ngũ quản lý trẻ và chuyên môn hóa trong từng bộ phận. Nhưng cái khó nhất của HTX khi tiếp cận với sàn TMĐT xuyên biên giới là trình độ ngoại ngữ chưa thể đáp ứng trong việc giao thương với các đối tác nước ngoài.

Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam về HTX chuyển đổi số cho thấy, điều kiện cơ bản để tham gia các sàn TMĐT xuyên biên giới là cán bộ, thành viên HTX phải sử dụng được các công cụ thông minh. Mô hình kinh doanh phải ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi để vượt qua những "hàng rào kỹ thuật" của các đối tác trên thế giới và đặc biệt là có thể đáp ứng số lượng nông sản lớn mỗi lần xuất khẩu. HTX cũng cần phải đầu tư cho logistics để bảo đảm giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa của khách hàng. Bên cạnh đó, HTX cần phải có hạ tầng công nghệ thông tin, có trụ sở làm việc đầy đủ.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk: TMĐT xuyên biên giới đang là mảnh đất màu mỡ cho DN vượt khó và phát triển trong bối cảnh đại dịch. Nếu DN không bán hàng trên các kênh, sàn TMĐT sẽ bỏ lỡ mất cơ hội quan trọng. Nhưng để hàng hóa phổ biến trên TMĐT lại xuất phát từ nỗ lực của bản thân DN. Nếu không có sự chuẩn bị trước và chiến lược dài hạn, DN sẽ khó có thể đứng vững”.

Theo Minh Thuận - Đỗ Lan/Báo Đăk Lắk

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/con-nhieu-kho-khan-khi-giao-dich-xuyen-bien-gioi-342309.html