Còn nhiều khó khăn trong ngày tựu trường ở Lai Châu
Cùng với cả nước, hôm nay (5/9), hơn 14 nghìn học sinh con em các dân tộc huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) nô nức tựu trường. Tuy nhiên với đặc thù của huyện biên giới với 10 dân tộc anh em sinh sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cở sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho công tác dạy học ngay đầu năm này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mường Tè (Lai Châu) đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; từ 6-10 tuổi đạt 99,9%; học sinh lớp 3, 4, 5 các điểm trường lẻ về trung tâm học đạt 97,6%; 100% học sinh lớp 3 được học trực tiếp môn tiếng Anh và môn Tin học; công nhận mới được 3 trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn huyện lên 21/36 trường; trình độ đạt chuẩn của cán bộ, quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao. Duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 1; giáo dục mầm non và tiểu học đứng vị trí thứ 2 so với các huyện trong toàn tỉnh.
Năm học 2023-2024, huyện Mường Tè (Lai Châu) có 36 trường trực thuộc Phòng giáo dục và Đào tạo quản lý với 603 lớp, hơn 14 nghìn học sinh. Mặc dù những năm qua, ngành giáo dục của huyện biên giới Mường Tè nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của nhà nước; tuy nhiên ngành vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường tè cho biết, bước vào năm học mới toàn huyện vẫn còn hơn 195 phòng học bán kiên cố, 18 phòng học tạm.
Do đặc thù huyện chủ yếu là các trường học sinh đều ở bán trú nên cơ sở hạ tầng dành cho công tác nuôi dạy bán trú còn thiếu, phòng ở cho học sinh nhiều trường tạm bợ, ở phòng lắp ghép, nhà ăn, nhà bếp, hệ thống vệ sinh còn thiếu. Bên cạnh đó, mặc dù vừa qua huyện đã tổ chức tuyển dụng được 26 giáo viên. Tuy nhiên hiện trên địa bàn vẫn còn thiếu 78 giáo viên ở các cấp học do không có nguồn tuyển.
Cũng theo ông Sơn, ngoài những khó khăn trên tại một số cộng đồng dân tộc, bà con vẫn còn những hạn chế trong nhận thức về việc học tập của con em mình.
Đơn cử như tại một số địa bàn có cộng đồng người La Hủ sinh sống như xã Tá Bạ, Pa Ủ… trước thềm năm học mới, thầy cô vẫn phải đến từng bản, từng hộ, thậm chí phải lên tận lán nương để vận động và đón học sinh về trường.
Mặc dù vậy, tỷ lệ học sinh ra lớp tại một số trường vùng này vẫn thấp hơn mặt bằng chung của cả huyện, thậm chí có những trường, tỷ lệ học sinh ra lớp đầu năm học mới chỉ đạt trên 70%.
Nguyên nhân ở đây một phần do nhận thức của người dân, một phần do đồng bào La Hủ hiện đã ra khỏi diện đặc biệt ít người, đặc biệt khó khăn (Dân tộc có hơn 10 nghìn người, trong thực tế, cộng đồng dân tộc La Hủ vẫn là cộng đồng người có tỷ lệ nghèo, lạc hậu và chậm tiến nhất Lai Châu) nên chế độ cho học sinh đến lớp bị hạ thấp.
Một bộ phận học sinh bị hạ chế độ hỗ trợ nhưng không thuộc diện theo quy định để được học bán trú dẫn đến tâm lý không muốn đến trường… Do đó, ngay cả sau khai giảng, các nhà trường, thầy cô và chính quyền địa phương vẫn phải tiếp tục tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động và đón học sinh.
Cùng với những khó khăn ở huyện biên giới Mường Tè, ngành giáo dục Lai Châu ngay đầu năm học mới này cũng còn gặp thêm không ít khó khăn như thiếu so với số biên chế được giao 827 người ở các bậc học (mầm non thiếu 231 người, tiểu học thiếu 216; trung học cơ sở 350; trung học phổ thông 30); Số giáo viên có mặt thiếu so định mức là 1387 người (Mầm non 668; tiểu học 211; trung học cơ sở 449; trung học phổ thông 59).
Trong khi đó việc tuyển dụng và hợp đồng giáo viên ở những môn học mới còn gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng. Việc triển khai mua sắm trang thiết bị dạy học chưa kịp thời, do công tác thẩm định giá thiết bị dạy học tối thiểu đặc biệt là danh mục thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới còn chậm.
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Năm học này, toàn tỉnh Lai Châu có gần 151.500 học sinh, ở 337 đơn vị trường.
Mục tiêu của ngành giáo dục địa phương năm học này vẫn là tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cũng như triển khai chương trình giáo dục mầm non mới.
Mặc dù toàn ngành hiện đang thiếu gần 1.000 giáo viên, để đáp ứng yêu cầu năm học, ngành đang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, để tăng cường, biệt phái, điều động.
Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, phòng giáo dục dồn, dịch học sinh những điểm trường nhỏ lẻ về các điểm trung tâm, những nơi có điều kiện bảo đảm để giảm số lớp.