Còn nhiều khó khăn trong đảm bảo giao thông mùa mưa lũ
Mấy năm trở lại đây, mưa lũ diễn biến bất thường, thời gian diễn ra mưa lớn kéo dài, cường độ mạnh hơn đã gây nhiều thiệt hại cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh lộ 151, địa phận xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn bị sạt lở nghiêm trọng trong trận lũ tháng 7, năm 2018. Sau gần 2 năm, đến nay việc sửa chữa vẫn chưa được hoàn thành khiến các phương tiện giao thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Trần Văn Hiếu, lái xe tải thường xuyên trên Tỉnh lộ 151 cho biết: Trên Tỉnh lộ 151 có nhiều điểm sạt lở, lại vào những đoạn cua nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Vẫn biết đi lại qua những khu vực này nguy hiểm, nhưng chúng tôi không có lựa chọn khác. Rất mong cơ quan chức năng sớm khắc phục sự cố sạt lở để việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn.
Cùng với việc nhiều đoạn đường bị xuống cấp, thì trên tuyến Tỉnh lộ 151 còn có nhiều ngầm tràn qua suối được xây dựng từ lâu, nên việc thoát lũ kém hiệu quả, mỗi khi có mưa lớn lại xảy ra ngập lụt, gây ách tắc giao thông.
Tỉnh lộ 151 là tuyến đường huyết mạch nối huyện Văn Bàn và huyện Bảo Thắng đi thành phố Lào Cai. Đặc biệt, đây cũng là tuyến vận chuyển quặng từ các điểm mỏ ở huyện Văn Bàn đi Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Tuyến Tỉnh lộ 151 xuống cấp đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ông Trần Trung Phương, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn cho biết: Trên địa bàn xã Sơn Thủy có 2 tuyến đường quan trọng chạy qua, đó là Tỉnh lộ 151 và Quốc lộ 279. Hai tuyến đường này được đầu tư đã lâu, hơn nữa lại có nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển quặng chạy qua khiến một số điểm, đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Những điểm sạt lở ở ta luy âm trên tuyến Tỉnh lộ 151 rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Không chỉ Tỉnh lộ 151 mà trên địa bàn tỉnh còn nhiều tuyến đường bị hư hỏng do mưa lũ, mặt đường xuống cấp, ta luy sạt lở nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Có mặt trên tuyến Tỉnh lộ 151C, nối từ Quốc lộ 279 đi xã Tân An, huyện Văn Bàn và sang tỉnh Yên Bái, nhóm phóng viên ghi nhận, nhiều đoạn đã bị hư hỏng mặt đường, có đoạn lòng đường bị khoét thành hố sâu; đặc biệt đoạn từ trung tâm xã Tân An đi Nhà máy gạch Tân An có hàng chục điểm mặt đường bị cày xới. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân khiến tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng một phần do mưa lũ.
Lào Cai hiện có các tuyến quốc lộ, cao tốc chạy qua gồm: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279 với tổng chiều dài 527 km. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 16 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 957 km và hơn 7.000 km đường huyện, đường xã, đường nông thôn.
Khi thực hiện phóng sự này, đến các địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và đường giao thông nông thôn bị sạt lở hoặc hư hỏng, nguyên nhân chủ yếu là do mưa lũ và một phần do xe quá tải trọng gây ra. Hiện các địa phương có hạ tầng giao thông bị hư hỏng nhiều nhất là: Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên…
Ông Đoàn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cho biết: Trong những năm qua, tình hình thời tiết của Việt Nam nói chung, Lào Cai nói riêng diễn biến phức tạp, dị thường, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra, cho nên ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh. Chỉ cần một cơn mưa to, hay trận lũ là có thể cuốn mất hẳn cả một đoạn đường.
Theo thống kê, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở ta luy với khối lượng hàng trăm nghìn mét khối đất, đá, nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại về giao thông hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù thời gian qua tỉnh và Bộ Giao thông vận tải đã quan tâm đầu tư hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ và khó khăn về nguồn lực, nên công tác bảo dưỡng, duy tu hạ tầng giao thông chưa được kịp thời, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông.
Ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cho biết: Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thường trực, kiểm tra, thống kê những điểm sạt lở trên các tuyến đường để có phương án tạm thời khắc phục, sau đó huy động nguồn lực để nâng cấp hoàn chỉnh.
Mùa mưa lũ đã cận kề, yêu cầu cấp thiết đặt ra là tỉnh và ngành chức năng cần khẩn trương xây dựng phương án và tìm nguồn lực để phục vụ sửa chữa, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.