Đưa con đi học bằng xe máy, con đội mũ bảo hiểm, bố 'đầu trần' làm gương kiểu gì

Dù công tác kiểm tra, giám sát học sinh thực hiện ATGT diễn ra quyết liệt, nhiều thầy cô vẫn phải 'bất lực' khi thấy phụ huynh giao xe cho con em đi học.

Theo quy định Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được tham gia thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô, xe máy và điều khiển xe trên 50 phân khối.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50 phân khối tham gia giao thông nói chung và đến trường nói riêng. Thậm chí, gia đình giao xe cho con em cầm lái, dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, nhà trường ra sức tuyên truyền.

Còn có tình trạng học sinh “lách luật”, tránh sự giám sát của nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy PhanQuang Tấn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã mời Công an huyện Thạch Hà về tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật đến toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh, trong đó, nội dung an toàn giao thông được chú trọng; sau buổi tuyên truyền sẽ thực hiện ký cam kết giữa cán bộ giáo viên, học sinh với nhà trường.

Tiếp theo, nhà trường theo dõi, đôn đốc việc tuân thủ của học sinh, tùy vào mức độ vi phạm, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý. Học sinh vi phạm nhẹ sẽ bị phạt lao động công ích; vi phạm nặng hơn, sẽ đưa vào đánh giá rèn luyện vào cuối học kỳ, năm học. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ xem xét hạ thi đua của các lớp có học sinh vi phạm an toàn giao thông khi có giấy của cơ quan công an gửi về, thông báo danh sách các trường hợp, phương tiện vi phạm".

Thầy Tấn nhận định, đến thời điểm hiện tại, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, vi phạm an toàn giao thông đã được hạn chế rõ rệt.

 Thầy Phan Quang Tấn - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Website trường.

Thầy Phan Quang Tấn - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Website trường.

Thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng nhận định, công tác tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo vô cùng quyết liệt, nhờ đó đem lại hiệu quả cao.

"Từ các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa, các hoạt động phối hợp cùng công an huyện đến các cuộc họp, nhà trường đều nhắc đến vấn đề an toàn giao thông. Chúng tôi luôn bám sát Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đồng thời, ngày 30/10/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về thực hiện quy định của pháp luật về Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông’.

Theo đánh giá ban đầu, công tác tuyên truyền tại trường đã có hiệu quả rõ rệt. Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi ghi nhận rất ít trường hợp học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối đến trường”.

 Thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Đề cập đến vấn đề tuyên truyền tại trường, thầy Phi cho hay: “Để đạt được kết quả trên, nhà trường đã cử đội cờ đỏ trực chốt ngay phía ngoài cổng trường, gắn thêm hệ thống loa phát thanh nhằm nhắc nhở, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm riêng ở các học sinh mà còn đến từ phía phụ huynh. Nhận thức được điều này, nhà trường đã ra sức tuyên truyền, thậm chí tâm sự với phụ huynh thông qua các buổi họp đầu năm. Nhà trường rất cần sự thấu hiểu và phối hợp của phụ huynh trong vấn đề giáo dục, nhắc nhở con em”.

Thầy Phi cho biết thêm, để học sinh hiểu được trách nhiệm của mình, nhà trường phối hợp cùng lực lượng công an huyện, công an xã, cho học sinh ký cam kết chấp hành an toàn giao thông. Sau đó, phụ huynh sẽ là người ký xác nhận vào các bản cam kết đó.

Dù vậy, trong thực tế, vẫn có một số học sinh lựa chọn “lách luật” bằng cách gửi xe bên ngoài nhà trường, để tránh sự giám sát.

“Có những học sinh khi sử dụng xe máy trên 50 phân khối đến trường, thường không dám đưa xe vào khu vực gửi xe của nhà trường, mà lén để xe ở phía bên ngoài, gửi trong nhà dân.

Điều này không chỉ gây mất an ninh trật tự, mà còn ảnh hưởng đến chính nhận thức của học sinh. Các em sẽ có suy nghĩ coi thường pháp luật, gây khó cho công tác giáo dục”, thầy Phi nói thêm.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cũng nhận định, học sinh đang có nhiều “chiêu trò” để tránh né sự quản lý của nhà trường cũng như lực lượng chức năng.

“Có thể, lúc ở trong trường, học sinh chấp hành rất nghiêm túc, nhưng khi ra khỏi cảnh cổng trường, rất khó để thầy cô kiểm soát việc các em có đội mũ bảo hiểm đầy đủ hay không. Chưa kể, việc học sinh lén gửi xe máy trên 50 phân khối ngoài nhà trường cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Với những trường hợp này, nhà trường phải nhờ đến lực lượng công an huyện, công an xã xử lý. Thậm chí, các nhà dân kinh doanh dịch vụ gửi xe cũng phải viết cam kết, không bao che cho học sinh đem xe máy đến gửi”, thầy Bình chia sẻ.

Ngoài ra, thầy Bình cũng cho biết thêm: “Nhà trường đang áp dụng hình thức nhắc nhở đối với học sinh vi phạm một lần. Nếu học sinh nằm trong danh sách vi phạm an toàn giao thông do Công an huyện Phú Xuyên gửi về từ hai lần trở lên, trường sẽ áp dụng hình thức hạ hạnh kiểm”.

 Thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Website trường.

Thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Website trường.

Thầy Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, khi đứng đón học sinh tại cổng trường, không ít lần thầy phải “lắc đầu ngao ngán”: “Một phụ huynh từng nói với tôi ‘cháu đi học xa, nhà lại có 4 - 5 cái xe để đó, không ai đi, nên cho cháu sử dụng đi học cho đỡ phí’. Những lúc như vậy, tôi rất buồn vì phụ huynh còn quá chủ quan.

Có những ngày, tôi phải trực tiếp ra “canh cổng”. Đứng tại cổng trường đón học sinh, tôi chứng kiến cảnh con ngồi sau đội mũ bảo hiểm, bố ngồi trước lại để đầu trần. Khi tôi nhắc nhở, họ cười, rồi xin lỗi và nói sẽ rút kinh nghiệm”.

Học sinh phóng nhanh khi gặp công an, phụ huynh chủ quan, gây khó cho nhà trường

Nhắc đến các tình huống rủi ro mà học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi có thể gặp phải, thầy Lê Thái Phi buồn rầu nói: “Các em học sinh khi chưa đủ 18 tuổi, sẽ không thể thi giấy phép lái xe. Vì vậy, về mặt lý thuyết, các em chưa nắm vững luật an toàn giao thông và đã sai luật. Hơn nữa, tôi vô cùng e ngại khi các em tự điều khiển xe máy trên 50 phân khối đến trường, không dám đi đường chính nên luồn lách vào các ngõ nhỏ.

Nguy hiểm hơn, một số học sinh khi gặp cảnh sát giao thông hay thầy cô trên đường, vì tâm lý sợ sệt, các em liền phóng ga đi rất nhanh, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Các tình huống xảy ra tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh cũng thường vì lý do này.

Để hạn chế tình trạng trên, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên đã lập danh sách, ghi tên học sinh và ngày/tháng/năm sinh, kèm phương tiện đang sử dụng để tới trường. Sau đó, nhà trường tiến hành rà soát, phân loại những học sinh nào đã đủ tuổi, học sinh nào chưa đủ tuổi điều khiển xe máy có dung tích trên 50 phân khối. Nếu phát hiện trường hợp học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy tham gia giao thông, giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện để trao đổi với phụ huynh và tìm phương án di chuyển khác an toàn hơn”.

Thầy Phi cho biết, nhà trường đưa ra hai phương án: Một là phụ huynh sẽ đưa đón con em đi học; hai là học sinh có thể nhờ các anh chị khóa trên đưa đi học bằng xe đạp hoặc xe đạp điện, xe máy điện không cần bằng lái (xe máy điện có tốc độ dưới 50 km/h).

 Trường Trung học phổ thông Đồng Quan tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: NVCC.

Trường Trung học phổ thông Đồng Quan tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: NVCC.

Đồng tình với ý kiến trên, thầy Phan Quang Tấn cho biết: “Việc học sinh điều khiển xe có dung tích vượt mức cho phép là vi phạm quy định về an toàn giao thông, có thể bị xử phạt, ảnh hưởng đến lý lịch và hình ảnh của các em.

Ngoài ra, học sinh chưa đủ 18 tuổi thường thiếu kỹ năng lái xe và phản xạ trong các tình huống nguy hiểm. Nếu sử dụng xe có dung tích xi lanh lớn, khi không quen thuộc với tốc độ và lực của xe, học sinh dễ mất kiểm soát, gây tai nạn cho bản thân và người khác”.

 Thầy Phan Quang Tấn (ngồi giữa) cùng các giáo viên ký cam kết quản lý học sinh chấp hành an toàn giao thông. Ảnh: NVCC

Thầy Phan Quang Tấn (ngồi giữa) cùng các giáo viên ký cam kết quản lý học sinh chấp hành an toàn giao thông. Ảnh: NVCC

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng cũng nhấn mạnh, để hạn chế tối đa tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông, phụ huynh cần làm gương cho con, tuân thủ và có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ một cách nghiêm túc. Bản thân phụ huynh cũng phải hiểu và nắm rõ các quy định về tuổi và giấy phép lái xe, đặc biệt là độ tuổi tối thiểu để điều khiển xe máy và yêu cầu về dung tích xi lanh của xe.

“Sẽ rất tốt, nếu phụ huynh có thể phối hợp với nhà trường và các tổ chức địa phương, cùng xây dựng các chương trình giáo dục về an toàn giao thông, theo dõi và quản lý việc học sinh tham gia giao thông mỗi ngày”, thầy Tấn bày tỏ.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dua-con-di-hoc-bang-xe-may-con-doi-mu-bao-hiem-bo-dau-tran-lam-guong-kieu-gi-post246900.gd