Còn nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai
Việc huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Sự cần thiết
Trải qua hàng chục năm thực hiện công tác DS-KHHGĐ, các chuyên gia nhận định, một trong những bài học kinh nghiệm về tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong thời gian qua là: "Huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các ngành, đoàn thể và cộng đồng, tạo phong trào thực hiện KHHGĐ sâu rộng, được nhân dân hưởng ứng".
Mục tiêu công tác mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng này trước hết là vì lợi ích của dân và phải do dân thực hiện. Do vậy, để công tác dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đạt được kết quả bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện đạt mức tiên tiến trên thế giới trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần cần có những chính sách đẩy mạnh và tăng cường công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác này.
Theo đó, việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong công tác DS-KHHGĐ sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Tăng cường vai trò lãnh đạo và điều phối của cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng phương tiện tránh thai, các dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ, thỏa mãn được yêu cầu khắt khe của người dân đối với hàng hóa và dịch vụ chăm sóc SKSS.
Bên cạnh đó, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực xã hội trong công tác DS-KHHGĐ nhờ huy động và tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đóng góp, quản lý, giám sát các hoạt động cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ.
Trên cơ sở đó, ngày 12/3/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818). Mục tiêu của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ chất lượng cao. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc SKSS cho người dân trong thời kỳ hiện đại và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng các sản phẩm, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng.
Số lượng đơn vị tham gia cung ứng sản phẩm xã hội hóa còn hạn chế
5 năm qua, Đề án 818 được triển khai đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đồng thời giúp thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng.
Tuy nhiên, theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục Dân số), kể từ khi bắt đầu triển khai, Đề án 818 còn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu y tế - dân số phân bổ chậm. Trong khi đó nguồn lực triển khai xã hội hóa còn hạn chế, kinh phí Trung ương hạn hẹp, không có kinh phí để hỗ trợ thường xuyên cho địa phương. Do đó, địa phương gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt đề án/kế hoạch cũng như triển khai hoạt động xã hội hóa (vẫn còn 14/63 tỉnh, thành phố (chiếm 22,22%) gặp khó khăn trong việc phê duyệt Đề án/kế hoạch xã hội hóa).
Về việc huy động các đơn vị tham gia Đề án, theo Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818, thời gian qua, số lượng đơn vị tham gia cung ứng sản phẩm xã hội hóa còn hạn chế do chưa có cơ chế khuyến khích, huy động các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia. Hơn nữa, chương trình cấp phương tiện tránh thai miễn phí, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đang được thực hiện tại các tỉnh/thành phố kèm với sự trợ giá một phần của Nhà nước, do vậy việc người dân phải chi trả dịch vụ theo chương trình xã hội hóa là hết sức khó khăn.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện Đề án, theo ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, việc phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế theo phân khúc thị trường còn nhiều hạn chế.
Mạng lưới cung ứng các sản phẩm phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS/KHHGĐ theo Kênh phân phối hàng hóa thông qua hệ thống cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp, nhà thuốc chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm phân phối trong Đề án 818 còn bị ngắt quãng trong việc cung ứng gây tâm lý không tốt cho đội ngũ nhân viên bán hàng cũng như người dân trong quá trình phân phối và sử dụng sản phẩm; một số doanh nghiệp yêu cầu thanh toán sớm trong thời gian ngắn sau khi nhập sản phẩm hoặc tính lãi suất nếu quá hạn.
Tuy nhiên đối với đặc điểm là đơn vị quản lý Nhà nước, việc yêu cầu thanh toán sớm như đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì không thể thực hiện được. Do vậy đã ảnh hưởng đến việc phân phối đa dạng các sản phẩm của Đề án trên địa bàn tỉnh.